Lễ ký bản ghi nhớ giữa Cảnh sát biển Việt Nam (phải) và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ ngày 25-5, nhân chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Phùng Quang Thanh - Ảnh: Bộ QPVN
Các chuyên gia từ châu Âu đã đưa ra những đề xuất cho việc giảm nhiệt ở biển Đông.
“Giới truyền thông đại chúng nói rất ít về vấn đề này, còn giới chính trị lún vào các khó khăn nội bộ!” - ông Didier Billion, phó giám đốc Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS), nhận xét về cách người châu Âu nhìn về vấn đề biển Đông và biển Hoa Đông hiện nay.
Có thể thấy ở châu Âu ai cũng biết cách hành xử sai trái của Trung Quốc ở biển Đông, nhưng lên tiếng nhiều chỉ ở cấp chuyên gia. “Tôi chẳng thể nói gì với anh. Bắt buộc phải giữ mồm giữ miệng!” - một nhà ngoại giao cấp cao của Pháp nói nhỏ với tôi và yêu cầu không nêu tên. Còn một vị khác giải thích rõ hơn: “Chuyện Liên minh châu Âu có cách hành xử khác biệt cũng bình thường thôi. Mỗi quốc gia phản ứng với Trung Quốc tùy thuộc lợi ích riêng ngắn hạn của mình. Anh cứ thử nhân lên theo 28 quốc gia sẽ thấy rối rắm đến thế nào”.
Liên minh châu Âu hoàn toàn có thể đóng vai trò trung gian hòa giải như từng thành công ở Đông Timor và nhiều khu vực khác trên thế giới Nhà ngoại giao Christian Lechervy |
Trung Quốc không thể làm ngơ phán quyết của tòa quốc tế
Hiểu rõ tình huống đó nên Viện IRIS của Pháp và Quỹ Gabriel Péri vừa tổ chức hội thảo về biển Đông tại Paris với mục tiêu rất rõ là “khách quan và nhằm đem lại các chìa khóa giải pháp cho giới chính trị gia”.
Thật sự các chuyên gia đều quan ngại về kiểu hành xử của Trung Quốc. Ông Baladas Ghoshal - giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xung đột và hòa bình kiêm giám đốc Hội Nghiên cứu Ấn Độ Dương, đến từ New Delhi - nói: “Không quốc gia nào lại dùng vũ lực đơn phương áp đặt lệnh kiểm soát đánh bắt cá và thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ)”.
Vì thế, trước câu hỏi “Làm thế nào để buộc Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế?” thì các chuyên gia có vẻ rất hào hứng.
Nhà nghiên cứu Jean Vincent Brisset, tướng quân đội Pháp hiện làm giám đốc nghiên cứu ở Viện IRIS, ghi nhận: “Philippines đã đưa các tranh chấp với Trung Quốc ra tòa án quốc tế, không nhằm đòi hỏi chủ quyền cụ thể nào mà chỉ nhằm xem xét đòi hỏi của Trung Quốc là có chính đáng theo luật hay không. Cách này rất hay vì cho phép vô hiệu hóa các lập luận của Trung Quốc mà không phải dính vào những tranh cãi mang tính lịch sử kéo dài vô tận”.
Theo các chuyên gia có mặt tại hội thảo, Trung Quốc dù chống lại mọi giải pháp quốc tế và đa phương cũng không thể làm ngơ phán quyết của tòa quốc tế.
Đồng quan điểm, giáo sư Eric Mottet, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu địa chính trị Quebec (Canada), nhận định: “Cách của Philippines là cách hay để buộc Trung Quốc phải thoái lui hoặc ít ra không tiến xa thêm. Cần phải bày tỏ quan điểm ủng hộ Philippines trong vụ kiện này”.
Vị giáo sư Canada cũng ủng hộ ý tưởng về một liên minh chiến lược đồng lợi ích để gây sức ép lên Trung Quốc: “Một mặt vẫn giữ đối thoại với Bắc Kinh, mặt khác Việt Nam vẫn có lợi khi thiết lập quan hệ đối tác quốc phòng với Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Philippines và trong chừng mực nào đó với Nga”.
Còn giáo sư Prabhakar Williams thuộc Trung tâm Nghiên cứu châu Á ở New Delhi phát biểu: “Ấn Độ đang và sẽ ủng hộ Philippines, Việt Nam, Nhật và các nước khác trong tiến trình tư pháp quốc tế. Ấn Độ là một cường quốc trong khu vực và cũng có những lợi ích chiến lược của mình ở biển Đông. Ấn Độ sẽ không để quốc gia nào khác độc chiếm vùng biển này. Ấn Độ muốn tham gia đảm bảo tự do hàng hải ở biển Đông và sẽ làm tất cả vì điều này”.
“Nhà đàm phán” EU
Trước khả năng Trung Quốc từ chối giải quyết các tranh chấp bằng đường tài phán quốc tế hoặc giải quyết kiểu đa phương quy tụ các quốc gia có liên quan, nhà nghiên cứu chính trị Bruno Hellendorff thuộc Nhóm nghiên cứu và thông tin vì hòa bình và an ninh (GRIP) ở Bỉ đề xuất: “Dù Trung Quốc có muốn hay không, các quốc gia có liên quan cần yêu cầu tài phán quốc tế hoặc phiên xử của tòa quốc tế. Thậm chí các quốc gia có thể thiết lập một thể chế liên đới cho phép cùng nhau khai thác tài nguyên biển, nhưng đảm bảo được tính trung lập và tự do hàng hải trong những vùng tranh chấp”.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) thống nhất quan điểm với Mỹ về cam kết bảo vệ tự do hàng hải và hàng không ở khu vực biển Đông. Đại sứ Pháp Christian Lechervy, đại diện thường trực của Pháp ở cộng đồng Thái Bình Dương, nhấn mạnh: “Pháp cũng có lợi ích trong khu vực này. Pháp và Anh có những thỏa thuận quốc phòng và đối tác chiến lược với một số quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương. Pháp sẽ hành động một khi Trung Quốc vượt ranh giới. Pháp là quốc gia duy nhất ở châu Âu có lực lượng quân sự hải quân đồn trú trong khu vực này. Nói thật ra Pháp và EU vẫn bàn bạc về vấn đề này dù hành động của chúng tôi không thể hiện nhiều ở công luận. Nói chung EU sẽ xem xét lại quan điểm và hành động của mình theo diễn biến tình hình mới hiện nay”.
Còn theo góc độ chuyên gia, việc hòa giải với sự hiện diện của bên thứ ba là cần thiết để hạ nhiệt căng thẳng và khiến Trung Quốc biết lắng nghe hơn, sẵn sàng thảo luận theo luật quốc tế. Nhà nghiên cứu của Ấn Độ Baladas Ghoshal ghi nhận: “Các bên hòa giải có độ trung lập đâu có thiếu, chẳng hạn từ Liên Hiệp Quốc, từ EU hoặc thậm chí từ Thụy Sĩ, từ Singapore. Nhưng hành động nhanh nhất trước các hoạt động của Trung Quốc chắc chắn phải đến từ các quốc gia ASEAN, từ tổ chức ASEAN. Vai trò của ASEAN là quan trọng cốt lõi trong việc giải quyết các tranh chấp hiện nay, vì phản ứng của ASEAN tác động trực tiếp đến Trung Quốc do các quan hệ ngoại giao lâu nay, các giao thương kinh tế và thậm chí các ảnh hưởng chính trị. Vấn đề là Trung Quốc đang tìm cách chia rẽ ASEAN, nhưng mọi chuyện vẫn có thể thay đổi...”./.
Võ Trung Dung/ Tuổi Trẻ Online (từ Paris)