Tiếng Việt | English

10/12/2016 - 10:38

Quyết định luận tội Tổng thống, Hàn Quốc có rơi vào bất ổn?

Các nhà quan sát cho rằng, việc luận tội bà Park Geun-hye là dấu hiệu báo trước một thời kỳ bất ổn chính trị, chia rẽ trong nội bộ các đảng phái.

Chiều 9/12, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua đề xuất luận tội Tổng thống Park Geun-hye theo đề xuất của phe đối lập với cáo buộc bà Park có liên quan đến những bê bối của người bạn thân Choi Soo-sil.

Đề xuất luận tội này đã được thông qua với 234 phiếu thuận, 56 phiếu chống, 7 phiếu không hợp lệ, 2 phiếu trắng. Chủ tịch Quốc hội Chung Se-kyun không tham gia bỏ phiếu. Tỷ lệ này vượt quá số phiếu cần thiết (200 phiếu) để thông qua đề xuất luận tội.

Với việc Quốc hội thông qua đề xuất trên, bà Park Geun-hye bị đình chỉ chức vụ Tổng thống và Thủ tướng đương nhiệm Hwang Kyo-ahn sẽ tạm thời đảm nhiệm chức vụ này.


Chủ tịch Quốc hội Chung Se-kyun thông báo việc Quốc hội thông qua đề xuất luận tội Tổng thống Park Geun-hye. Ảnh: Yonhap

“Số phận” bà Park Geun-hye nằm trong tay 9 thẩm phán

Theo luật pháp Hàn Quốc, Tòa án Hiến pháp sẽ cử ra 9 thẩm phán để xem xét và ra phán quyết cuối cùng về đề xuất luận tội tổng thống. Tòa sẽ có khoảng thời gian 180 ngày đề đưa ra phán quyết cuối cùng tính từ ngày nhận được yêu cầu của Quốc hội (ngày 9/12). Tuy nhiên, Tòa án Hiến pháp được cho là sẽ dành ít nhất 60 ngày để đưa ra phán quyết của mình.

Cũng theo luật quy định, phải có ít nhất 6/9 thẩm phán chấp thuận thì đề xuất luận tội tổng thống mới có hiệu lực. Trong quá trình xem xét, Tòa Hiến pháp sẽ nghe lý lẽ của cả hai bên. Chủ tịch Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ trình bày căn cứ luận tội và luật sư của bà Park Geun-hye sẽ đưa ra chứng cứ phản bác. Không loại trừ khả năng Tòa sẽ tổ chức các phiên điều trần công khai.

Trong trường hợp Tòa án Hiến pháp đưa ra phán quyết nhất trí luận tội tổng thống, bà Park Geun-hye sẽ bị đình chỉ chức vụ ngay lập tức và một cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ diễn ra trong vòng 60 ngày tiếp theo.

Trường hợp Tòa bác bỏ đề xuất luận tội, bà Park Geun-hye sẽ tiếp tục nắm quyền tổng thống của Hàn Quốc cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 2/2018.

Phát biểu trong phiên họp nội các cuối cùng trước khi bị đình chỉ chức vụ theo đề xuất luận tội được Quốc hội thông qua chiều 9/12, bà Park Geun-hye đã yêu cầu các bộ trưởng nỗ lực để giảm thiểu những tác động của vụ việc này và ổn định tình hình kinh tế đất nước.

Bà Park Geun-hye tiếp tục xin lỗi người dân và nói rằng, bà "rất coi trọng" tiếng nói của họ cũng như của Quốc hội Hàn Quốc và hy vọng rằng, những hiểu lầm từ vụ bê bối chính trị vừa qua sẽ sớm được giải quyết.

Đề cập đến những khó khăn và thách thức đối với an ninh quốc gia và nền kinh tế, bà Park Geun-hye nhấn mạnh sự cần thiết của chính phủ trong việc phối hợp để ổn định tình hình sau những tác động của việc Quốc hội thông qua đề xuất luận tội tổng thống và bà bị đình chỉ chức vụ.

“Kể từ thời điểm này, tôi sẽ bình tĩnh đối mặt với việc luận tội tại Tòa án Hiến pháp cũng như các điều tra độc lập theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật”, bà Park Geun-hye cho biết.

Bà Park cũng hy vọng Thủ tướng Hwang Kyo-ahn với cương vị Tổng thống tạm quyền sẽ đóng vai trò trung tâm và mỗi bộ trưởng sẽ nỗ lực hết sức mình, bằng quyết tâm phi thường để ổn định kinh tế và an ninh của đất nước.


Phe đối lập ăn mừng trước trụ sở Quốc hội ở Seoul sau quyết định luận tội Tổng thống. Ảnh: Yonhap

Hàn Quốc sẽ bước vào thời kỳ bất ổn chính trị?

Yonhap dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, việc Quốc hội thông qua đề xuất luận tội Tổng thống Park Geun-hye là dấu hiệu báo trước một thời kỳ bất ổn chính trị, với sự chia rẽ trong nội bộ các đảng phái.

Tình hình chính trị sẽ phức tạp hơn khi người dân bất mãn với chính phủ và các chính trị gia đối lập liên tục kêu gọi Tổng thống Park Geun-hye phải từ chức ngay lập tức. Tuy nhiên, việc bà Park có mất chức hay không còn phải chờ phán quyết cuối cùng của Tòa án Hiến pháp và quá trình này có thể kéo dài đến 180 ngày.

"Sau quyết định luận tội tổng thống được Quốc hội thông qua, chính giới Hàn Quốc sẽ càng trở nên thất vọng hơn khi đảng cầm quyền vốn đã chia rẽ lại càng chia rẽ hơn. Trong khi đó, các đảng đối lập lại bị kẹt trong các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ để xem ai sẽ trở thành ứng viên tại cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới", ông Kim Hyung-joon, giáo sư chính trị tại Đại học Myongji nhận định.

Các nhà phân tích cũng cho rằng, bên cạnh việc đấu đá nội bộ của các bên, tranh cãi giữa các đảng phái về số phận của Tổng thống Park Geun-hye sẽ tiếp tục “khuấy đục vũng nước chính trị” tại Hàn Quốc.

Đảng Dân chủ - đảng đối lập chính tại Hàn Quốc - trước đó đã tuyên bố sẽ tiếp tục gây sức ép buộc Tổng thống Park Geun-hye phải từ chức ngay cả sau khi Quốc hội đã thông qua đề xuất luận tội tổng thống. Trong khi đó, đảng cầm quyền Saenuri thì cho rằng, việc bỏ qua quá trình xét xử và buộc bà Park phải từ chức là hành động “chống lại Hiến pháp”.

Theo các nhà quan sát, một cuộc bầu cử sớm có thể sẽ diễn ra vào tháng 2 năm tới nếu Tổng thống Park Geun-hye buộc phải từ chức trong tháng này. Tuy nhiên, trong trường hợp bà Park quyết định chờ đến khi kết thúc phiên tòa luận tội, cuộc bầu cử có thể sẽ phải chờ đến tháng 8/2017 hoặc lâu hơn.

Trong khả năng một cuộc bầu cử sớm diễn ra, sẽ có một cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa phe tự do và bảo thủ nhằm đưa đại diện của mình ngồi vào chiếc ghế Tổng thống Hàn Quốc.

Dù thế nào đi nữa, việc Quốc hội thông qua đề xuất luận tội Tổng thống Park Geun-hye cũng là đòn chí mạng đối với sự đoàn kết của đảng cầm quyền Saenuri trong bối cảnh những người trung thành với bà Park đã nỗ lực đến phút chót nhằm ngăn cản những người phản đối trong nội bộ đảng ủng hộ việc hạ bệ bà Park./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết