Tiếng Việt | English

04/05/2017 - 08:58

Quyết liệt lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ

Nhằm lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB), thời gian qua, UBND tỉnh Long An chỉ đạo các ngành liên quan, chính quyền địa phương triển khai, tăng cường thực hiện. Đặc biệt, ngày 05/10/2016, UBND tỉnh có Văn bản số 4026/UBND-KT về việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch lập lại trật tự HLATĐB giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh.


Việc lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ cần được thực hiện quyết liệt, đồng bộ. (Trong ảnh: Buôn bán lấn ra đường)

Từ thực trạng “khá phổ biến”

Việc lấn chiếm HLATĐB diễn ra dưới nhiều hình thức: Trồng cây, cắm biển hiệu, họp chợ, xây dựng trái phép,... Việc này diễn ra trong thời gian dài, gây bức xúc. Nhìn nhận về nạn lấn chiếm, xây dựng vi phạm HLATĐB trên địa bàn tỉnh, Sở Giao thông Vận tải đánh giá là “khá phổ biến”.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải – Nguyễn Văn Chỉnh cho biết: “Các công trình, nhà ở xây dựng vi phạm HLATĐB khá phổ biến. Việc lấn chiếm với nhiều hình thức: Xây dựng, dựng bảng hiệu, buôn bán,… Có con đường mới nâng cấp, mở rộng nhưng người dân sinh sống 2 bên tuyến đường lại lấn chiếm hành lang rồi san nền, xây dựng nhà cao hơn mặt đường làm ảnh hưởng đến việc thoát nước,... Việc lấn chiếm, xây dựng vi phạm HLATĐB vừa gây mất mỹ quan đô thị, che khuất tầm nhìn người đi đường, mất an toàn giao thông, vừa làm hư hỏng hệ thống đường giao thông”.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng vi phạm HLATĐB khá phổ biến như thế được UBND tỉnh chỉ ra là do việc quản lý cấp phép xây dựng nhà ở, công trình vật kiến trúc nằm 2 bên tuyến đường chưa chặt chẽ, chưa đúng theo quy định hiện hành,...

Dù đã nhận thấy nhưng việc chấn chỉnh, giải quyết lấn chiếm HLATĐB rất khó khăn. Vì nhiều lý do nên tình trạng tái lấn chiếm vẫn diễn ra thường xuyên; chẳng hạn như vấn đề chợ tự phát dọc theo các tuyến đường thì dẹp xong, đâu lại vào đấy. Báo Long An cũng nhiều lần phản ánh, chợ tự phát là điệp khúc “Biết rồi, khổ lắm nói mãi!” bởi vì từng phản ánh thực trạng này nhiều lần, “điểm danh” các chợ tự phát cụ thể nhưng đâu lại vào đấy. Chợ tự phát vẫn tồn tại, tiềm ẩn nhiều mối lo an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, dịch bệnh, mất mỹ quan và vệ sinh môi trường,...

Từ thực trạng khá phổ biến trên, gần đây, UBND tỉnh ban hành một số văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường, đẩy mạnh lập lại trật tự, an toàn đường bộ. Trong đó, có Văn bản số 4026 ngày 05/10/2016 về việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch lập lại trật tự HLATĐB giai đoạn 2015-2020.


Lấn chiếm hành lang đường bộ là một trong nhiều nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông

"Để việc lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ đạt hiệu quả cao đòi hỏi công tác triển khai, vào cuộc phải được thực hiện đồng bộ, rộng rãi, quyết liệt, dứt khoát và thường xuyên. Việc này cũng phải làm đúng các bước: Tuyên truyền, vận động, nhắc nhở,… Nếu không khắc phục thì sẽ xử lý vi phạm, tháo dỡ."

Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Cảnh

Quyết liệt, dứt khoát

Năm 2016 được xem là năm quyết liệt thực hiện chấn chỉnh lấn chiếm HLATĐB trên địa bàn tỉnh. Tỉnh chọn huyện Đức Hòa và Bến Lức làm điểm thực hiện. Theo đánh giá từ 2016 đến nay, công tác lập lại trật tự HLATĐB được Sở Giao thông Vận tải, các ngành liên quan và chính quyền địa phương thực hiện quyết liệt, nhất là ở các tuyến quốc lộ và đường tỉnh.

Các ngành và chính quyền địa phương phối hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tuyên truyền để người dân sinh sống 2 bên đường hiểu rõ tác hại của việc lấn chiếm HLATĐB cũng như san lấp, xây dựng công trình cao hơn mặt đường; vận động người dân tự tháo dỡ những công trình lấn chiếm.

Ngoài ra, cơ quan chức năng còn kiểm tra, rà soát, phân loại và thống kê các công trình vi phạm nằm trong HLATĐB, các trường hợp đấu nối vào các tuyến đường tỉnh; vận động người dân và doanh nghiệp xây hố ga, làm hệ thống thoát nước,...

Từ 2016 đến nay, các ngành chức năng, chính quyền địa phương thống kê có gần 7.300 trường hợp vi phạm HLATĐB. Những trường hợp này, ngành chức năng đã và đang áp dụng thực hiện các biện pháp như vận động, tháo dỡ. Đồng thời, cũng tiến hành triển khai cắm cọc mốc giải phóng mặt bằng được một số tuyến Đường tỉnh như 830C, 835B, 834, 831B, 826 giao cho địa phương quản lý. Sở Giao thông Vận tải đang hoàn chỉnh hồ sơ cắm cọc mốc giải phóng mặt bằng và cọc lộ giới Đường tỉnh 826C, 827, 822, 838, 831.

Song song đó, các ngành, chính quyền địa phương cũng thống kê được khoảng 350 tổ chức, cá nhân có đấu nối vào một số tuyến đường tỉnh, trong đó, phát hiện có 79 điểm chưa làm thủ tục đấu nối và 27 điểm không phù hợp.

Qua đánh giá, công tác lập lại trật tự HLATĐB được chính quyền, các ngành quan tâm triển khai thực hiện khá nghiêm túc, đồng bộ. Công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được tăng cường. Chính quyền có kế hoạch thực hiện bài bản, rõ ràng, đồng loạt; người dân, hộ kinh doanh nâng cao ý thức chấp hành, không lấn chiếm HLATĐB.

Tuy nhiên, vẫn còn những tổ chức, cá nhân cố tình lấn chiếm HLATĐB. Tình trạng tái lấn chiếm để buôn bán vẫn xảy ra, nhất là ở các khu vực gần khu, cụm công nghiệp. Ngoài ra, có nơi không tiến hành điều chỉnh biến động đất đai, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không được chỉnh lý, nhiều trường hợp đất xây dựng đường bộ nằm trên đất thổ cư được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ trước nên khó xử lý dứt điểm.

“Từ những khó khăn trên cho thấy, việc lập lại trật tự HLATĐB không chỉ là trách nhiệm của ngành giao thông mà cần sự phối hợp, vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Xây dựng,... Phải kiên quyết xử lý vi phạm để răn đe và không tạo tiền lệ xấu. Khi lấy lại được HLATĐB rồi thì giao cho xã, phường, thị trấn quản lý để tăng trách nhiệm cũng như phải chịu trách nhiệm khi xảy ra tái diễn lấn chiếm” - Phó Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh - Phùng Văn On nêu quan điểm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh cho rằng: “Để việc lập lại trật tự HLATĐB đạt hiệu quả cao đòi hỏi công tác triển khai, vào cuộc phải được thực hiện đồng bộ, rộng rãi, quyết liệt, dứt khoát và thường xuyên. Việc này cũng phải làm đúng các bước: Tuyên truyền, vận động, nhắc nhở,... Nếu không khắc phục thì sẽ xử lý vi phạm, tháo dỡ”.

Ngoài ra, trong cuộc họp với các sở, ngành, địa phương vào cuối tháng 4/2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh yêu cầu các ngành, địa phương phối hợp rà soát, chỉnh lý biến động đất và điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân đối với phần diện tích Nhà nước thu hồi để xây dựng hạ tầng giao thông; tăng cường công tác quản lý đất đai, cấp giấy phép xây dựng dọc hai bên các tuyến đường; kiểm tra việc đấu nối vào các tuyến đường cũng như việc san lấp mặt nền các công trình, nhà kho gần mặt đường để kịp thời chấn chỉnh, xử lý những vi phạm không có phép, mặt nền san lấp cao hơn mặt đường, không có hệ thống thoát nước. Ngoài ra, ngành chức năng tiến hành rà soát chợ tự phát, nếu nơi nào cần thiết phải có chợ thì xem xét quy hoạch vị trí đất phù hợp gần đó để bố trí xây dựng cho người dân vào buôn bán,... ./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết