Tiếng Việt | English

13/05/2018 - 14:07

Rạch Núi, Tân Tập: Mở thêm cửa cho du lịch Long An

Rạch Núi được biết đến là một quần thể di tích lịch sử - văn hóa, nổi bật là tầng văn hóa có nhiều di vật quý hiếm thuộc thời tiền sử; có mộ cổ Mỹ Đức Hầu, chùa cổ Linh Sơn (chùa Rạch Núi) mang giá trị nghệ thuật kiến trúc,... Ngoài ra, bến phà Cần Giuộc - Cần Giờ đưa vào hoạt động, là nơi đưa đón du khách từ TP.HCM đến Tân Tập và ngược lại (có đi ngang Rạch Núi). Nếu Rạch Núi - Tân Tập cùng 2 di tích Nhà trăm cột và đồn Rạch Cát (Cần Đước) kết nối thành tour thì cánh cửa du lịch của Long An sẽ rộng mở thêm.

Một trong 10 gốc me cổ thụ là Cây Di sản Việt Nam

Một trong 10 gốc me cổ thụ là Cây Di sản Việt Nam

Thêm giá trị cho gò Rạch Núi

Ngày 21/4, 10 “đại lão me” trong quần thể cổ thụ chùa Rạch Núi được công nhận Cây di sản Việt Nam. Hơn 20 năm trước, nơi này cũng từng đón nhận bằng di tích Khảo cổ học, di tích Nghệ thuật kiến trúc lăng mộ và chùa cổ, di tích Lịch sử cách mạng.

Điều này cho thấy, một gò đất không cao mấy mà lại “có hồn” vì chứa đựng nhiều giá trị văn hóa - lịch sử, cảnh quan hùng vĩ, nên thơ ít nơi nào có được. Gò cao khoảng 6m, có con rạch - một nhánh của sông Cần Giuộc chảy quanh, du thuyền nhỏ có thể vào tận nơi. Trên gò là một quần thể nhiều loại cổ thụ, trong đó, me là “cây cao bóng cả” hơn hết.

Đến đây, du khách được tắm mình trong khung cảnh thâm nghiêm, trầm mặc. Dù trải qua hàng trăm năm tuổi nhưng những bóng cổ thụ vẫn uy nghi, xanh mát theo thời gian.

Theo tư liệu, năm 1867, nhà sư Nguyễn Quới (thường gọi thầy Rau, vì chỉ ăn rau mà sống) trên đường vân du qua gò Rạch Núi, thấy địa thế quá hay bèn dựng am để tu tập. Hơn 130 năm sau với 7 đời sư trụ trì và 10 lần sửa chữa, xây dựng mới, chùa Linh Sơn hiện hữu có tổng diện tích gần 10.000m2 bao gồm cảnh quan. Năm 1937, các nhà khảo cổ học người Pháp đào các hố thám sát.

Năm 1978 trở đi, Bảo tàng Long An kết hợp các nhà khảo cổ học trong nước và nước ngoài thực hiện nhiều đợt khai quật. Các cổ vật được tìm thấy có niên đại trên dưới 2.500 năm cho thấy, lúc đó gò Rạch Núi đã có cư dân sinh sống bằng nghề săn bắt thú rừng, đánh bắt thủy sản. Họ làm ra nhiều công cụ lao động như lưỡi dao, lưỡi rìu, lưỡi cuốc,... bằng gốm, đá, xương, sừng thú rừng. Họ còn làm các dụng cụ bếp núc bằng đất nung, dùng mai rùa, yếm rùa chế tác đồ trang sức để làm đẹp. Họ cũng biết dùng súc gỗ tạo ra thuyền độc mộc để vượt sông, rạch và đi lại trong mùa lũ.

Cạnh cổng tam quan chùa Rạch Núi, bên trái có ngôi mộ cổ xây bằng ô dước với bia đề: Mộ Nguyễn Văn Mỹ (Mỹ Đức Hầu) - quan thần đại phu chính trị thời Kiến Hưng Quốc (đời nhà Lê). Sử sách ghi: Ông là người Gia Định. Năm Quý Mão (1783) được bổ làm Tham luận, rồi thăng Tri bạ Chính doanh (1785), Hữu tham tri Bộ Hộ (1793). Năm Đinh Tỵ (1797), ông theo vua đi đánh Quảng Nam rồi mất trên đường về. Hiện, linh vị của ông được thờ ở từ đường của gia tộc, kế chùa Rạch Núi. Trải qua hơn 200 năm, ngôi mộ cổ này vẫn giữ được nhiều nét hoa văn, kiến trúc có giá trị nghệ thuật.

Chùa Rạch Núi còn là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, các vị sư trụ trì ở đây nuôi giấu cán bộ cách mạng. Chùa còn là điểm tập trung xuất phát đánh địch của bộ đội, điểm liên lạc của du kích liên xã Đông Thạnh - Tân Tập.

Điểm trung chuyển của du lịch và ẩm thực

Nếu Rạch Núi thu hút bởi một quần thể di tích lịch sử - văn hóa thì Tân Tập “níu chân” du khách bởi những sản vật thiên nhiên, làm nên đặc trưng ẩm thực của vùng này. Sau ngày giải phóng, Tân Tập là vùng đất đầm lầy, cỏ mọc lút đầu, dân cư thưa thớt. Từ khi có cầu Thủ Bộ, cầu Rạch Vộp và tuyến đường nhựa băng qua các bãi lầy đến giáp bờ sông Soài Rạp, diện mạo Tân Tập dần đổi thay. Bến đò Tân Tập mở ra. Tuyến xe buýt hình thành, khách đi từ TP.HCM đến Tân Tập, xuống đò đi Cần Giờ, Vàm Sát. Mỗi bận đi, về đều ngang qua Rạch Núi nhưng thời đó, du lịch còn rất “mờ nhạt”.

Chuyến phà đầu tiên của bến phà mới Cần Giuộc-Cần Giờ

Gần đây, bến phà Cần Giuộc - Cần Giờ được khánh thành, đưa vào sử dụng. Trưa 21/4/2018, chuyến phà đầu tiên rời bến, đưa khách vượt sông sang bờ Cần Giờ. Bến phà này hoạt động, rút ngắn cự ly và thời gian đến Cần Giờ. Đó phải chăng là thời cơ cho du lịch Long An? Để phát triển ngành công nghiệp không khói ở miền hạ, trước hết phải tôn tạo cảnh quan chùa Rạch Núi, để du khách vào chiêm bái và ngoạn cảnh, liên kết với TP.HCM mở tour Rạch Núi - Tân Tập - đồn Rạch Cát - Nhà trăm cột theo đường sông, quy hoạch khu ẩm thực, nhà nghỉ tại bến phà Cần Giuộc - Cần Giờ,... Ngoài ra, ở xã Phước Vĩnh Đông giáp Tân Tập có các bãi bùn dày đặc hang cá thòi lòi và hang còng, có thể tổ chức cuộc thi bắt còng, câu cá thòi lòi cho du khách. Ở phía Nhà Bè (TP.HCM) còn có bến phà đi Phước Vĩnh Đông, sang Tân Tập. Đó là những điều kiện thuận lợi để làm du lịch.

Cùng với các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, Tân Tập, Rạch Núi sẽ là 2 điểm du lịch góp phần mở rộng thêm cho cánh cửa du lịch Long An.

(Trong bài có sử dụng tư liệu khảo cổ học của Bảo tàng Long An)

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết