Tiếng Việt | English

19/01/2018 - 03:15

Rèn học sinh tiểu học tính tự lập

Ngày nay, nhiều học sinh (HS) tiểu học được phụ huynh cưng chiều, bao bọc quá kỹ, do đó, các em thường ỷ lại hoàn toàn vào người lớn. Trước tình trạng ấy, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh thực hiện nhiều giải pháp rèn HS tính tự lập mọi lúc, mọi nơi, giúp các em tự tin, năng động và phát triển toàn diện hơn.

Hướng dẫn học sinh tự lập ngay khi học lớp 1

Có thể nói, đầu năm học là giai đoạn giáo viên (GV) tiếp nhận HS lớp 1 gặp nhiều khó khăn bởi các em phải thay đổi môi trường học tập, chuyển từ bậc mẫu giáo (chủ yếu vui chơi và được phục vụ) sang học tập nghiêm túc và tự lập. Do đó, GV phải nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp giúp các em làm quen với môi trường mới.

Học sinh chăm sóc bồn hoa trước lớp mình

Ngay khi tiếp nhận HS lớp 1, GV Trường Tiểu học Mai Thị Non (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) cho HS tham quan toàn trường, giới thiệu đến các em những dãy phòng học, phòng chức năng, khu vực nhà vệ sinh, nhà ăn,... GV chủ nhiệm hướng dẫn các em cách làm ký hiệu trên tập, sách để có thể tự lấy đúng môn đang học mà không cần sự giúp đỡ. Trong quá trình HS ở trường, GV rèn HS tính tự lập mọi lúc, mọi nơi, nhắc nhở các em tự mang ba lô khi đến trường, tự vệ sinh cá nhân, ăn, ngủ, biết giữ gìn vệ sinh chỗ ngồi và lớp học. Nhờ vậy, HS dần biết cách tự chăm sóc bản thân, tự tin và mạnh dạn hơn trong giao tiếp, ứng xử.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mai Thị Non - Nguyễn Thị Cầm cho biết: "Giai đoạn đầu năm học là giai đoạn vất vả nhất trong việc rèn HS lớp 1 tính tự lập. Hầu hết các em chưa quen với môi trường học tập mới, còn tâm lý vui chơi và ỷ lại vào cha mẹ, thầy cô. Do đó, GV phải thật sự kiên nhẫn trong việc rèn HS tính tự lập, khen ngợi khi các em làm đúng và động viên để các em nỗ lực, cố gắng hơn. Đồng thời, trường cũng trao đổi với phụ huynh cùng tham gia  rèn tính tự lập khi các em ở nhà".

Quan tâm đến học sinh cá biệt, nhút nhát

Không chỉ rèn tính tự lập cho HS lớp 1, công việc này còn được GV thực hiện xuyên suốt ở các lớp khác, giúp các em hình thành thói quen tự lập ngay lứa tuổi tiểu học vì chỉ khi HS tự tin thì các em mới không bị áp lực và có hứng thú trong học tập.

Học sinh tự dọn dẹp tập, sách ngăn nắp và trải chiếu chuẩn bị ngủ trưa

Học sinh tự dọn dẹp tập, sách ngăn nắp và trải chiếu chuẩn bị ngủ trưa

Với HS cá biệt, các em thường có tâm lý muốn được bạn bè, thầy cô chú ý. Để giúp đỡ những HS này, các trường phối hợp gia đình, cùng phụ huynh tìm ra giải pháp chung để định hướng giáo dục các em tại nhà và trường học. Đồng thời, GV chủ nhiệm phối hợp GV bộ môn giáo dục kỹ năng sống, điều hay, lẽ phải và rèn tính tự lập cho các em.

"Lớp tôi dạy có một HS nam rơi vào trường hợp trên. Do đó, ngoài phối hợp gia đình, GV bộ môn, mỗi ngày, tôi đều nói chuyện với em ấy, giúp em cảm nhận được tình thương, sự cảm thông, chia sẻ và thấu hiểu của tôi dành cho em. Đồng thời, tôi nhờ sự giúp đỡ của cả lớp: Không kỳ thị, giúp đỡ bạn trong học tập. Nhờ vậy, em ấy từng bước có sự thay đổi tích cực. Hiện nay, em này ngoan và tiến bộ hơn trong học tập so với đầu năm học, đặc biệt là biết tự lập và tự tin hơn trong học tập, sinh hoạt hàng ngày" - cô Phạm Thị Thanh Lan - GV chủ nhiệm lớp 5/1, Trường Tiểu học Lê Minh Xuân (xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa), chia sẻ.

Riêng HS nhút nhát, trong quá trình học tập, GV luôn tạo cơ hội để HS phát biểu, chia sẻ và luôn khen ngợi, động viên khi các em ấy mạnh dạn giơ tay phát biểu.

Thầy Trần Anh Tuấn - GV lớp 1/1, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (phường 4, TP.Tân An) bộc bạch: "Với HS nhút nhát, tôi thường dành nhiều thời gian nói chuyện với các em, đồng thời, kiên nhẫn trong việc hướng dẫn các em cách tự lập và mạnh dạn hơn: Biết yêu cầu thêm thức ăn khi cần, chủ động rủ bạn bè cùng chơi các trò chơi vào giờ nghỉ giải lao, mạnh dạn giơ tay phát biểu,... Ngoài ra, tôi cũng nhờ sự hỗ trợ của HS cả lớp, chủ động nói chuyện và làm cùng những việc hàng ngày như đánh răng, rửa tay, xếp, trải mền, lấy gối,... nhằm giúp các em ấy tự tin và tự lập hơn".

Nhờ sự nỗ lực trong thực hiện các giải pháp, HS tiểu học ngày càng tiến bộ hơn, các em biết tự chăm sóc bản thân, ngoan, tự tin, tự lập và có thể đưa ra các quyết định cho mình mà không phụ thuộc quá nhiều vào cha mẹ./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích