Tiếng Việt | English

10/11/2015 - 05:25

Rộ trào lưu cho trẻ “xuất ngoại” để tiêm vắc xin

Trước tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ Pentaxim (5 trong 1) và vắc xin Infanrix hexa (6 trong 1) trong nước, ngành y tế cũng xác nhận hết năm 2016 Việt Nam vẫn khan hiếm hai loại vắc xin này, nhiều ông bố, bà mẹ đã cắn răng chi trả một khoản tiền không nhỏ đưa trẻ đi tiêm vắc xin ở nước ngoài.

Hơn 10 triệu đồng một chuyến “xuất ngoại” tiêm vắc xin

Chia sẻ với phóng viên Dân trí chiều 9/11, văn phòng đại diện tại Việt Nam của 4 bệnh viện Singapore cho biết, số lượng đăng kí cho trẻ xuất ngoại đi tiêm vắc xin tăng mạnh. Theo đó, 2 tháng trở lại đây, trung bình mỗi ngày văn phòng nhận khoảng 10 lịch hẹn tư vấn, riêng chiều thứ 7 vừa qua (7/11) đã có 17 cuộc gọi đặt lịch tư vấn đưa trẻ đi tiêm vắc xin dịch vụ tại Singapore. Đến nay, con số trẻ được cha mẹ đưa đi tiêm vắc xin ở nước này cũng lên tới vài chục người.


Hình ảnh trẻ được cha mẹ cho ra nước ngoài tiêm ngừa vắc xin chia sẻ trên mạng xã hội.

Theo đại diện này, khi khách hàng có yêu cầu sẽ được hỗ trợ đặt lịch hẹn với bác sĩ nhi có thực hành tiêm chủng tại bệnh viện; đặt vé máy bay, đặt khách sạn và cả phiên dịch viên tiếng Việt khi gặp bác sĩ. Tổng số tiền phải trả cho một chuyến đi Singapore trong 3 ngày 2 đêm để thực hiện tiêm vắc xin cho trẻ hết khoảng 12 triệu đồng tiền Việt, trong đó 4,8 triệu là chi phí bác sĩ khám và vắc xin (chi phí vắc xin khoảng 2,2 triệu/mũi 6 trong 1), còn lại là chi phí vé máy bay, ở cho một mẹ, một con.

Trước khi tiêm chủng, em bé sẽ được bác sĩ nhi khám tổng quát bằng đo chiều cao, cân nặng, nghe tim phổi, hỏi tiền sử dị ứng, bệnh tật của trẻ. Chỉ những trẻ đủ tiêu chuẩn sức khỏe mới được chỉ định tiêm chủng và chính bác sĩ nhi sẽ là người tiêm cho trẻ. Do trẻ dưới 6 tháng tuổi lịch tiêm mũi vắc xin 6 trong 1 khá dày, vì thế nếu gia đình có yêu cầu bác sĩ sẽ cho trẻ mua 2 liều còn lại về Việt Nam tiêm với điều kiện thực hiện bảo quản chặt chẽ theo đúng hướng dẫn. Mọi yêu cầu mua thêm đều bị từ chối vì bác sĩ chỉ cung cấp vắc xin cho bệnh nhi đã được khám và đủ điều kiện tiêm chủng.

Trên mạng xã hội facebook, chuyện một người mẫu nổi tiếng đưa con 5 tháng tuổi đi tiêm vắc xin dịch vụ ở Singapore cũng nhận được nhiều phản ứng trái chiều của dư luận. Tuy nhiên, phần lớn chia sẻ đây là sự lựa chọn của cá nhân mỗi người, gia đình có điều kiện thì hoàn toàn có thể cho trẻ đi tiêm dịch vụ như mong muốn dù ở quốc gia nào.

Trên facebook, những mẹ đã từng cho trẻ đi tiêm vắc xin dịch vụ ở nước ngoài cũng trao đổi chi tiết về các bước để cho trẻ tiêm. Như Facebook Minh Tam Nguyen Medela chia sẻ câu chuyện đưa con trai đi tiêm tại Singapore đầu tháng 11/2015 và hướng dẫn chi tiết các mẹ từ việc đặt lịch bác sĩ, ăn ở khác sạn ra sao, lựa chọn điểm tiêm nào…

Chị N.P.V (nhân viên truyền thông – Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị và chồng đã lên kế hoạch đi Singapore vào dịp Tết dương lịch tới. Tuy nhiên, anh chị quyết định thực hiện chuyến đi sớm hơn để kết hợp tiêm vắc xin cho cậu con nhỏ. “Có bất tiện một chút vì mang theo con nhỏ, nhưng bọn mình chấp nhận và sẽ đưa con đi, một công được đôi việc. Hiện mình đang tìm hiểu việc đặt lịch bác sĩ cũng như chọn địa điểm tiêm. Nói chung không có gì phức tạp vì tiêm chủng là rất phổ biến ở Singapore, thậm chí còn được thực hiện ngay tại phòng khám”, chị V cho biết.

Bộ Y tế bác bỏ tin đồn thất thiệt về Quinvaxem

Cũng trên mạng xã hội xuất hiện thông tin cho rằng vắc xin Quinvaxem đang trong giai đoạn thử nghiệm và trẻ tiêm vắc xin này là nằm trong kế hoạch thử nghiệm.

Trước thông tin này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định đây là những hoang tin thất thiệt gây hoang mang dư luận xã hội. Bởi Quinvaxem là vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiền thẩm định về chất lượng. Không riêng gì Việt Nam mà hiện có 90 quốc gia trên thế giới sử dụng Quinvaxem với hơn 400 triệu liều.

Riêng tại Việt Nam vắc xin Quinvaxem đã sử dụng từ năm 2010 đến nay đã có khoảng 24,9 triệu liều được sử dụng. Trung bình mỗi năm sử dụng là 4,5 triệu liều để tiêm cho khoảng 1,5 triệu trẻ em. Từ đầu năm 2015 đến nay đã sử dụng 3.489.295 liều trong tiêm chủng.

“Với 400 triệu liều đã được sử dụng tại 90 quốc trên thế giới, làm sao có thể nói vắc xin đang trong kế hoạch thử nghiệm”, một bác sĩ truyền nhiễm bức xúc chia sẻ.

Trong khi đó, ngoài cộng đồng vẫn có một số lượng lớn các bà mẹ có con đến tuổi tiêm chủng dè dặt theo dõi thông tin, chờ đợi vắc xin dịch vụ. Tuy nhiên Bộ Y tế khẳng định, đến hết năm 2016 Việt Nam vẫn trong tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ do nhà sản xuất không còn hàng để bán.

Một số gia đình thì quá sốt ruột việc chờ đợi đã cho trẻ đi tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem trong Chương trình TCMR. Trước đó, sáng 7/11 có mặt tại Trung tâm y tế dự phòng (170 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội), nhiều người vẫn cho trẻ tiêm vắc xin Quinvaxem. Chị Phương Linh (Cổ Nhuế, Từ Liêm) cho biết, con chị đã 9 tháng tuổi và đã quá đến 5 tháng tiêm mũi 3 vắc xin dịch vụ 5 trong 1. Không thể chờ đợi thêm, chị đã quyết định cho con đi tiêm.

“Khi đến Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế (số 4 Sơn Tây), tôi có băn khoăn là con cũng đến lúc phải tiêm mũi sởi, hay chờ thêm vắc xin 5 trong 1 để tiêm sởi nhưng bác sĩ khuyên tôi nên hoàn thành nốt mũi tiêm nhắc lần 3 cho trẻ. Vì thế, tôi lại bế con sang Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội để tiêm Quinvaxem cho trẻ. Dù cô bác sĩ cứ một mực khuyên tiêm sởi trước, vì sau tiêm sởi trẻ không sốt, sau 1 tuần có thể quay trở lại tiêm Quinvaxem nhưng tôi vẫn quyết định chọn lựa tiêm Quinvaxem. Cũng hơi lo lắng một chút, nhưng tôi nghĩ đã là vắc xin tiêm cho trẻ không thể có chuyện làm bậy. Cả nước đã có đến 25 triệu mũi tiêm như thế này, mình cũng phải có niềm tin để bảo vệ sức khỏe cho trẻ”.

Anh T.Đ (CT5, khu đô thị Xa La, Hà Đông) sau nhiều ngày dò hỏi, viện đủ mối quan hệ vẫn không thể tìm nguồn vắc xin dịch vụ cũng đã quyết định cho con gái nhỏ tiêm mũi Quinvaxem ngay tại phường Văn Quán.

“Sáng 5/11 tôi cho con tiêm tại phường. Căng thẳng, áp lực lắm nhưng sau một liều hạ sốt (dùng sau 4 tiếng tiêm), nàng ta ngủ im thin thít, bú lại bình thường và không phải dùng thêm liều nào nữa. Lúc này vợ chồng tôi mới thở phào nhẹ nhõm”.

TS Phu cho biết, tình trạng căng thẳng vắc xin dịch vụ này chỉ tồn tại ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Còn trong TCMR, vắc xin Quinvaxem vẫn được sử dụng, đạt tỉ lệ 90% trẻ em ở tuổi tiêm chủng./.

Hồng Hải/dantri.com.vn

Chia sẻ bài viết