Tiếng Việt | English

17/03/2017 - 09:21

Sân chơi cho công nhân vẫn còn nhiều điều muốn nói

Toàn tỉnh Long An có khoảng 300.000 công nhân (CN), trong đó, khoảng 30- 40% CN xa nhà, ở trọ. Sau thời gian làm việc, CN cần được vui chơi, giải trí lành mạnh để có thể “giải tỏa stress”.


Hội thi Công nhân thanh lịch, một trong những sân chơi cho công nhân do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức

Tín hiệu vui

Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán hoặc Tháng CN, nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực được tổ chức nhằm tạo sân chơi cho công nhân, lao động (CNLĐ). “Tết sum vầy” là hoạt động thường niên của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh. Chương trình được tổ chức luân phiên tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh, với những hoạt động: Văn nghệ, tặng quà cho CN. Tại các khu nhà trọ, “Tết sum vầy” cũng được tổ chức nhằm giúp các CN không về quê có một cái tết ấm áp.

Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh - Nguyễn Văn Thừa cho biết, ngoài “Tết sum vầy”, trong năm, các cấp LĐLĐ cũng tổ chức nhiều hoạt động: Phiên chợ CN, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật trong CN,... Từ đó, giúp CNLĐ có sân chơi giải trí sau giờ lao động. Tuy nhiên, có một phần hạn chế chính là những hoạt động trên chủ yếu tập trung vào các dịp lễ, tết và Tháng CN.

Không chỉ có LĐLĐ mà Đoàn Thanh niên (TN) cũng có các hoạt động chăm lo cho TNCN. Mỗi năm, Tỉnh đoàn duy trì tổ chức 2 “Phiên chợ TNCN” cùng các hoạt động văn nghệ, thể thao và tặng quà cho CN. Trưởng ban Đoàn kết, tập hợp TN Tỉnh đoàn - Võ Trần Tuấn Thanh cho biết: “Năm 2016, phiên chợ TNCN được tổ chức tại Khu công nghiệp Hải Sơn, huyện Đức Hòa. Năm 2017, dự kiến, 2 phiên chợ TNCN sẽ được tổ chức tại TP.Tân An và một tại huyện công nghiệp trong tỉnh”.

Nói về những lợi ích khi tham gia phiên chợ TNCN, chị Trần Thị Lệ Xuân - CN ở Khu công nghiệp Hải Sơn cho biết: “Đi phiên chợ TNCN, tôi mua được nhiều sản phẩm với giá phải chăng. Hàng hóa tại phiên chợ đa dạng, có ca nhạc hàng đêm nên vui lắm! Có phiên chợ nào về, tôi đều rủ các chị em trong khu trọ cùng đi”.

Đó là những hoạt động lớn, ngoài ra, LĐLĐ và Đoàn TN các cấp cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ: Hội thi Tiếng hát CN, Hội thi CN thanh lịch, giao lưu bóng đá, bóng chuyền CN hoặc các chương trình văn nghệ khác nhằm tạo sân chơi cho CN tại địa phương. Mô hình nhà trọ tự quản, chi hội TN nhà trọ được duy trì và phát triển nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như tập hợp TNCN.


Sau giờ làm việc, công nhân cần có sân chơi giải trí lành mạnh

Các công ty, doanh nghiệp cũng có những hoạt động khác nhằm tạo sân chơi cho CN của mình. Công ty TNHH Túi xách Simone thuộc Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc là một trong những công ty có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CN. Vào các dịp giữa năm, cuối năm, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Quốc tế Thiếu nhi 1-6, kỷ niệm ngày thành lập công ty,... công ty đều tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao, tạo sân chơi cho người lao động.

Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Túi xách Simone - Phạm Thành Lập cho biết: “Ban văn nghệ của CN tại công ty được tạo điều kiện tập luyện thường xuyên. Ngoài ra, công ty còn có ban thể thao, đội bóng chuyền, đội bóng đá nữ. Nhờ vậy, các hoạt động văn nghệ, thể thao phát triển mạnh trong CN”.

Ngoài những giờ làm việc căng thẳng, công ty tạo điều kiện cho CN tham gia luyện tập văn nghệ, thể thao. Anh Võ Nguyễn Phúc Sinh - CN Công ty TNHH Túi xách Simone cho biết: “Ban văn nghệ thường tận dụng giờ nghỉ trưa hoặc giải lao để tập luyện tại các khu vực được cho phép. Tham gia vào ban văn nghệ, tôi vừa thể hiện được đam mê, vừa giải tỏa căng thẳng sau giờ làm, có thêm động lực làm việc tốt hơn”.

Công ty Simone cũng là một trong số những công ty có các thiết chế văn hóa dành cho CN. Trong khuôn viên công ty có 2 sân bóng đá và 3 sân bóng chuyền phục vụ miễn phí cho CN. Trừ những ngày sân bóng được bảo dưỡng, còn lại, vào giờ nghỉ trưa hoặc cuối ngày làm việc, sân bóng đá, bóng chuyền luôn có CNLĐ tham gia vui chơi, giải trí.


Đại diện Liên đoàn Lao động tặng quà cho công nhân dịp tết

Vẫn còn nhiều điều muốn nói

Những hoạt động kể trên đúng là “tín hiệu vui” trong việc chăm lo đời sống tinh thần cho CNLĐ tỉnh nhà. Tuy nhiên, so với số lượng CN đang sống và làm việc trong tỉnh thì những hoạt động trên còn khá hiếm hoi và tỷ lệ CN được thụ hưởng chỉ là một phần nhỏ! Theo Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh - Nguyễn Văn Thừa, toàn tỉnh hiện có khoảng 300.000 CNLĐ, Công đoàn tập hợp được khoảng 200.000 CNLĐ. Việc thiếu sân chơi cho CNLĐ là thực trạng cần quan tâm.

Ông Thừa lý giải: “Mặc dù có nhiều văn bản quy định, hướng dẫn về việc xây dựng các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp nhưng tính đến thời điểm hiện tại, số lượng khu, cụm công nghiệp, công ty có các thiết chế văn hóa còn rất hạn chế. CN làm việc với cường độ cao, một tuần có thể tăng ca 3 ngày. Thời gian rảnh thường được dùng để bù đắp sức khỏe, không có cơ hội vui chơi, giải trí, có chăng chỉ là sử dụng Internet để đọc báo và tham gia mạng xã hội”.

Theo thống kê của Ban Quản lý Khu kinh tế, toàn tỉnh có 60 khu, cụm công nghiệp, đa số đã đi vào hoạt động nhưng chỉ có 4 khu công nghiệp có sân bóng. Điều đó cho thấy, tỷ lệ CNLĐ được hưởng thụ việc vui chơi, giải trí sau giờ làm rất hiếm.

Minh chứng cho điều này, chị Nguyễn Thị Thu Thủy - CN Khu công nghiệp Phúc Long, huyện Bến Lức giải thích: “Chúng tôi tăng ca nhiều, về đến nhà thường là 20-21 giờ. Ngày nghỉ thì tranh thủ ngủ lấy sức, dọn dẹp nhà cửa. Muốn đi chơi cũng không có thời gian. Chỉ có thể đi ăn uống rồi “online” đọc báo mạng chút ít thôi. Từ ngày đi làm đến giờ, tôi không có thời gian xem tivi luôn!”. Đó dường như là tình trạng chung của CN, khi thời gian làm việc chiếm gần hết quỹ thời gian trong ngày.

Với những CN làm việc gần nhà như chị Thủy còn thấy áp lực, huống hồ những TNCN ở trọ xa nhà. Việc thiếu thốn tình cảm gia đình cùng với áp lực công việc, thiếu sân chơi giải trí khiến CN dễ sa vào tệ nạn và nhiều vấn đề khác ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh, trật tự tại địa phương.

Anh Lê Hồng Phước, quê ở Đồng Tháp, hiện là CN Khu công nghiệp Phúc Long, huyện Bến Lức chia sẻ: “Những ngày nghỉ cuối tuần, tôi chỉ ngủ, nếu không ngủ thì cùng bạn bè... đi nhậu!”. Và tất nhiên, không phải ngẫu nhiên mà tình hình an ninh, trật tự tại các địa phương tập trung nhiều CN nhập cư lại vô cùng phức tạp. Một phần lớn các ca nạo phá thai cũng rơi vào đối tượng nữ CN!

Để khẳng định thêm những thiếu thốn của CN về nơi sinh hoạt giải trí, anh Lê Văn Thông, quê ở Hậu Giang, đang làm CN tại xã Lương Hòa, huyện Bến Lức cho biết: “Ở khu trọ của tôi, thường sau khi tan ca, anh chị em chỉ về nhà lướt web hoặc xem tivi. Mỗi tuần từ 1-2 lần, các bạn nam cùng thuê sân đá banh. Còn các bạn nữ hầu như chỉ ở nhà sau giờ làm”. Chính vì vậy mà mô hình chi hội nhà trọ phát huy hiệu quả tích cực khi các hội viên cùng nhau tổ chức những hoạt động nhỏ: Sinh nhật cho hội viên, giao lưu văn nghệ,... giúp CN vui chơi, giải trí lành mạnh sau những giờ làm việc mệt mỏi.

Tuy nhiên, trên thực tế thì chi hội nhà trọ lại không thu hút được đông đảo CN tham gia. Điển hình tại huyện Bến Lức, có khoảng 60.000 CN đang sinh sống và làm việc (30-40% trong số đó ở trọ xa nhà), nhưng chỉ thành lập được hơn 10 chi hội nhà trọ với khoảng 20-30 hội viên/chi hội. Điều này cũng dễ hiểu, bởi thời gian tăng ca của các CN không giống nhau nên việc tập hợp đầy đủ CN gặp khó khăn. Chi hội không có kinh phí nên các hoạt động đều đòi hỏi đóng góp từ hội viên, đó cũng là một “rào cản” đối với TNCN.

CNLĐ đa phần là TN, sau những giờ lao động căng thẳng, họ cần có sân chơi giải trí lành mạnh, phù hợp với túi tiền nhằm giải tỏa áp lực. Có sân chơi lành mạnh mới có thể giúp CN hăng say lao động, sản xuất, có nhiều đóng góp, sáng kiến trong công việc. Đó cũng là mong muốn thiết tha không chỉ của CNLĐ, mà còn của các cấp Công đoàn trong việc chăm lo, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của CN./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết