Tiếng Việt | English

08/11/2015 - 14:28

Cần lắm sân chơi cho công nhân

Theo số liệu thống kê từ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, hiện Long An có hơn 270.000 công nhân lao động (CNLĐ) làm việc trong khoảng 5.000 doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, số DN có các cơ sở văn hóa, thể thao phục vụ công nhân sau giờ làm không nhiều.

CNLĐ hiện nay hầu như chỉ biết đến công việc, ít có những hoạt động vui chơi, giải trí nào bên ngoài nhà xưởng

Thiếu sân chơi

Hiện nay, các khu vui chơi phục vụ đời sống tinh thần cho công nhân vẫn còn thiếu. Hết giờ làm việc, CNLĐ chỉ biết “giam mình” trong 4 bức tường của căn phòng trọ. Họ ít biết đến các hoạt động vui chơi, giải trí và dường như cuộc sống chỉ lẩn quẩn trong cái vòng tròn từ nhà trọ đến Cty và ngược lại. Áp lực về thời gian, nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền đã khiến CNLĐ lâu nay rơi vào tình trạng “đói” văn hóa.

Chị Nguyễn Kiều Anh, quê ở Kiên Giang, công nhân Cty TNHH Chế biến thức ăn gia súc E.H (KCN Long Định - Long Cang, huyện Cần Đước) cho biết: “Công nhân mà làm gì có những hoạt động vui chơi, giải trí sau giờ làm việc. Có khi tăng ca đến 19-20 giờ, ai cũng hối hả về lo cơm nước, nghỉ ngơi để sáng sớm lại tiếp tục công việc, riết rồi cũng thành quen, hầu như không còn quan tâm đến cái gọi là “giải trí” nữa. Ngày chủ nhật, hầu như mọi người đều chỉ tranh thủ… ngủ để lấy lại sức”.

Còn chị Bùi Thị Hòa An, công nhân Cty TNHH Giày Fuluh (xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc) chia sẻ: “Với công nhân nữ, nhất là những người đã có gia đình ở quê, phương tiện giải trí duy nhất của họ là xem ti vi, nhiều phòng không có tivi thì hình thức thư giãn sau 1 ngày làm việc vất vả là... ngủ. Với những bạn nam thì sau giờ tan ca chỉ rủ nhau ra quán cà phê tán gẫu, hoặc tổ chức tiệc nhậu bình dân. Đó là những lúc mới lãnh lương, còn khi hết tiền họ cũng chẳng biết làm gì”.

Không có những hoạt động vui chơi, giải trí, nam công nhân có nguy cơ dễ sa đà vào những tiệc nhậu. Khi rượu vào, lời ra, hệ lụy kéo theo có thể sẽ là gây gổ, đánh nhau làm mất trật tự địa phương. Còn với nữ công nhân độc thân, chuyện yêu đương, sống thử sau chuỗi ngày dài thiếu thốn về đời sống văn hóa, giải trí cũng rất phổ biến. Và kéo theo đó là những hệ lụy đáng buồn về hiện trạng phá thai, sinh con ngoài ý muốn.

Hội thi công nhân thanh lịch - một trong những hoạt động vui chơi, giải trí hiếm hoi của công nhân

Giải pháp nào?

Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp (DN) đều thành lập CĐCS, nhưng phải thừa nhận rằng những cán bộ công đoàn vẫn là người hưởng lương từ chủ DN, vì vậy, rất ít người “mạnh dạn” đấu tranh để bảo vệ quyền lợi cho công nhân hay đề xuất cùng Ban Giám đốc Cty hỗ trợ, tạo ra nhiều sân chơi bổ ích, những hoạt động tinh thần cho công nhân.

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - Nguyễn Văn Quí cho biết: “Từ năm 2012, LĐLĐ tỉnh đã trình UBND tỉnh Đề án xây dựng các khu nhà trọ công nhân tự quản và đã làm thí điểm được 1 khu tại xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa. Ở đây, LĐLĐ tỉnh đã hỗ trợ trang bị tủ sách pháp luật với đủ những đầu sách về Luật Lao động, Luật Hôn nhân và Gia đình,… Đến nay, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp thành lập được khoảng 60 khu nhà trọ công nhân tự quản tại các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước và TP.Tân An. Công đoàn các cấp cũng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc góp phần tạo mọi điều kiện giúp công nhân xa nhà có nơi vui chơi, giải trí lành mạnh. Tuy nhiên, dù có nỗ lực nhưng hiện tại vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của một lượng lớn CNLĐ, nhất là CNLĐ nhập cư trên địa bàn tỉnh hiện nay”.

Theo Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trương Văn Triều: “CĐCS cùng DN cần tạo ra những sân chơi cho CNLĐ, chẳng hạn tổ chức những giải bóng đá, cuộc thi tiếng hát công nhân, chương trình văn nghệ,… Lãnh đạo huyện cũng thường xuyên làm việc với các DN trên địa bàn giao cho CĐCS tổ chức những hoạt động vui chơi, giải trí cho công nhân vào những ngày lễ lớn, nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Các DN cần có phương án xây dựng nhà ở, nhà giữ trẻ cho công nhân trong các khu, cụm công nghiệp "./.

Song Hồng
 

Chia sẻ bài viết