Tiếng Việt | English

09/12/2024 - 18:30

Sản xuất hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ cao

Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là 1 trong 3 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng sức cạnh tranh, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến nay, chương trình đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống nông dân (ND).

Thay đổi nhận thức của nông dân

Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) và lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025). Chương trình này nhằm xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho ND. Thông qua chương trình, ND trên địa bàn tỉnh chuyển đổi phương thức sản xuất, hình thành được nhiều vùng nguyên liệu tập trung với quy mô lớn, chuyên canh gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị gia tăng,...

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chương trình này, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 60.000ha lúa, 6.000ha thanh long, 3.000ha chanh, 2.000ha rau, 100ha nuôi tôm nước lợ ƯDCNC trong sản xuất và đàn bò thịt có khoảng 300 con bò cái sinh sản được cải tạo, 20.000 con bò gieo tinh nhân tạo với các giống chất lượng cao như Brahman, Droughmaster, Angus,...

Kết quả đến nay, toàn tỉnh có 59.672ha lúa ƯDCNC; 2.083,96ha rau ƯDCNC; 5.849,37ha thanh long ƯDCNC; 4.114ha chanh ƯDCNC; có 1.446,55ha tôm ƯDCNC; hỗ trợ 62 con bò sinh sản.

Chanh là một trong những loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho ND các huyện: Bến Lức, Đức Huệ, Thủ Thừa và Thạnh Hóa. Hiện toàn tỉnh có 11.888,76ha chanh; trong đó, diện tích chanh cho trái hơn 10.888ha.

Để hỗ trợ ND ƯDCNC vào sản xuất chanh, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật mới cho ND. Đồng thời, hỗ trợ đánh giá cấp mã số vùng trồng, quy trình trồng chanh áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và quy trình thiết lập, giám sát vùng trồng gắn với yêu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX); hỗ trợ cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất chanh; xây dựng các mô hình trồng, thâm canh chanh theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phó Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thạnh Hòa (xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức) - Nguyễn Ngọc Bộ cho biết, HTX hiện có 15 thành viên với diện tích vùng trồng là 30ha. Toàn bộ diện tích chanh áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP nên không phải lo về đầu ra. Theo đó, HTX được công ty cam kết thu mua chanh với giá ổn định, cao hơn thị trường từ 3.000-5.000 đồng/kg (tùy mùa).

Bà Nguyễn Thị Yến - thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thạnh Hòa, chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi trồng 4ha chanh không hạt theo phương thức truyền thống nên năng suất không cao và tốn nhiều công lao động. Từ khi chuyển đổi sang sản xuất chanh theo hướng ƯDCNC, áp dụng khoa học - kỹ thuật thì hiệu quả kinh tế cao, bền vững hơn”.

Bà Nguyễn Thị Yến (xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức) trồng 4ha chanh theo hướng ứng dụng công nghệ cao

Bên cạnh cây chanh, thanh long cũng là một trong những loại cây chủ lực của tỉnh và được tỉnh chọn để thực hiện chương trình nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 7.811,94ha thanh long, trong đó, diện tích cho trái là 6.860,24ha.

HTX Dương Xuân (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) là một trong những HTX tiêu biểu về ƯDCNC vào sản xuất thanh long, bước đầu đã làm thay đổi tập quán canh tác của ND, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Phó Giám đốc HTX Dương Xuân - Nguyễn Ngọc Phan cho biết: “Hiện tại, HTX nhân rộng việc ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm vào sản xuất để giảm công lao động và giá thành sản xuất. Toàn HTX có hơn 86ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trung bình mỗi năm, thành viên HTX có lợi nhuận từ 200-300 triệu đồng/ha”.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường thông tin: Chi cục phối hợp các địa phương xây dựng những mô hình điểm, mô hình nhân rộng và duy trì. Trong đó, nội dung triển khai tập trung vào hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng phân bón hữu cơ, sản phẩm sinh học cải tạo đất, sản phẩm sinh học đối kháng nấm bệnh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất và các thiết bị phục vụ sản xuất, hướng dẫn quy trình sản xuất thanh long theo hướng GAP, hữu cơ,...

Đồng thời, phối hợp đơn vị liên quan quản lý và hướng dẫn ND sử dụng chỉ dẫn địa lý thanh long Châu Thành Long An.

Nông dân huyện Châu Thành chăm sóc thanh long

Rau được đánh giá là loại cây thế mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ND các huyện vùng hạ như Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ,... Vì vậy, việc triển khai ƯDCNC trên cây rau được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Qua đó, đã hình thành vùng rau ƯDCNC với diện tích hơn 2.083ha, đạt 104,1% kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

Là một trong các HTX được huyện và tỉnh chọn làm điểm triển khai mô hình trồng rau ƯDCNC, HTX Rau an toàn Việt (xã Long Trạch, huyện Cần Đước) hiện trồng hơn 10 loại rau khác nhau (chủ yếu là rau ăn lá và rau mùi). Trung bình mỗi ngày, HTX cung cấp cho thị trường khoảng 300kg rau các loại, được tiêu thụ tại một số siêu thị ở TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Giám đốc HTX Rau an toàn Việt - Nguyễn Thị Lan cho biết: “HTX áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học - kỹ thuật như sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, thuốc trừ sâu sinh học, tưới bằng hệ thống tưới tiết kiệm, trồng rau trong nhà lưới,...

Việc ƯDCNC vào sản xuất rau giúp tiết kiệm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động và quan trọng nhất là tạo ra những sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm”.

Ứng dụng hệ thống tưới tự động vào sản xuất rau giúp tiết kiệm thời gian và công lao động

Tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung hỗ trợ các DN, HTX, tổ hợp tác, ND tham gia sản xuất ƯDCNC. Đến nay, toàn tỉnh có 6 DN được công nhận là DN nông nghiệp ƯDCNC.

Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ xây dựng 13 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; cấp 750.000 tem truy xuất quét mã QR; xây dựng được 35 chuỗi rau, thanh long, chanh, gạo, thịt gà, thịt heo, thủy sản, nông sản khác; phối hợp Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM khảo sát, xây dựng và trao 10 giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi (thịt gà, trứng gà, thịt bò, nước mắm, rau, chuối); hướng dẫn, hỗ trợ 21 DN, HTX tham gia chuỗi sử dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm an toàn.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, những năm gần đây, việc ƯDCNC vào sản xuất ngày càng phổ biến. Đẩy mạnh ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho ND.

“Thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các nội dung liên quan đến Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (giai đoạn 2021-2025). Bên cạnh đó, Sở tập trung xây dựng vùng nguyên liệu cho xuất khẩu; tiếp tục hỗ trợ phát triển HTX, tổ hợp tác liên kết tiêu thụ nông sản; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp ƯDCNC; tập trung chuyển đổi số;...” - ông Nguyễn Thanh Truyền thông tin./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết