Người dân các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc,... ứng dụng công nghệ cao vào trồng rau mang lại hiệu quả cao
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được chú trọng
Những năm qua, Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan. Giá trị sản xuất không ngừng gia tăng, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất ngày càng hoàn thiện; các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp được đa dạng hóa, hình thành các vùng nông nghiệp sản xuất tập trung, ƯDCNC.
Các mô hình sản xuất ƯDCNC, sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn và thích ứng biến đổi khí hậu được triển khai, thực hiện rộng khắp. Những loại cây, con được tỉnh chọn thực hiện chương trình có những bước tiến mới, chất lượng hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn.
Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất theo mô hình Cánh đồng lớn, tăng cường mối liên kết “4 nhà” giúp ngành Nông nghiệp tỉnh xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, tạo thương hiệu cho các sản phẩm nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm nhằm đạt hiệu quả cao trong sản xuất.
Vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC được xây dựng cho 4 loại cây trồng (lúa, thanh long, chanh, rau) và vùng chăn nuôi bò thịt, nuôi tôm nước lợ. Trong đó, chú trọng xây dựng các vùng sản xuất ƯDCNC đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, theo các mô hình nông nghiệp hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP,… Nổi bật phải kể đến là lúa gạo, thanh long và chanh không hạt, những loại nông sản đang được nhiều DN đầu tư để chế biến, xuất khẩu.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bến Lức, toàn huyện có khoảng 7.000ha chanh, tập trung ở các xã: Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Lương Hòa và Lương Bình, ước sản lượng đạt khoảng 100.000 tấn/năm. Lũy kế đến nay, huyện có gần 2.800ha chanh ƯDCNC, đạt 103,7% kế hoạch (KH) tỉnh giao.
Toàn tỉnh hiện có 59.672ha lúa ứng dụng công nghệ cao
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bến Lức - Lê Văn Nam cho biết: “Với những thành công từ việc phối hợp sản xuất chanh ƯDCNC trên địa bàn huyện, Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ quyết định ký kết hợp đồng ghi nhớ với UBND huyện Bến Lức về việc tiếp tục triển khai, thực hiện 500ha chanh ƯDCNC. Công ty sẽ có đội ngũ kỹ sư xuống tận vườn để hỗ trợ nông dân sản xuất. Đặc biệt, khi chanh mắc bệnh, các kỹ sư chỉ ra tên thuốc để trị, bảo đảm thuốc trong danh mục cho phép và đáp ứng tiêu chuẩn của châu Âu”.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh thông tin, cây chanh được xác định là 1 trong 4 cây trồng mang lại sự đột phá cho ngành Nông nghiệp của tỉnh. Nông dân trồng chanh dần được huấn luyện sản xuất chuyên nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu không chỉ phục vụ thị trường nội địa, Trung Quốc mà còn những thị trường khó tính như EU, Anh, Nga, New Zealand, Hà Lan và Trung Đông.
Thông tin từ Sở NN&PTNT, đến nay, toàn tỉnh có 59.672ha lúa ƯDCNC, đạt 94,5% KH; 2.083ha rau ƯDCNC, đạt 104,1% KH; 3.738ha chanh ƯDCNC, đạt 125% KH; 5.828ha thanh long ƯDCNC, đạt 97,15% KH; 69,35ha tôm ƯDCNC, đạt 69,35% KH và hỗ trợ chuyển đổi giống bò cho người dân các huyện: Tân Trụ, Đức Hòa, Đức Huệ,...
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho biết: “Chương trình nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, góp phần quan trọng trong chuyển biến nhận thức của người dân, làm thay đổi tập quán canh tác. Người dân dần có ý thức trong việc sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, sử dụng nhà màng, nhà lưới; đa dạng chủng loại cây trồng canh tác, nhất là các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao”.
"Hầu hết nông dân đều thấy được lợi ích của việc ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, để nông dân tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi này, cần có những sự đồng hành, hỗ trợ từ ngành chức năng và DN về kỹ thuật canh tác, nguồn giống, trang thiết bị sản xuất và nguốn vốn vay ưu đãi”.
Ông Nguyễn Văn Tài (xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa)
"Do ảnh hưởng của biến động thị trường mà việc tiêu thụ thanh long tươi thường xuyên gặp khó khăn. Do đó, rất cần sự đầu tư, đồng hành của DN trong việc phát triển các sản phẩm làm từ thanh long. Qua đó, xây dựng một chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị trái thanh long, tăng thu nhập cho nông dân”.
Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Long Hội (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) - Trương Minh Trung
"Thời gian qua, hợp tác xã đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của ngành chức năng trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như hệ thống thủy lợi, đường giao thông,... Do đó, hợp tác xã sẵn sàng hợp tác với các DN, tổ chức để cùng nhau xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, tạo ra chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ”.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Tân (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) - Ngân Văn Phi
|
Nhiều lợi thế thu hút đầu tư
Long An là vùng đất giàu tiềm năng và nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các điểm mạnh về thị trường tiêu thụ, tiềm lực về vốn, khoa học - công nghệ và hệ thống kết cấu hạ tầng, khả năng kết nối, giao thương trong và ngoài nước đều thuận lợi.
Đồng thời, tỉnh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, thuận lợi phát triển sản xuất các loại nông sản nhiệt đới đặc trưng, canh tác nhiều vụ trong năm với năng suất, chất lượng tốt, hiệu quả cao,...
Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn đã và đang được đầu tư hoàn thiện, thực sự là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển. Mặt khác, với vị trí liền kề TP.HCM, tỉnh đang có quỹ đất dành cho phát triển dân cư đô thị và khu, cụm công nghiệp khoảng 30.000ha; trong đó, hơn 10.000ha được chuẩn bị khá đầy đủ về hạ tầng.
Mô hình ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm ở xã Phước Vĩnh Tây (huyện Cần Giuộc) giúp hạn chế dịch bệnh, tăng lợi nhuận
Đặc biệt, tỉnh có hệ thống cảng tiên tiến, hiện đại, nổi bật là Cảng Quốc tế Long An (xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc), cảng cho phép tàu biển có trọng tải đến 70.000 tấn cập bến trên sông Soài Rạp. Ngoài ra, tỉnh còn có cụm cảng Bourbon, Thành Tài, Kiến Thành, Cẩm Nguyên (huyện Bến Lức) cho phép các tàu biển có trọng tải đến 7.500 tấn cập bến. Đây có thể xem là lợi thế lớn để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng ƯDCNC gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền, để thu hút các DN đầu tư vào nông nghiệp, tỉnh tăng cường triển khai các chính sách về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đồng thời, tiếp tục kêu gọi các DN tham gia ngày càng nhiều vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo hướng phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản.
Người trồng thanh long cần sự đầu tư của các doanh nghiệp trong việc phát triển các sản phẩm chế biến từ thanh long
“Trên cơ sở định hướng phát triển công nghiệp Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030 của Chính phủ, tỉnh tiếp tục nghiên cứu và xây dựng định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; đồng thời, xác định những dự án mang tính động lực để thu hút nguồn lực đầu tư từ các DN trong và ngoài nước.
Song song đó, tỉnh cũng đẩy mạnh thu hút các DN, nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, công nghệ, thị trường để đầu tư sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, nông nghiệp sạch làm nòng cốt hỗ trợ, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật - công nghệ cho nông dân. Cùng với đó, liên kết sản xuất những sản phẩm đạt yêu cầu của thị trường, tổ chức thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân” - ông Nguyễn Thanh Truyền thông tin thêm./.
Minh Tuệ