Tiếng Việt | English

14/08/2015 - 08:56

Sản xuất lúa chất lượng cao: Bước đột phá cho sự phát triển lúa, gạo

 

Sản xuất lúa chất lượng cao, bước đột phá trong sản xuất lúa, gạo

Chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng chất lượng cao, tạo vùng sản xuất lúa, gạo hàng hóa là một hướng đi đúng nhằm tăng giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân trên địa bàn tỉnh Long An. Toàn tỉnh, sản lượng lúa chất lượng cao hằng năm chiếm 30%, với diện tích 156.000ha. Năm 2014, sản lượng lúa chất lượng cao khoảng 744.000 tấn; năm 2015, chỉ tiêu khoảng 850.000 tấn; dự kiến năm 2016, sản lượng sẽ tăng lên 1 triệu tấn.

Hiệu quả từ sản xuất lúa chất lượng cao

Để nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất lúa, gạo, hiện tỉnh Long An đã quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ chế biến gạo xuất khẩu tại vùng Đồng Tháp Mười và các huyện Thủ Thừa, Tân Trụ,... với diện tích 156.000ha.

Các ngành chức năng có kế hoạch cùng các địa phương hỗ trợ kỹ thuật, nạo vét hệ thống kênh mương, tập huấn khoa học- kỹ thuật cho nông dân tham gia cánh đồng lớn và hỗ trợ 30% giống lúa xác nhận, lúa chất lượng cao, chủ yếu giống: RVT, Nàng Hoa 9, Lúa thơm, Jasmine,... Ngành cũng kết nối các doanh nghiệp để họ đầu tư giống, phân bón, thuốc, cuối vụ bao tiêu sản phẩm không tính lãi. Hiện nay, vấn đề giống lúa chất lượng cao được nhiều nông dân quan tâm, nhưng theo cơ quan chủ quản, nguồn giống Trung tâm Khuyến nông và các cơ sở cung cấp giống trên địa bàn đủ sức cung ứng.

Ông Phạm Văn Bình - Tổ trưởng Tổ hợp tác Bình Hòa, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ cho biết: “Vụ Hè Thu này là vụ thứ 3 chúng tôi tham gia liên kết với DNTN Công Bình, chủ yếu sản xuất giống RVT, mỗi vụ lãi trên 20 triệu đồng/ha. Hiện tổ có khoảng 116 hộ dân tham gia với 76ha. Khi tham gia, người dân được doanh nghiệp hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng/ha, gồm giống lúa thuần chủng do Cty cung cấp và bao tiêu sản phẩm. Năng suất trung bình khoảng 7 tấn/ha, tăng 500kg/ha so với ngoài mô hình”.

Cần nhiều doanh nghiệp liên kết

Sản xuất lúa chất lượng cao phải dựa trên mối liên kết vùng và liên kết 4 nhà với các giải pháp như xây dựng cánh đồng lớn, từng bước thực hiện sản xuất lúa theo quy trình VietGAP như những mô hình mẫu để nhân ra diện rộng. Tỉnh đã hình thành và phát triển vùng lúa chất lượng cao trên địa bàn các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và Thạnh Hóa với tổng diện tích canh tác lúa ổn định 48.907ha, 100% sản lượng lúa thu hoạch là lúa chất lượng cao, phục vụ chế biến xuất khẩu.

Bên cạnh các doanh nghiệp liên kết hiệu quả như: DNTN Công Bình ở Tân Trụ, Cty Cổ phần Tân Đồng Tiến, Cty Lương thực Long An, Cty Bảo vệ thực vật An Giang,... vẫn còn một số doanh nghiệp thiếu vốn, lò sấy nên gặp khó khăn cho đầu ra sản phẩm, nhất là lúa chất lượng cao. Tỉnh đã liên kết được khoảng 20 doanh nghiệp để cung cấp đầu vào và bao tiêu đầu ra. Vụ Hè Thu năm nay, diện tích lúa chất lượng cao có liên kết với doanh nghiệp khoảng 12.000ha.

DNTN Công Bình đầu tư liên kết với người dân sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 1.500ha ở 2 huyện Tân Trụ (1.100ha) và Tân Hưng (400ha), chủ yếu 3 giống: RVT, Nàng Hoa 9, OM4900. Vụ Hè Thu năm nay, giống lúa RVT chiếm khoảng 80%. Khi người dân tham gia, lợi nhuận tăng từ 15-20%, doanh nghiệp đầu tư chi phí sản xuất, giống xác nhận F1, người dân không phải bỏ vốn cũng như lo đầu ra. Nông dân được tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật, mỗi vụ từ 1-2 lần. Dự kiến trung bình 1 năm, Cty liên kết khoảng 10.000ha ở các tỉnh: Long An (dự kiến mỗi năm trên 3.000ha), Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng.

Cty CP Tân Đồng Tiến liên kết sản xuất giống lúa xác nhận là nếp, lúa thơm XT21 với nông dân huyện Thạnh Hóa, trung bình 1.000ha/năm. Dự kiến năm 2016, Cty sẽ tăng diện tích lên 1.300ha. Riêng vụ Hè Thu năm nay, Cty liên kết với nông dân 500ha.

Để người dân sản xuất lúa chất lượng cao đạt hiệu quả, tỉnh cần tạo điều kiện, hành lang pháp lý thông thoáng, có sự liên kết chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp hơn nữa để ổn định đầu ra sản phẩm, nông dân yên tâm sản xuất. Tỉnh cũng cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng mới hoặc nâng cấp hệ thống kho chứa để thu mua tạm trữ trong lúc mùa vụ hoặc giá thấp. Đồng thời, xây dựng và quảng bá thương hiệu lúa, gạo Long An và tổ chức tham gia các hội chợ, xúc tiến thương mại./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết