Chị Dương Hồng Loan kiểm tra tính ứng dụng của sáng kiến mới nhất của mình
1. Chúng tôi đến gặp chị Dương Hồng Loan - kỹ thuật xưởng của Phân xưởng 3, Công ty (Cty) Cổ phần May xuất khẩu Long An. Gần 30 năm gắn bó với Cty, với chị Loan, công việc trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống.
Được làm việc, sáng tạo và nâng cao năng suất lao động mỗi ngày với chị Loan là niềm vui, trách nhiệm. Chỉ tính từ năm 2013 đến 2017, chị Loan có 5 sáng kiến được ứng dụng vào sản xuất, góp phần rút ngắn thời gian và công sức của công nhân khi thực hiện đơn hàng, mang lại lợi nhuận cao cho Cty. Hiện tại, một sáng kiến khác của chị cũng đang được ứng dụng tại đơn vị.
Chị Loan cho biết, với vị trí kỹ thuật xưởng, chị có cơ hội làm việc trực tiếp với khách hàng về mẫu mã, thiết kế sản phẩm cũng như tiếp cận các công nghệ tiên tiến của đối tác. Đó chính là nền tảng để chị học hỏi và có nhiều sáng kiến trong công việc.
Là người trực tiếp thiết kế các công đoạn thực hiện đơn hàng, chị hiểu cặn kẽ về ưu điểm, hạn chế của từng khâu và luôn trăn trở tìm cách khắc phục những hạn chế đó. Bằng cách tận dụng những máy móc có sẵn hoặc các vật dụng cũ, khuôn cũ, chị Loan tự mày mò sáng kiến ra cách cải tiến, nâng cao năng suất lao động cho công nhân.
Chị Loan cho biết: “Thường mỗi đơn hàng có yêu cầu khác nhau nên một sáng kiến của tôi chỉ ứng dụng cho một đợt nhất định. Khi thấy công đoạn nào mất nhiều công sức quá, tôi thường tìm cách cải tiến. Ban đầu, tôi tự tìm nguyên liệu từ các khuôn cũ hoặc tận dụng máy có sẵn của Cty rồi tự làm khuôn thử nghiệm, khi thành công thì Cty đưa vào ứng dụng. Với tôi, việc sáng tạo vừa giúp Cty rút ngắn thời gian thực hiện đơn hàng, vừa giúp công nhân có thu nhập tốt hơn thì đó tất nhiên là điều nên làm. Cty luôn tạo mọi điều kiện cho công nhân sáng tạo, sáng kiến trong quá trình lao động”.
Những sáng kiến của chị Loan thoạt nhìn đều có vẻ đơn giản nhưng lại mang lại hiệu quả hết sức ấn tượng. Cụ thể, sáng kiến “Tạo khuôn dập định hình mã hàng L191161”. Đợt hàng đó, trên tay áo có trang trí, khi chưa có sáng kiến, công nhân phải sang dấu, sau đó dùng kéo xén vòng theo đường sang dấu, mất nhiều thời gian và độ chính xác lại không cao.
Chị Loan nghĩ ra cách dùng dao máy lạng hết sử dụng làm khuôn dập định hình theo đường sang dấu rồi đem lên máy dập. Nhờ vậy, năng suất tăng từ 200 sản phẩm/ngày lên 600 sản phẩm/ngày.
Với sáng kiến “Tạo khuôn dập định vị”, chị Loan giúp sản phẩm làm ra có độ chính xác 100% và năng suất tăng từ 400 sản phẩm/ngày lên 1.000 sản phẩm/ngày cũng bằng cách ứng dụng máy dập.
Trước đây, khi muốn chắp hông thành phẩm các loại bao bì điện tử, công nhân phải dùng tay định vị trên từng vị trí của sản phẩm, mất nhiều thời gian mà độ chính xác không cao.
Bằng cách dùng miếng gỗ định hình theo hình sản phẩm, sau đó gắn đinh nhọn vào miếng gỗ theo đúng thông số, vị trí khách hàng yêu cầu và đem lên máy dập, chị Loan đã khắc phục được những hạn chế về độ chính xác và năng suất.
2. Mục tiêu cuối cùng của những sáng kiến chính là nâng cao năng suất sản xuất, giải phóng sức lao động và mang lại hiệu quả cao cho công việc.
Anh Trần Thái Trọng - nhân viên Phòng Kỹ thuật - Cty Cổ phần Cơ khí xây dựng Long An, đạt mục tiêu trên với sáng kiến “Băng tải nhập liệu rời di động và rải liệu theo hai hướng trên silo chứa”.
Đây là sáng kiến đoạt hạng nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Long An năm 2016-2017 và được chọn công bố trong Sách Vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2018.
Làm việc tại Cty 8 năm ở vị trí nhân viên phòng kỹ thuật, anh Trọng cho biết, sáng tạo và cải tiến là công việc của anh. Tùy theo yêu cầu của khách hàng, điều kiện của Cty, anh và đồng nghiệp tìm cách nâng cao năng suất, giảm giá thành sản suất nhằm tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
Sáng kiến “Băng tải nhập liệu rời di động và rải liệu theo hai hướng trên silo chứa” phải mất nhiều tháng mới hoàn thành được. Chỉ riêng việc hiện thực hóa ý tưởng đã mất đến 45 ngày.
Anh Trọng cho biết: “Sản phẩm được hình thành dựa trên nền tảng của Băng tải hạt miệng đổ di động trước đó của Cty đã chế tạo thành công và yêu cầu của khách hàng về tiết kiệm chi phí đầu tư cũng như phương thức vận hành thiết bị”.
Sáng kiến trên của anh Trọng có thể giúp nhà sản xuất tiết kiệm hàng trăm triệu đồng trong việc lắp đặt máy móc để sản xuất. Cụ thể, để nhập lúa với năng suất 40 tấn lúa/giờ, trước đây doanh nghiệp phải lắp 8 băng tải rời B600 dài 4m để nhập lúa cho 8 ô trên silo, chi phí 220 triệu đồng nhưng với sáng kiến mới của anh Trọng, đơn vị chỉ cần lắp 1 băng tải nhập liệu di động và rải liệu theo hai hướng dài 18,5m, chi phí 120 triệu đồng và chỉ cần 1 công nhân vận hành, giải phóng sức lao động thủ công, đưa cơ khí hóa vào sản xuất.
Anh Trần Thái Trọng (thứ 2, phải qua) nhận giải tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Long An năm 2016-2017. Ảnh: Ngọc Thạch
Hiện tại, sản phẩm “Băng tải nhập liệu rời di động và rải liệu theo hai hướng trên silo chứa” được Cty chế tạo và lắp đặt cho nhiều Cty tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Qua thời gian sử dụng, thiết bị hoạt động hiệu quả và được khách hàng tín nhiệm. Đó là niềm vui lớn nhất với anh Trọng và cũng là động lực mạnh mẽ để anh tiếp tục sáng tạo cho ra nhiều sản phẩm, cải tiến hiệu quả khác có tính ứng dụng cao trong sản xuất.
Những sáng kiến, sáng tạo của người lao động trong quá trình lao động, sản xuất luôn là điều đáng trân trọng. Dù là đơn giản hay thiết kế phức tạp, đó cũng là kết quả của quá trình làm việc chăm chỉ, nghiêm túc và đầy sáng tạo./.
Phương Phương