Tiếng Việt | English

25/06/2020 - 14:07

Sau tái xuất khẩu gạo, doanh nghiệp chưa hết khó khăn

Sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho xuất khẩu gạo trở lại kể từ ngày 01/5/2020, nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết rất vui mừng. Tuy nhiên, việc xuất khẩu gạo không dễ dàng, “cơ hội vàng” đã tuột tầm tay.

Doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn, hàng hóa đầy kho nhưng hợp đồng mới chưa được ký kết

“Cơ hội vàng” tuột tầm tay

Giám đốc Công ty (Cty) TNHH Việt Thanh (xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, tỉnh Long An) - Trần Thanh Phong cho biết, nhiều DN xuất khẩu gạo rất vui khi được phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường. Tuy nhiên, hậu quả của việc tạm dừng xuất khẩu gạo vừa qua làm DN thiệt hại nặng nề. Sau khi lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo được gỡ bỏ, những tưởng DN sẽ bớt khó khăn thế nhưng, ngoài cung ứng cho đối tác đơn hàng cũ ký trước đó, kể từ sau ngày 01/5 đến nay, hầu như nhiều DN chưa ký được hợp đồng mới.

Nhà máy Cty Việt Thanh hiện có công suất 500 tấn/ngày nhưng hiện tại chỉ hoạt động đạt 1/3 công suất. Hiện Cty tồn kho khoảng 7.000 tấn (quy gạo). Nếu như năm 2019, Cty xuất khẩu khoảng 70.000 tấn thì từ đầu năm 2020 đến nay chỉ xuất được gần 30.000 tấn. Lượng gạo xuất được do Cty ký hợp đồng với khách hàng trước thời điểm lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo vào ngày 21/3. Kể từ sau ngày 01/5, DN chưa ký thêm được bất cứ một hợp đồng mới nào. Giải thích vấn đề này, ông Thanh Phong chia sẻ, do DN Việt Nam tạm thời dừng xuất khẩu gạo, các nước bạn đã ồ ạt xuất kho cung ứng cho những nước cần. Vì vậy, thời điểm này, các nước có nhu cầu nhập khẩu gạo như Trung Quốc, Malaysia,... đã đủ số gạo cần.

Tương tự Cty Việt Thanh, nhiều DN xuất khẩu gạo cũng rơi vào tình trạng xuất khẩu khó khăn. Giám đốc Cty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An - Đặng Thị Liên cho biết: Thời điểm DN Việt Nam được lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo, không ít đối tác nước ngoài mong muốn ký hợp đồng. Bởi thời điểm đó, lúa Đông Xuân vừa thu hoạch, phẩm chất gạo tốt nhưng ít DN thực hiện ký hợp đồng do không biết chính xác thời điểm được phép xuất khẩu trở lại, sợ không giao đúng hợp đồng. Nhưng thời điểm này, DN xuất khẩu gạo kho chứa đầy nhưng không có đối tác tìm đến ký hợp đồng. Cơ hội gần như tuột tầm tay, không ít DN mất thị trường.

Đa dạng hóa thị trường

Thông tin từ Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 26 DN kinh doanh xuất khẩu gạo. Hầu hết DN đều đang rơi vào tình trạng xuất khẩu khó khăn do ảnh hưởng lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo trước đây.

Theo ông Thanh Phong, tuy lượng hàng hóa tồn kho lớn, thời điểm này, nông dân bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu, đối với diện tích hợp tác với nông dân, Cty vẫn bao tiêu, thu mua không thay đổi. Vụ Hè Thu, Cty hợp tác với nông dân ở Vĩnh Hưng và chuẩn bị thu hoạch khoảng 4.000 tấn nếp, gạo. Ngoài ra, Cty tiếp tục mua tạm trữ thêm 2.000 tấn (quy gạo) để đủ sản lượng khoảng 6.000 tấn tạm trữ, chờ cơ hội xuất khẩu cũng như đẩy mạnh tiêu thụ trong nước.

Đồng thời, Cty Việt Thanh còn thực hiện “câu chuyện đường dài” thông qua đầu tư dây chuyền đóng gói có tính năng dò kim loại. Dây chuyền mới này khoảng 5 tỉ đồng, có thể đóng gói, hút chân không tự động với nhiều túi nhỏ có trọng lượng từ 0,5-10kg. Một ngày, dây chuyền này có thể cho ra 125 tấn sản phẩm. Song song với đầu tư dây chuyền sản xuất mới, Cty Việt Thanh cũng quan tâm xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm gạo có phẩm chất tốt, đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, có thể truy nguyên nguồn gốc, để tránh phụ thuộc vào 1 thị trường nhất định. Bên cạnh đẩy mạnh xuất khẩu gạo, Cty Lương thực Thực phẩm Long An cũng như nhiều DN khác đang tăng cường tiêu thụ nội địa thay vì chỉ quan tâm xuất khẩu như trước đây.

Theo Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức, trước những khó khăn của DN, thời gian qua, ngành Công Thương và các đơn vị liên quan đã theo dõi sát tình hình kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh để có những đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương và địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN ổn định và sản xuất, kinh doanh xuất khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai và kiểm tra về tình hình thu mua lúa, gạo hàng hóa của DN bảo đảm đủ lượng dự trữ lưu thông bắt buộc. Để giải quyết khó khăn cho DN xuất khẩu gạo hiện nay, ngành Công Thương và các đơn vị liên quan đang tập trung một số giải pháp. Trong đó, tăng cường thông tin thị trường, nhất là các thị trường mà Việt Nam đã ký các Hiệp định thương mại (FTA); đồng thời đổi mới, nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, ngoài việc củng cố thị trường truyền thống thì tập trung tìm kiếm khai thác thị trường tiềm năng để mang lại hiệu quả thiết thực cho DN./.

Thanh Tùng

Chia sẻ bài viết