Tiếng Việt | English

12/04/2022 - 09:01

Siết chặt quản lý giá các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch, lương thực, thực phẩm tiêu dùng hàng ngày của người dân có chiều hướng tăng cao, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá.

Giá cả tăng vọt, ảnh hưởng đời sống người dân

Thời điểm từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 đến nay, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, so với thời điểm cuối năm 2021, giá gas tăng 48.000 đồng/bình 12kg, hiện ở mức bình quân 500.000 đồng/bình 12kg; đường cát tăng 1.400 đồng/kg, hiện ở mức bình quân 30.000 đồng/kg; sắt xây dựng tăng 800 đồng/kg, hiện ở mức bình quân 20.500 đồng/kg; xăng RON 95-III tăng 7.020 đồng/lít, hiện ở mức 29.820 đồng/lít; xăng E5 RON 92-II tăng 6.900 đồng/lít, hiện ở mức 28.980 đồng/lít. Ngoài ra, nhiều mặt hàng khác cũng tăng giá như dầu ăn, các loại bột làm bánh, trứng gia cầm các loại,...

Hoạt động kiểm tra đo lường, chất lượng xăng, dầu của các đơn vị trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ

Chị Nguyễn Thị Gái - tiểu thương bán trái cây tại phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An chia sẻ: “Để có giá tốt, hàng ngày, tôi phải đến chợ đầu mối Bình Điền từ sáng sớm để chọn lựa các loại trái cây về bán. Chính vì chịu khó bán nhiều loại trái cây cùng lúc nên đồng lời đủ trang trải cuộc sống và nuôi con đi học. Từ sau tết đến nay, giá xăng tăng liên tục khiến giá các loại trái cây tăng, chi phí xăng xe đi lại hàng ngày từ TP.Tân An đến chợ Bình Điền cũng tăng. Không chỉ mặt hàng trái cây tăng mà nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm khác cũng tăng, điều này khiến cuộc sống người dân khó khăn, họ đành thắt chặt chi tiêu, vì vậy, các loại trái cây bán ra chậm. Nhiều ngày không tránh khỏi tình cảnh ế hàng, phải giảm giá khiến đồng lời ngày càng ít, thậm chí có ngày không có lời”.

Chị Nguyễn Thị Bé Năm - tiểu thương chuyên bán tạp hóa trên địa bàn phường 5, TP.Tân An, cho biết, hiện nay, các loại nguyên, nhiên liệu làm bánh ngọt như bột, dầu ăn, trứng, đậu,... đều tăng giá. Hầu hết người làm bánh bán nhỏ, lẻ đều chia sẻ bán không có lãi nên phải tăng giá bán ra. Chị Bé Năm giải thích thêm, nhiên liệu như gas, xăng tăng làm chi phí vận chuyển tăng theo nên giá hàng hóa không thể đứng yên.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Phó Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh - Phạm Đức Chinh nhận định, quí I/2022, Việt Nam chịu tác động của vấn đề tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới như xăng, dầu, than, khí đốt, nguyên liệu nhập khẩu. Việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng cao. Theo dự báo, giá cả hàng hóa quí II tiếp tục chịu tác động và giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tiếp tục tăng cao. Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường thanh, kiểm tra tất cả mặt hàng tiêu dùng, trong đó chú trọng nhiều đến xăng, dầu, gas,...

Trong quí I, các đơn vị trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện thanh, kiểm tra về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đối với 43 cơ sở kinh doanh xăng, dầu (lấy 2 mẫu xăng RON95 kiểm tra chất lượng, chưa có kết quả), 21 cơ sở kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ, 4 cơ sở kinh doanh điện tử và đồ chơi trẻ em, 6 cơ sở kinh doanh phương tiện đo nhóm 2.

Qua đó, phát hiện, xử lý 3 trường hợp vi phạm về phương tiện đo và 1 trường hợp vi phạm về chất lượng xăng, dầu, xử phạt vi phạm hành chính 89 triệu đồng. Cũng liên quan đến xăng, dầu, Sở Công Thương thành lập Đoàn kiểm tra thực hiện giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng, dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn các huyện: Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa. Qua đó, chưa phát hiện vi phạm.

Tuy giá cả biến động theo chiều hướng tăng nhưng hàng hóa tại các chн, siêu thị, trung tâm thương mại vẫn đầy đủ, tạo tâm lý an tâm cho người tiêu dùng

Thực hiện Kế hoạch số 783/KH-CAT-PC03, ngày 23/11/2021 của Công an tỉnh về mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, lực lượng chức năng thuộc phòng Cảnh sát kinh tế tỉnh phối hợp lực lượng chức năng Công an huyện Tân Trụ, Bến Lức và Đức Hòa bắt giữ các vụ việc sang chiết gas trái phép. Tang vật thu giữ 7,6 tấn gas, 275 bình gas (loại 12kg), 107 vỏ bình gas các loại, 6 hệ thống trụ bơm dùng sang chiết gas, 2 cân, 2 máy khò và nhiều tang vật khác dùng cho việc sang chiết gas trái phép. Tổng trị giá hàng hóa tạm giữ trên 300 triệu đồng. Hiện vụ việc được các cơ quan chức năng củng cố hồ sơ xử lý. Một khi giá gas ở mức cao, hành vi sang chiết gas trái phép, nguồn gốc trôi nổi sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của người dùng cũng như chất lượng, trọng lượng của bình gas.

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cho biết, mặc dù thị trường bên ngoài có biến động về giá nhưng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Tại các siêu thị lớn, các trung tâm thương mại, chợ hay cửa hàng bách hóa, hàng hóa vẫn đầy đủ, không thiếu hụt, tạo tâm lý yên tâm cho khách hàng. Riêng với giá cả xăng, dầu, thời điểm sau tết nguồn cung biến động ảnh hưởng đến đời sống người dân, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng, dầu trên địa bàn tỉnh. Đến nay, nguồn cung cơ bản ổn định.

Hiện nay, giá xăng, dầu trong nước đã điều chỉnh thấp hơn mức tăng của thế giới do sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu, đã chi 750 - 1.000 đồng từ quỹ bình ổn xăng dầu cho mỗi lít xăng, 1.500 đồng cho mỗi lít dầu diesel. Sở tiếp tục theo dõi thị trường, kịp thời tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương có những giải pháp khi thị trường biến động.

Thịt heo là một trong những mặt hàng ít biến động giá, tạo tâm lý an tâm cho người tiêu dùng

Đối với các hàng hóa khác tăng theo giá xăng, dầu, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát nhằm giảm gánh nặng chi phí cho người tiêu dùng và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Theo đó, tỉnh đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ.

Sở Công Thương đang phối hợp các doanh nghiệp triển khai chương trình bình ổn thị trường, cung ứng hàng thiết yếu giá ưu đãi cho người lao động của các doanh nghiệp. Liên đoàn Lao động tỉnh cũng triển khai nhiều chương trình phúc lợi đoàn viên, mua hàng hóa với giá ưu đãi hỗ trợ người lao động. Qua đó, Sở Công Thương khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng, gia tăng giá trị sử dụng cho người tiêu dùng.

Theo ông Phạm Đức Chinh, trước diễn biến phức tạp về giá cả thị trường, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng, nhất là Cục QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát đầu cơ, tăng giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ.

Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thanh, kiểm tra, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; xác định đối tượng, lĩnh vực, địa bàn, mặt hàng trọng tâm, trọng điểm có tầm ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển KT - XH của tỉnh để xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết