Tiếng Việt | English

30/01/2024 - 15:26

Siết chặt quản lý trước 'ma trận' phân bón

Những năm gần đây, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng trên địa bàn tỉnh Long An ngày càng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều hệ lụy và thiệt hại cho nông dân, Nhà nước và doanh nghiệp. Để kịp thời ngăn chặn vấn nạn này, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra tại Cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật Chín Châu (huyện Tân Thạnh)

Phân bón giả hoặc kém chất lượng gây thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp và bức xúc cho nông dân. Điều này được thể hiện rõ khi hầu hết các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ánh về tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; đồng thời, kiến nghị các ngành chức năng có biện pháp xử lý thích đáng, tăng mức xử phạt để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.

Thực tế nhiều năm trở lại đây, trong “rừng” nông dược cũ có, mới có, nông dân rất khó phân biệt đâu là phân bón thật, đâu là phân bón giả, có người chỉ biết dựa vào kinh nghiệm bản thân là chính, có người lại phó thác vào uy tín của đại lý làm ăn lâu năm với mình, nhất là đối với nông dân mua nợ vật tư nông nghiệp, đến mùa trả sau.

Ông Trần Văn Hiển (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) cho biết: “Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tôi cũng không biết loại nào là thật, loại nào là giả. Thông thường thì đại lý đưa loại phân bón, thuốc gì thì tôi sử dụng loại đó”.

Theo nhận định của ngành Nông nghiệp tỉnh, việc nhận biết phân bón giả, kém chất lượng qua bao bì hoặc hình dạng, màu sắc của sản phẩm là rất khó, bởi hiện nay, số lượng phân bón thành phẩm lưu thông trên thị trường rất lớn và có nhiều dạng, màu sắc, công thức khác nhau.

Trước một “ma trận” danh mục vật tư nông nghiệp đang có mặt trên thị trường, nông dân khó nhận biết phân bón thật, giả. Chính vì thế, nông dân chỉ có thể trông chờ vào ngành chức năng.

Thông tin từ Cục QLTT tỉnh, trong năm 2023, Cục kiểm tra 170 vụ, trong đó, lấy 135 mẫu phân bón kiểm định chất lượng. Kết quả, Cục QLTT tỉnh phát hiện 54 vụ vi phạm như phân bón giả 3 vụ; phân bón kém chất lượng 18 vụ; vi phạm về nhãn, điều kiện, niêm yết giá 33 vụ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 3 tỉ đồng.

Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra tại Cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật Chín Châu (huyện Tân Thạnh)

Các hành vi vi phạm qua kiểm tra, phát hiện chủ yếu là: Buôn bán hàng hóa không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; sản xuất hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng; vi phạm nhãn hàng hóa; không niêm yết giá hàng hóa; sản xuất phân bón không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam; trưng bày để bán hàng hóa là phân bón xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu; không thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ quan chủ quản trực tiếp; tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; địa chỉ, điện thoại; không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định; buôn bán phân bón khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.

Về thuốc bảo vệ thực vật, năm 2023, Cục kiểm tra và phát hiện 23 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt gần 690 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là buôn bán thuốc bảo vệ thực vật khi giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc hết hạn; không giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; vi phạm nhãn hàng hóa, không niêm yết giá hàng hóa.

Phó Đội trưởng phụ trách Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh - Nguyễn Vinh Sang cho biết: Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng còn gặp nhiều khó khăn. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng chống đối sự kiểm tra của lực lượng chức năng bằng cách di dời cơ sở sản xuất vào vùng hẻo lánh, thưa thớt dân cư. Sau khi sản xuất xong, mang ra thị trường bán ồ ạt vào thời điểm nhất định rồi xóa luôn dấu vết xưởng sản xuất đó.

Thiết nghĩ, ngoài sự vào cuộc của các cấp, các ngành, người dân cần tự nâng cao ý thức, hiểu biết trong lựa chọn vật tư nông nghiệp. Nông dân không nên ham giá rẻ; không nên mua phân bón vón cục, đóng rắn hoặc chảy nước vì đã bị biến đổi chất lượng; nên chọn mua vật tư nông nghiệp của các doanh nghiệp lớn, có uy tín trong sản xuất, kinh doanh./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết