Tiếng Việt | English

01/02/2023 - 23:50

Sôi nổi phong trào thi đua Dạy tốt - Học tốt

Thi đua Dạy tốt - Học tốt là nhiệm vụ trọng tâm, khâu cốt lõi trong nâng cao chất lượng giáo dục, tạo môi trường sư phạm năng động, tích cực, giúp thầy và trò rèn luyện, phấn đấu trở thành giáo viên (GV) giỏi, học sinh (HS) giỏi. Phong trào thi đua Dạy tốt - Học tốt luôn được hưởng ứng tích cực, sôi nổi, từ đó có thêm nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Giáo viên nỗ lực dạy tốt

Giáo viên nỗ lực tạo không khí học tập sôi nổi, thoải mái để học sinh hứng thú xây dựng bài học

Đầu năm học, Trường THPT Rạch Kiến (huyện Cần Đước) phát động phong trào thi đua Dạy tốt - Học tốt. Biết tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thầy Nguyễn Lê Thanh Nam - GV môn Tiếng Anh, không ngừng học tập, sáng tạo, nâng cao trình độ chuyên môn. Theo đó, thầy Thanh Nam chủ động sắp xếp thời gian đăng ký học ôn IELTS; đồng thời, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Trong giảng dạy, thầy luôn tích cực nâng cao và đổi mới phương pháp như soạn bài giảng dạy cho HS bằng bảng tương tác, đưa bài tập lên hệ thống Google classroom để HS chủ động tự làm và nộp bài khi ở nhà,...

Thầy Thanh Nam chia sẻ: “Với sự nỗ lực nâng cao năng lực chuyên môn và đổi mới phương pháp dạy, tôi kích thích được sự đam mê học tập của HS. Ngoài ra, tôi còn đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá thông qua “sơ đồ tư duy” hay đưa ra các “dự án” cho HS làm việc theo nhóm, giúp khơi gợi sự sáng tạo, hứng thú cũng như hình thành cho các em kỹ năng làm việc theo cặp, theo nhóm,...”.

Bên cạnh đó, với HS trung bình, yếu, thầy Thanh Nam tạo nhóm Zalo riêng để các em không ngại trình bày những điểm yếu của mình với các bạn khác. Qua đó, thầy nắm được các em hỏng kiến thức hoặc chưa hiểu về vấn đề gì và hướng dẫn lại kỹ hơn; đồng thời, giao bài tập dạng cơ bản hơn cho các em. “Tôi quan niệm, muốn thành công lớn thì phải thành công từ cái nhỏ nên tôi giao những bài cơ bản nhất cho nhóm HS trung bình, yếu này. Việc làm này vừa giúp các em lấy lại kiến thức cơ bản, vừa không để những em khá, giỏi nhàm chán. Nhờ vậy, tôi chủ động được việc nâng cao trình độ cho HS khá, giỏi và củng cố kiến thức cho HS chậm tiến bộ”.

Hưởng ứng phong trào thi đua Dạy tốt - Học tốt, cô Trần Thị Mỹ Hạnh - GV môn Ngữ văn, Trường THPT Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa), tích cực tham gia hội thi GV dạy giỏi cấp trường, chiến sĩ thi đua, sáng kiến kinh nghiệm, bồi dưỡng HS giỏi,... Trong quá trình giảng dạy, cô tích cực sử dụng đồ dùng dạy học, nhất là những đồ dùng dạy học tự sáng tạo; ứng dụng công nghệ thông tin trong các bài giảng. Cô Mỹ Hạnh còn tổ chức nghiên cứu bài học trong sinh hoạt chuyên môn như lựa chọn những bài khó trong chương trình, đặc biệt là chương trình lớp 12, lớp 10 để thao giảng, dự giờ, rút kinh nghiệm.

Cô Mỹ Hạnh cho biết: “Tôi luôn nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS bằng cách tăng cường hoạt động thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận để rèn luyện và hình thành các kỹ năng đọc, viết, nói, nghe. Trên lớp, tôi tổ chức các hoạt động dạy học như thuyết trình, kết hợp tivi hoặc máy chiếu và vận dụng các kỹ thuật dạy học tích cực, tổ chức thi đua giữa các nhóm,... để tiết học vừa sinh động, vừa tạo hứng thú, sự yêu thích cho HS. Sau giờ học, tôi giao bài tập về nhà và kiểm tra, đánh giá sản phẩm học tập của các em”.

Từ đầu năm học, cô Mỹ Hạnh còn phân loại nhóm HS khá giỏi, trung bình, yếu, từ đó tiến hành dạy học phân hóa. Đối với HS trung bình, yếu, cô tìm hiểu nguyên nhân yếu kém của các em để có giải pháp phù hợp; hướng dẫn phương pháp học tập ở nhà và trên lớp; khuyến khích các em tham gia tìm hiểu bài học; thường xuyên kiểm tra bài, áp dụng nhiều hình thức để HS nắm kiến thức trọng tâm của mỗi bài học;...

Học sinh phát huy tinh thần tự học

Xác định học tập là nhiệm vụ quan trọng, giúp nâng cao kiến thức và thực hiện được ước mơ về nghề nghiệp trong tương lai, HS nỗ lực học tốt, bởi học tốt HS mới phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ; rèn được tính say mê, chăm chỉ trong học tập cũng như phát huy tinh thần nghiên cứu, sáng tạo và vận dụng kiến thức học được vào cuộc sống giúp tăng năng lực trí tuệ, sự hiểu biết của bản thân.

Học sinh Trường THPT Tân An (TP.Tân An) học nhóm sau tiết học trên lớp

Để phát huy năng lực của mỗi HS, tạo môi trường sư phạm năng động, tích cực, Trường THPT Tân An (TP.Tân An) thành lập các câu lạc bộ học tập, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức mỗi tuần,... để HS tham gia. Nhờ vậy, hoạt động tự học, tự nghiên cứu của HS tại trường diễn ra sôi nổi, góp phần phát hiện nhiều HS giỏi, năng khiếu ở các môn học. Nguyễn Minh Thắng - HS lớp 10A9, Trường THPT Tân An, chia sẻ: “Môi trường học tại Trường THPT Tân An không chỉ thoải mái mà còn khơi gợi tinh thần học tập của em. Với sự hướng dẫn, khích lệ của thầy, cô, em phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu, nhất là ở môn Địa lý và Vật lý mà em yêu thích. Em sẽ nỗ lực đầu tư học tập, nghiên cứu kỹ về 2 môn học yêu thích này để tham gia thi HS giỏi”.

Nguyễn Huỳnh Lan Vy - HS lớp 12XH 2, Trường THPT Đức Hòa (huyện Đức Hòa), luôn nghiêm túc học tập trên lớp, chăm chỉ tự học ở nhà. Không chỉ vì là HS cuối cấp, chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT mà tính tự học được Lan Vy rèn giũa qua nhiều năm học trước đó. Ngoài nắm chắc bài giảng, làm đầy đủ bài tập GV giao, Lan Vy còn tìm hiểu thêm kiến thức nâng cao liên quan bài học, nhất là các môn yêu thích như Ngữ văn, Lịch sử. “Càng tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, em càng tự hào về quê hương, biết ơn những người đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập dân tộc. Từ đó, em ý thức rõ trách nhiệm của mình - thế hệ trẻ là tiếp tục phát huy và giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh” - Lan Vy bộc bạch.

Hưởng ứng phong trào thi đua Dạy tốt - Học tốt, không khí giảng dạy, học tập của GV, HS của các trường trở nên sôi nổi, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo./.

An Nhiên

Chia sẻ bài viết