Học sinh học nhóm và sử dụng Internet để tra cứu tài liệu
Khơi dậy tinh thần dạy và học
Xác định GV, HS là chủ thể quan trọng trong hưởng ứng phong trào thi đua Dạy tốt - học tốt, các trường luôn tạo điều kiện cho GV, HS có môi trường dạy và học thuận lợi, phát huy thế mạnh của bản thân. Theo đó, GV thường xuyên được trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; HS được phát huy tinh thần tự nghiên cứu, tự học.
Mỗi năm học, Trường THPT Đức Hòa (huyện Đức Hòa) xây dựng kế hoạch hưởng ứng phong trào thi đua Dạy tốt - học tốt. Tùy theo đặc thù đơn vị, tình hình năm học, trường có những thay đổi và giải pháp phù hợp nhằm đạt hiệu quả cao nhất có thể. Trong đó, trường tập trung chú trọng giải pháp khơi dậy tinh thần sáng tạo của GV, ham học của HS thông qua các hoạt động, phong trào thi đua về dạy và học.
Một trong những GV giỏi cấp tỉnh, cô Nguyễn Thị Thúy Bình - GV môn Địa lý, Trường THPT Đức Hòa, chia sẻ: “Thông qua các phong trào thi đua của GV, đặc biệt là thi GV giỏi, tôi được cọ xát thực tế, học hỏi thêm rất nhiều điều hay, thú vị. Bản thân cũng được trui rèn để bản lĩnh hơn, biết cách xử lý tình huống tốt hơn trong giảng dạy”. Ngoài ra, cô Bình còn thay đổi phương pháp giảng dạy nhằm tạo sự hứng thú học tập cho HS. Theo đó, tùy vào nội dung bài học, cô Bình chọn phương pháp giảng dạy phù hợp. Đó có thể là học nhóm, chơi trò chơi tìm kiến thức, ứng dụng công nghệ thông tin cho bài giảng.
Hưởng ứng phong trào thi đua dạy tốt - học tốt, không khí dạy và học trở nên sôi nổi hơn
Bên cạnh những nỗ lực của GV, nhiều HS Trường THPT Đức Hòa hình thành ý thức tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi kiến thức mới. Đó là kết quả của quá trình động viên, nhắc nhở và vận động các em tham gia các hoạt động, phong trào của Đoàn Thanh niên, cuộc thi của ngành tổ chức, đặc biệt là kỳ thi chọn HS giỏi.
Trần Minh Triết - HS lớp 12TNA1, Trường THPT Đức Hòa, tâm sự: “Hiểu được học là cho bản thân và thành tích học tập là yếu tố quan trọng quyết định tương lai, em không chỉ phấn đấu trong học tập mà còn tích cực tham gia kỳ thi HS giỏi để hiểu hơn về năng lực của mình. Trên lớp, em luôn chú ý lắng nghe giảng để nắm vững lý thuyết; đồng thời, đọc thêm sách, tài liệu để hiểu kỹ hơn. Khi nắm chắc lý thuyết, em áp dụng làm bài tập và luyện tập thường xuyên từ dễ đến khó. Ngoài ra, để học đạt kết quả tốt, em còn phân chia thời gian học ở nhà phù hợp, không quên nghỉ ngơi, giải trí để giảm căng thẳng, mệt mỏi”.
Ngoài ra, Trường THPT Đức Hòa còn tạo môi trường thoải mái, thuận lợi cho HS tự học. Đó là khu vực hành lang xanh được bố trí bàn, ghế và trang trí cây kiểng. HS có thể học nhóm, học cá nhân trong giờ ra chơi và thời gian không có tiết trên lớp.
Hưởng ứng phong trào thi đua Dạy tốt - học tốt, Trường THCS Thị trấn Tân Hưng (huyện Tân Hưng) chú trọng phát huy vai trò tổ chuyên môn trong thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới sinh hoạt chuyên môn thông qua hoạt động các mô hình. Theo đó, hiệu trưởng trường chỉ đạo các tổ trưởng chuyên môn tăng cường các biện pháp quản lý tổ, thường xuyên kiểm tra, có đánh giá kịp thời để điều chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại. Trường thực hiện các mô hình đổi mới phương pháp dạy học, giúp GV nhận thức về vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác, nêu cao tinh thần tự học, tự rèn, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề GV. Đồng thời, trường thực hiện các mô hình: Sinh hoạt chuyên môn dựa trên phân tích hoạt động học tập của HS, Giáo dục gắn với thực tiễn sản xuất, Lớp học đảo ngược. Từ đó, phong trào thi đua Dạy tốt - học tốt tạo được không khí thi đua sôi nổi trong đội ngũ GV và HS của trường.
Thay đổi không gian dạy học
Hưởng ứng phong trào thi đua Dạy tốt - học tốt, nhiều trường có các mô hình hay, hiệu quả. GV, HS được tạo điều kiện để phát huy sở trường, năng lực và sáng tạo. Trong đó, dạy học ở không gian ngoài lớp học áp dụng tại Trường THPT Chuyên Long An là một trong những việc làm hiệu quả trong công tác dạy và học.
Tùy theo môn học, nội dung bài học, GV Trường THPT Chuyên Long An cho HS học tập tại không gian ngoài lớp học. Đó có thể là khu vực sảnh, sân trường hay một góc nào đó phù hợp trong phạm vi trường. Thông qua hoạt động này, HS được thay đổi không gian học tập từ 4 bức tường sang không gian mở, thoải mái hơn, góp phần tạo hứng thú học tập và kích thích sự sáng tạo của các em.
Học sinh học tập trong không gian mở
Cô Nguyễn Thị Kim Nguyên - GV môn Tiếng Anh, Trường THPT Chuyên Long An, thổ lộ: “Tôi thường áp dụng dạy học không gian mở trong hoạt động nói của HS. Việc thay đổi không gian học tập như vậy, đầu tiên là HS hứng thú hơn, thoải mái hơn và được tự do hơn. Từ đó, các em dường như được xóa bỏ những rào cản về sự gò bó, tù túng trong không gian lớp học mà thỏa sức sáng tạo và tận hưởng tiết học với những trải nghiệm thú vị. Ngoài ra, các em còn có thể chia nhiều nhóm nhỏ ở các góc khác nhau để nói mà không bị bó buộc không gian, có thể nói lớn mà không sợ ồn ảnh hưởng lớp kế bên”.
“Dạy học không gian mở, môn Toán không còn quá khô khan nữa, HS có thể vận dụng kiến thức vào thực tiễn trong một số nội dung bài học. Trong không gian mở, các em cũng có thể thoải mái học nhóm, thực hành nhóm. Nhờ vậy, tiết học trong không gian mở mang lại hiệu quả. HS tiếp thu bài tốt hơn, hứng thú hơn trong học tập và đặc biệt là phát triển thêm các kỹ năng quan trọng như giao tiếp, làm việc nhóm” - thầy Võ Thanh Phú - GV môn Toán, Trường THPT Chuyên Long An, cho biết.
Bên cạnh môn Tiếng Anh, Toán, nhiều môn học khác cũng áp dụng dạy học trong không gian mở này. Đa số các tiết học là tiết thực hành, làm bài tập. Theo đó, GV cho HS sử dụng laptop, điện thoại thông minh kết nối Internet để hỗ trợ nghiên cứu tài liệu phục vụ việc học.
“Em thích các tiết học ở không gian mở hơn. Bởi, thầy cô thường có những hoạt động thú vị cho chúng em tham gia để tiếp thu kiến thức mới. Không còn bàn, ghế như trên lớp, khoảng cách giữa bạn bè cũng được rút ngắn. Chúng em có thể thoải mái thảo luận và phát huy khả năng tư duy trong quá trình học tập” - Phạm Lê Kim Tuyền - HS Trường THPT Chuyên Long An, chia sẻ.
Thông qua hưởng ứng phong trào thi đua Dạy tốt- học tốt, không khí học tập, sáng tạo của GV, HS trở nên sôi nổi tại các trường học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các đơn vị./.
Ngọc Thạch