Tiếng Việt | English

03/06/2022 - 10:52

Sử dụng nước sạch, bảo vệ môi trường: Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống

Để có môi trường sống tốt, con người phải giữ vệ sinh môi trường (VSMT) cũng như giữ sạch nguồn nước sinh hoạt. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - bác sĩ (BS) Chuyên khoa II Huỳnh Hữu Dũng có những chia sẻ với phóng viên (PV) Báo Long An xung quanh vấn đề này.

Phân loại rác tại nguồn - một cách để bảo vệ môi trường sống

PV: Được biết, ngành Y tế tỉnh có một số dự án (DA) về VSMT và sử dụng nước sạch. BS có thể chia sẻ về hiệu quả của các DA này trong thời gian qua?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Về lĩnh vực VSMT và sử dụng nước sạch, thời gian qua, ngành Y tế được phân bổ một số DA như DA VSMT nông thôn hỗ trợ xây nhà vệ sinh với mục tiêu hỗ trợ người dân sửa chữa, nâng cấp, xây mới nhà vệ sinh hộ gia đình; đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách. Từ năm 2012 - 2020, có 1.661 hộ gia đình đã được hỗ trợ xây nhà vệ sinh.

Kế đến là DA Helvetas hỗ trợ thiết bị lọc nước và xây nhà vệ sinh nhằm góp phần cải thiện điều kiện sống cho các hộ nghèo thông qua tăng cường tiếp cận bền vững nguồn nước an toàn và hợp vệ sinh cũng như cải thiện VSMT và vệ sinh cá nhân khu vực nông thôn. DA này được triển khai tại các huyện: Đức Huệ, Mộc Hóa và Tân Hưng trong thời gian từ tháng 12/2013 đến 12/2015 bằng cách hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh, thiết bị lọc nước cho những hộ nghèo chưa có nhà vệ sinh. Kết quả đã hỗ trợ 191 hộ xây nhà vệ sinh và hỗ trợ thiết bị lọc nước cho 150 hộ.

Bên cạnh đó, DA nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý chương trình VSMT tuyến huyện, xã, cộng tác viên, tuyên truyền viên, nhằm nâng cao kỹ năng truyền thông trong cộng đồng. DA này được thực hiện từ năm 2012 - 2015. Thông qua DA, các cán bộ y tế, cộng tác viên được tập huấn nâng cao năng lực về quản lý VSMT; quản lý giám sát nhà tiêu của hộ gia đình và kiểm tra, giám sát VSMT, chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt; kỹ thuật xây dựng nhà tiêu của hộ gia đình; giám sát chất lượng nước; kỹ năng truyền thông VSMT;... từ đó giúp chất lượng hoạt động của cán bộ y tế và cộng tác viên được nâng cao và hỗ trợ có hiệu quả cho người dân.

PV: Tỉnh đang đứng trước những thách thức gì trong vấn đề bảo vệ môi trường, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Có rất nhiều thách thức. Đó là quá trình đô thị hóa khiến cho địa phương phải đối mặt với những khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng môi trường và ngăn chặn, giảm thiểu suy thoái tài nguyên, nhất là chất lượng môi trường sống tại các đô thị. Cùng với đó, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh phát triển mạnh, trên địa bàn hiện tập trung rất nhiều cơ sở công nghiệp với nhiều loại hình khác nhau, gây tác động đến môi trường ở những khía cạnh và mức độ khác nhau như ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, không khí, khói, bụi, tiếng ồn, giao thông, ô nhiễm nhiệt độ, độ ẩm,... Ngoài ra, vẫn tồn tại các cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư, đây là một trong những nguồn ô nhiễm khó kiểm soát, dễ phát tán, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân và môi trường tự nhiên.

Môi trường tiếp nhận nước thải công nghiệp là hệ thống sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh, cũng là nguồn cung cấp nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và nhu cầu sinh hoạt của một số khu vực dân cư sống ven sông. Trong tương lai, nếu việc xây dựng hạ tầng chưa hoàn chỉnh thì nguồn tiếp nhận sẽ chịu áp lực rất lớn về vấn đề nước thải, nồng độ chất ô nhiễm ngày càng gia tăng, thành phần các chất ô nhiễm ngày càng phức tạp,... ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.

Trong khi đó, hoạt động bảo vệ môi trường của ngành chức năng hiện nay còn gặp nhiều khó khăn như nguồn nhân lực chưa đảm bảo; tài chính đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế; ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao; vẫn còn tình trạng doanh nghiệp vì lợi nhuận nên chưa thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, cố tình xả chất thải chưa xử lý ra môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Chính vì vậy, rất cần sự chung tay của mỗi cá nhân trong bảo vệ môi trường sống và nguồn nước.

PV: BS cho biết những công cụ nào để quản lý vấn đề nước sạch, VSMT?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Về mặt chính sách, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu, đã được sửa đổi, bổ sung, trong đó khuyến khích các hoạt động nhằm giảm thiểu và tái sử dụng nước thải. Vì nước ngọt chỉ chiếm 2,5% lượng nước có sẵn trên hành tinh trong khi lượng nước mặn chiếm 97,5% nên việc tái sử dụng nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Ngày 24/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1978/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu tổng thể của Chiến lược là bảo đảm người dân nông thôn được quyền tiếp cận, sử dụng dịch vụ cấp nước sạch một cách công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý; đảm bảo vệ sinh hộ gia đình và khu vực công cộng, VSMT và phòng, chống dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, giảm các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, ngày 14/4/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 18/2022/QĐ-UBND
về Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Long An, được áp dụng kể từ ngày 30/4/2022. Theo Quy chuẩn, nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt là nước đã qua xử lý có chất lượng bảo đảm, đáp ứng yêu cầu sử dụng cho mục đích ăn uống, vệ sinh của con người.

PV: Quy chuẩn này áp dụng cho những đối tượng nào, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện một phần hoặc tất cả hoạt động khai thác, sản xuất, truyền dẫn, buôn bán, bán lẻ nước sạch theo hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh trên địa bàn tỉnh; các cơ quan quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch; các phòng thử nghiệm và tổ chức chứng nhận các thông số chất lượng nước.

Quy chuẩn không áp dụng đối với nước uống tại vòi, nước đóng bình, đóng chai, nước khoáng thiên nhiên đóng bình, chai, nước sản xuất từ các bình lọc nước, hệ thống lọc nước và các loại nước không dùng cho mục đích sinh hoạt. Quy chuẩn này cũng không áp dụng đối với các đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh nhưng có các hoạt động khai thác, xử lý, sản xuất và được thành lập ở các tỉnh, thành phố khác.

PV: BS có thể chia sẻ về một số thông số chất lượng nước sạch quan trọng được quy định trong Quy chuẩn?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Quy chuẩn quy định danh mục các thông số chất lượng nước sạch và ngưỡng giới hạn cho phép, mỗi một thông số đều có ngưỡng giới hạn cho phép cụ thể.

Nhìn chung, Quy chuẩn chia thành 2 nhóm. Các thông số nhóm A gồm có thông số vi sinh vật như Coliform, E.Coli. Các thông số cảm quan và vô cơ như Arsenic, Clo tự do, độ đục, màu sắc, mùi vị, độ pH. Các thông số nhóm B gồm thông số vi sinh vật như tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh; các thông số vô cơ như amoni, chì, đồng, kẽm, thủy ngân, xyanua;… các thông số hữu cơ; thông số hóa chất bảo vệ thực vật; các thông số về hóa chất khử trùng và sản phẩm phụ.

PV: Việc thử nghiệm các thông số chất lượng nước sạch được thực hiện như thế nào?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Việc thử nghiệm các thông số này phải được thực hiện tại phòng thử nghiệm, tổ chức chứng nhận được công nhận phù hợp với TCVN ISO/IEC 17025. Có 8 thông số chất lượng nước sạch nhóm A. Tất cả đơn vị cấp nước phải thực hiện giám sát các thông số này theo tần suất định kỳ mỗi tháng/lần.

Lưu ý, các đơn vị cấp nước phải tiến hành thử nghiệm toàn bộ 99 thông số chất lượng nước sạch của nhóm A và nhóm B trong các trường hợp: Trước khi đi vào vận hành lần đầu; sau khi nâng cấp, sửa chữa lớn có tác động đến hệ thống sản xuất; khi có sự cố về môi trường có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch; khi xuất hiện rủi ro trong quá trình sản xuất có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch hoặc khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; định kỳ 3 năm/lần kể từ lần thử nghiệm gần nhất toàn bộ các thông số.

PV: Xin cảm ơn BS!

Thanh Bình (thực hiện)

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích