Tiếng Việt | English

16/05/2022 - 10:07

Sử dụng nước sạch, bảo vệ môi trường là bảo vệ nguồn sống

Cuộc sống con người gắn liền với vấn đề nước sạch (NS) và vệ sinh môi trường (VSMT). Có NS để sử dụng và bảo đảm VSMT giúp con người tồn tại và phát triển. Làm thế nào để giúp nguồn NS không bị cạn kiệt và bảo đảm môi trường sống là những nội dung mà Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An - bác sĩ (BS) Chuyên khoa II - Huỳnh Hữu Dũng chia sẻ dưới đây.

Sử dụng nước sạch giúp nâng cao chất lượng đời sống cho người dân nông thôn

- Phóng viên (PV): BS có thể sơ lược về thực trạng NS và VSMT hiện nay?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Ô nhiễm môi trường là hiện tượng môi trường tự nhiên bị ô nhiễm; đồng thời, các tính chất vật lý, hóa học, sinh học của môi trường bị thay đổi gây tác hại tới sức khỏe con người và các sinh vật khác. Ô nhiễm môi trường chủ yếu do hoạt động của con người gây ra. Ngoài ra, ô nhiễm còn do một số hoạt động của tự nhiên khác có tác động tới môi trường.

Sự biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; tình trạng khai thác, sử dụng nước một cách bừa bãi, thiếu quy hoạch đã khiến 2,1 tỉ người trên thế giới không có NS để sử dụng. Dự báo đến năm 2050, con số này sẽ đạt tới 3,9 tỉ người. Nghĩa là cứ 5 người trên thế giới sẽ có hơn 2 người đối mặt với tình trạng khan hiếm NS. Nhiều hồ chứa nước ngọt trên thế giới đang dần cạn kiệt và các quốc gia đều đang vật lộn với việc sản xuất nước, đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Khoảng 80% lượng nước thải toàn cầu xả ra môi trường mà không qua bất kỳ biện pháp xử lý nào để loại bỏ ô nhiễm. Trong số 20% lượng nước được xử lý, chỉ một phần rất nhỏ được tái sử dụng trực tiếp.

- PV: Vấn đề NS và VSMT của tỉnh hiện nay như thế nào, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Những năm qua, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về NS và VSMT giai đoạn 2012 - 2015 và Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đã mang lại hiệu quả đáng kể, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh tăng 44%, tức là năm 2008 đạt 50% và đến năm 2021 đạt 94%. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh tăng 11% trong vòng 13 năm qua, năm 2008 đạt 88,5%, đến năm 2021 đạt 99,5%. Tại khu vực nông thôn, hiện tại, hộ dân sử dụng nhà tắm hợp vệ sinh đạt 91,22%, hộ chăn nuôi hợp vệ sinh đạt 81,06%, tỷ lệ xử lý rác hộ gia đình hợp vệ sinh đạt 89,12%.

Về cấp nước và vệ sinh đối với trường học từ bậc học mầm non, tiểu học, THCS và trạm y tế, đến nay, 100% trạm y tế có NS và nhà tiêu hợp vệ sinh được quản lý và sử dụng tốt. Các trường học có nguồn NS và nhà tiêu hợp vệ sinh khoảng 99%, vẫn còn một số ít trường học thiếu nguồn NS và nhà tiêu hợp vệ sinh.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn đứng trước thách thức trong việc bảo vệ sức khỏe người dân có liên quan đến vấn đề NS và VSMT. Đó là qua kiểm tra, vẫn còn nhiều cơ sở cung cấp nước chưa đạt tiêu chuẩn. Ví dụ như trong năm 2021, kiểm tra 583/1.304 cơ sở cung cấp nước đang được quản lý, chỉ có 36% cơ sở đạt yêu cầu về các tiêu chuẩn NS, nước hợp vệ sinh. Tỷ lệ này đối với trường học là 66%, cơ sở chăn nuôi là 78,47% và cơ sở y tế khám, chữa bệnh là 100%.

Bên cạnh đó, ý thức rửa tay với xà phòng của người dân vào các thời điểm quan trọng như trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh còn hạn chế và chưa duy trì được thành thói quen thường xuyên.

- PV: Thưa BS, ngành Y tế có chương trình gì để hỗ trợ xây nhà vệ sinh hợp vệ sinh cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn bởi việc này cũng sẽ tốn một khoản chi phí không nhỏ?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Với mục tiêu là truyền thông, vận động người dân xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà vệ sinh hợp vệ sinh, góp phần nâng cao tỷ lệ nhà vệ sinh hợp vệ sinh ở nông thôn thì ngành Y tế cũng có dự án hỗ trợ kinh phí cho hộ dân xây nhà vệ sinh hợp vệ sinh.

Đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và hộ có người khuyết tật. Trung bình mỗi năm, ngành hỗ trợ 284 hộ. Số hộ này được phân bổ theo từng địa phương tùy vào tỷ lệ số lượng hộ trong nhóm đối tượng cần được hỗ trợ, nghĩa là địa phương nào có nhiều hộ nghèo thì sẽ được xét số lượng hộ được hỗ trợ nhiều hơn các địa phương khác.

Trung bình mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 4 triệu đồng xây dựng nhà vệ sinh hợp vệ sinh. Với mức này thì hàng năm, tổng kinh phí được cấp trên 1,2 tỉ đồng.

- PV: Vấn đề về sử dụng NS, VSMT hiện còn những khó khăn gì, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Mặc dù đã đạt một số kết quả khả quan nhưng hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh tuy cao nhưng chưa bền vững; tỷ lệ này chỉ mới đánh giá được khả năng tiếp cận, chưa có đánh giá về mức độ sử dụng.

Tuy tỷ lệ NS tăng nhưng vẫn còn thiếu nước cục bộ ở một số địa phương, đặc biệt là khu vực dân cư sống phân tán, các xã vùng sâu, vùng xa, khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh.

Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh ngày càng tăng; tuy nhiên, vẫn còn một số ít địa phương, tỷ lệ này còn thấp - dưới 70% và một số xã dưới 50% nên công tác truyền thông, vận động cần có nhiều thời gian và kinh phí.

Nguyên nhân của những khó khăn trên là công tác truyền thông còn hạn chế do các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương, đoàn thể ở nhiều nơi chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, chưa xem đây là nhiệm vụ ưu tiên trong phát triển kinh tế của từng địa phương. Đội ngũ thực hiện công tác truyền thông về NS và VSMT còn hạn chế về năng lực, phương tiện truyền thông còn thiếu thốn.

Chính quyền các cấp chưa chủ động cân đối, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương cho việc triển khai công tác truyền thông về vệ sinh cá nhân, VSMT và NS nông thôn.

Việc huy động sự hỗ trợ để cải thiện điều kiện vệ sinh chưa đáp ứng được so với nhu cầu. Kiến thức, nhận thức thực hành về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng NS nông thôn còn khoảng cách rất xa từ kiến thức tới thực hành, đặc biệt ở các nhóm đối tượng là người nghèo, người dân ở vùng nông thôn, vùng kinh tế khó khăn. Rửa tay với xà phòng chưa trở thành thói quen. Thực hành vệ sinh tại hộ gia đình về xử lý rác còn nhiều hạn chế.

Và trên hết, nguyên nhân chủ yếu là trình độ dân trí tại các khu vực này còn hạn chế, nhiều thói quen lạc hậu còn tồn tại, thiếu thốn về kinh tế và sự ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ.

- PV: BS cho biết những giải pháp để bảo đảm đủ lượng NS cung cấp, đáp ứng nhu cầu của người dân trong khi nguồn nước tự nhiên ngày càng cạn kiệt, khan hiếm và bị ô nhiễm?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Biện pháp là phải tái chế để có đủ nguồn nước hợp vệ sinh. Việc tái chế nước thải từ nhà tắm, máy giặt, bể bơi và sản xuất công nghiệp,... nếu được thực hiện rộng rãi có thể giúp tiết kiệm nguồn nước quý giá và giảm thải độc hại ra môi trường. Nước tái chế có thể được sử dụng để cung cấp cho nhà vệ sinh, làm nước tưới cho cây xanh, rửa sạch đường hoặc các cơ sở công nghiệp,... để trả lại môi trường tự nhiên hoặc thậm chí biến thành nước uống.

Song song với việc nghiên cứu, phát triển, đầu tư nâng cấp hệ thống tái chế nước thải thành NS thì vấn đề quản lý, vận hành, khai thác bền vững công trình cấp nước và vệ sinh nông thôn phải được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần có ý thức trong việc bảo vệ nguồn nước từ những hành động nhỏ mỗi ngày như không xả rác thải nhựa trực tiếp xuống sông, hồ, biển; hạn chế sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa mạnh; tránh dùng thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp./.

- PV: Xin cảm ơn BS!

Thanh Bình (thực hiện)

Chia sẻ bài viết