Những ai đi xa khoảng vài năm, nay trở lại quê nhà sẽ cảm nhận rất rõ sự đổi thay của quê hương. Tất cả từ sức bật của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Từ những xã được tỉnh chọn làm điểm để xây dựng nông thôn mới, đến nay, sau hơn 6 năm triển khai thực hiện, Long An có 58/166 xã đạt chuẩn, chiếm 34,9%. Đây là kết quả rất đáng tự hào về một chương trình hướng đến cuộc sống sung túc của cư dân nông thôn. Thấy rõ tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015) xác định đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới là 1 trong 4 chương trình đột phá của tỉnh. Từ đó, huy động mọi nguồn lực dốc sức thực hiện.
Kết quả của chương trình ngày càng hiện hữu, bộ mặt nông thôn khởi sắc rõ nét. Những con đường nắng bụi, mưa lầy ngày nào nay được trải nhựa, bêtông phẳng lỳ; những cây cầu tạm được bêtông kiên cố. Kênh, mương nội đồng nhiều nơi được kiên cố hóa, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất của người dân. Điện, đường, trường, trạm, chợ,... được tập trung đầu tư, nông thôn thay áo mới. Tất cả có được từ sự chung tay xây dựng của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của người dân. Những gương sáng hiến đất làm đường, doanh nghiệp đồng hành xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội,... tạo nên những công trình của ý Đảng - lòng Dân.
Xây dựng nông thôn mới không chỉ quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng mà điều quan trọng hơn chính là xây dựng được những con người mới, đồng thời nâng cao đời sống người dân nông thôn. Mức sống cư dân nông thôn từng bước được nâng lên, nhu cầu vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, tinh thần ngày càng được đáp ứng tốt bên cạnh các thiết chế văn hóa được đầu tư,... Những nông dân dám nghĩ, dám làm, tiên phong đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, cần cù trong lao động, ý thức cộng đồng cao,... chính là những con người mới ở nông thôn mới. Những con người này là cánh én báo hiệu mùa xuân, tạo sức lan tỏa lớn trong xây dựng cuộc sống mới.
Tuy nhiên, trong xây dựng nông thôn mới vẫn còn nhiều khó khăn cần sự nỗ lực hơn nữa của các cấp, các ngành cũng như sự đồng thuận, phát huy vai trò chủ thể của nông dân. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa ý thức được trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới: Ngại lao động, không có tinh thần cầu tiến, sống chỉ biết có riêng mình,... Tình trạng ô nhiễm môi trường, an ninh, trật tự còn phức tạp, tồn tại hủ tục ở nông thôn,... là những trở lực hiện nay. Do đó, cần lắm sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội, đặc biệt là ý thức của cộng đồng chung tay xây dựng nông thôn mới.
Long An phấn đấu đến năm 2020, có 89 xã đạt chuẩn nông thôn mới (53,6%), đạt bình quân 16,5-17 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 1,8 lần so với năm 2015 (khoảng 56 triệu đồng/năm). Để đạt mục tiêu ấy, mọi nguồn lực đầu tư cho nông thôn cần tiếp tục được huy động; tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương. Bên cạnh đó, Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, 1 trong 2 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đang triển khai thực hiện hứa hẹn mang đến những sức bật mới trong sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà. Rồi đây, diện mạo nông thôn sẽ hiện ra ngày càng hiện đại, thu hẹp khoảng cách với thành thị.
Để xây dựng nông thôn mới ngày càng hiệu quả hơn, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần chỉ đạo: Việc xây dựng nông thôn mới phải đi vào thực chất, bảo đảm chất lượng, tránh phô trương, chạy theo thành tích. Việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới phải chất lượng thực chất. Các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới cần tập trung nâng cao chất lượng tiêu chí theo Quyết định 1243, ngày 07/4/2017 của UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới đến năm 2020, sao cho nông thôn phải an sinh, an ninh và an cư hơn. Người dân an tâm sản xuất, cuộc sống tốt đẹp, gắn bó với nông thôn hơn,...
Nông thôn thay áo mới, sức bật từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới làm đổi thay những làng quê./.
Long An