Tiếng Việt | English

16/09/2015 - 09:54

Long An: Chương trình đầu tư, xây dựng và phát triển nông thôn mới

Sức bật từ sự đồng thuận

Chương trình đầu tư, xây dựng và phát triển nông thôn mới là 1 trong 4 chương trình đột phá của Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần IX, nhiệm kỳ 2010-2015. Qua gần 5 năm triển khai thực hiện, đến nay, diện mạo khu vực nông thôn đã có nhiều thay đổi, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, trường học, các thiết chế văn hóa-thể thao cơ sở.

 

Đường sá được nâng cấp, mở rộng từ chương trình XDNTM

Huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: Việc huy động và sử dụng các nguồn lực cho XDNTM được tỉnh tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả, nhất là việc chỉ đạo lồng ghép vốn của các chương trình, dự án khác với chương trình XDNTM như: Vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn Chương trình 135, vốn của hoạt động Về nguồn,…

Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã huy động được 15.986 tỉ đồng cho XDNTM, trong đó vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án chiếm 46%, vốn huy động nhân dân đóng góp tự nguyện chiếm 38,3%. Việc huy động người dân và cộng đồng dân cư đóng góp XDNTM được thực hiện một cách dân chủ, công khai, minh bạch và không để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân.

Long Phụng là 1 trong 7 xã vùng hạ của huyện Cần Giuộc. Do gần biển, có sông ngòi chằng chịt, nên thường xuyên bị ngập mặn, việc đi lại, làm ăn sinh sống của người dân cũng gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, xác định XDNTM là chủ trương lớn, chính quyền và nhân dân nơi đây đã khắc phục khó khăn, tập trung đầu tư cho chương trình.

Đến xã Long Phụng hôm nay, không còn cách trở khi muốn về các ấp do đường sá nhỏ hẹp, bị lầy lội như trước đây nữa. Các tuyến đường trục ấp Tây Phú, Chánh Nhì, đường liên ấp Chánh Nhứt và Chánh Nhì,… đều được mở rộng, mặt đường 3m và trải đá. Một số tuyến đường ngõ xóm cũng được cứng hóa bằng đá hoặc bê tông. Đặc biệt, việc chính quyền địa phương và nhân dân tiến hành nhựa hóa đường đê Phú Thạnh đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn xã Long Phụng thay đổi rõ nét.

Ông Nguyễn Đức Thọ, người dân ấp Phú Thạnh chia sẻ: “Lúc trước, đường sá ở đây đi lại khó khăn lắm, nhưng hiện nay hầu hết các tuyến đường đã được nâng cấp mở rộng, khang trang. Từ khi giao thông nông thôn phát triển, làng quê heo hút ngày nào trở nên đông vui hơn, bởi xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, giải khát”.

Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh

Bên cạnh đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn, tỉnh đã tập trung xây dựng các thiết chế phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao. Đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 85 trung tâm văn hóa – thể thao, học tập cộng đồng xã (tăng 61 trung tâm so với năm 2010), ước đến cuối năm 2015 có 98 trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã (đạt trên 50%).

Toàn tỉnh có 1.035/1.035 khu dân cư đã xây dựng được quy ước, trong đó đã có 1.025 quy ước đã được phê duyệt, các quy ước văn hóa ở khu dân cư ngày càng được người dân quan tâm và trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của người dân nông thôn, góp phần giảm tệ nạn xã hội, từng bước xóa bỏ những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan ở nông thôn.

Song song đó, tỉnh duy trì tốt kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở trên phạm vi toàn tỉnh, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục THPT và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS. Công tác kiểm tra công nhận trường chuẩn quốc gia được quan tâm thực hiện, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh là 328/638 trường với tỷ lệ 51,4%, so với cùng kỳ 274/631 trường với tỷ lệ 43,42%.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực của hệ thống y tế cơ sở được tăng cường đầu tư, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe cho người dân vùng nông thôn, đến nay, 98% trạm y tế xã có bác sĩ, tỷ lệ trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi đạt 95%, tỷ lệ ấp có nhân viên y tế hoạt động đạt 92,4%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 68%.

Bảo vệ môi trường nông thôn

Các hoạt động bảo vệ và phát triển môi trường nông thôn ngày càng được quan tâm thực hiện. Đặc biệt, đã tăng cường xử lý các điểm nóng về môi trường và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỉnh đã xử lý dứt điểm 15 điểm nóng về môi trường; đã hoàn tất xử lý ô nhiễm triệt để 7 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, hệ thống cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn tiếp tục được tập trung đầu tư, góp phần nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh từ 88% (năm 2010) lên 92,6% (năm 2014), tỷ lệ hộ dân nông thôn có 3 công trình sinh hoạt (nhà tắm, hố xí, bể nước) đạt tiêu chuẩn vệ sinh 62,8%, tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 63%.

Về lại xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An hôm nay, chúng tôi không còn thấy môi trường sống bị ô nhiễm như trước nữa. Người dân nơi đây đã cải tạo vườn tạp, phát quang cây dại, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Chủ tịch UBND xã An Vĩnh Ngãi - Lê Văn Việt phấn khởi: “Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã đều có hệ thống xử lý, thoát nước; các cơ sở chăn nuôi có hầm biogas, các hầm lắng lọc trước khi thải ra môi trường, 90% cơ sở đạt tiêu chuẩn môi trường. Hầu hết những hộ gia đình khi xây dựng nhà ở kiên cố, bán kiên cố đều có hố xí hợp vệ sinh, có nhà tắm, có bể chứa nước bảo đảm nhu cầu sinh hoạt đạt tỷ lệ 83,6%. Rác thải của các hộ trên các tuyến đường chính được Công ty Cổ phần Đô thị Tân An tổ chức thu gom, các hộ còn lại xử lý rác bằng cách đốt, chôn lấp tại chỗ”.

Cũng như xã An Vĩnh Ngãi, môi trường ở xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ được cải thiện rõ nét qua phong trào toàn dân chung tay xây dựng xã văn hóa, NTM. Đến nay, 99,8% người dân đã có nước hợp vệ sinh; 95% các cơ sở chăn nuôi sử dụng biogas, khu dân cư thu gom rác tập trung theo quy định. Nghĩa trang nhân dân được triển khai xây dựng với diện tích 4.000m2,...

Bí thư Đảng ủy xã Bình Lãng - Nguyễn Minh Giám cho biết: “Kinh phí đầu tư cho tiêu chí môi trường đạt chuẩn NTM khoảng 3,5 tỉ đồng. Đây là thành quả của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân thông qua việc hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, nhất là đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. 

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Lê Văn Hoàng, sắp tới, tỉnh sẽ củng cố kiện toàn hệ thống quản lý, thực hiện Chương trình các cấp theo hướng chuyên trách, nhất là hệ thống quản lý cấp xã và huyện để đủ sức quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình. Bên cạnh đó, tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương, chính sách về XDNTM cho cả hệ thống chính trị và mọi người dân nắm vững, để chủ động và tự giác tham gia XDNTM./.

Hùng Dũng - Hữu Bằng
 

 

Chia sẻ bài viết