Tiếng Việt | English

15/04/2023 - 19:42

Sudan còn cơ hội chuyển tiếp chính phủ dù tình hình rất "mong manh"

Ngoại trưởng Mỹ cho biết tình hình ở Sudan rất "mong manh" trong lúc quân đội Sudan và lực lượng bán vũ trang RSF giao tranh ở Khartoum, song còn cơ hội cho quá trình chuyển tiếp chính phủ ở nước này.


Khói bốc lên từ các tòa nhà sau các cuộc giao tranh ở Khartoum (Sudan), ngày 15/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 15/4 cho biết tình hình ở Sudan rất "mong manh" song khẳng định vẫn còn cơ hội để hoàn tất quá trình chuyển đổi sang chính phủ do giới dân sự lãnh đạo ở nước này.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra trong bối cảnh quân đội Sudan và lực lượng bán vũ trang "Các lực lượng hỗ trợ nhanh" (RSF) đang giao tranh tại thủ đô Khartoum của Sudan. Hiện RSF thông báo đã giành quyền kiểm soát Dinh tổng thống, nhà riêng của Tham mưu trưởng quân đội, sân bay quốc tế Khartoum...

Theo hãng tin Reuters, giao tranh giữa hai bên cũng đã nổ ra ở thủ phủ El Fasher của bang Bắc Darfur.

Phát biểu ở Hà Nội khi đang có chuyến thăm Việt Nam, ông Blinken cho biết tình hình ở Sudan là "mong manh" vì một số tác nhân "có thể đang chống lại tiến trình đó."

Trong khi đó, lực lượng không quân Sudan cho biết đang tiến hành các hoạt động để đối đầu với RSF. Quân đội Sudan cho hay họ đang chống lại các nỗ lực của RSF chiếm các địa điểm chiến lược ở thủ đô Khartoum.

Đại sứ quán Anh tại Sudan đã kêu gọi công dân nước này đang sinh sống và làm việc tại Sudan không ra khỏi nhà, đồng thời cho biết đang theo dõi sát sao tình hình tại Khartoum và một số khu vực khác đang xảy ra giao tranh.

Bộ Ngoại giao Ai Cập đã ra tuyên bố bày tỏ lo ngại sâu sắc về các cuộc giao tranh tại Sudan, kêu gọi tất cả các phe phái kiểm chế, không để bạo lực tiếp tục leo thang.

Căng thẳng giữa lực lượng quân đội và RSF đã leo thang trong nhiều tháng nay, khiến các đảng phái chính trị ở nước này chưa thể ký kết một thỏa thuận được quốc tế ủng hộ nhằm nối lại quá trình chuyển tiếp chính phủ trong nước.

Những căng thẳng hiện tại giữa lực lượng quân đội và RSF bắt nguồn từ việc hai bên bất đồng về cách sáp nhập RSF vào lực lượng quân đội và đơn vị nào sẽ phụ trách giám sát quá trình này. Việc sáp nhập hai lực lượng này là điều kiện quan trọng trong thỏa thuận chuyển tiếp chính phủ chưa được ký kết tại Sudan./.

Thanh Bình/vietnamplus.vn

Chia sẻ bài viết