Tiếng Việt | English

14/03/2019 - 15:53

Tái sinh cho rác thải nhựa

Ngày nay, việc sử dụng đồ nhựa trở nên phổ biến, nhất là sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Điều đó tạo ra một lượng lớn rác thải nhựa ra môi trường. Nếu không được xử lý đúng cách, các loại rác thải đó sẽ tồn tại hàng trăm năm và gây hại rất lớn cho môi trường. Nhận thấy điều đó, những người trẻ trong tỉnh đã cùng nhau làm những điều nho nhỏ nhằm “tái sinh” cho rác thải nhựa.

Từ những ống hút, vỏ chai nhựa, Câu lạc bộ Thanh niên tình nguyện huyện Cần Giuộc đã “hô biến” thành những vật dụng hữu ích và xinh xắn

Từ những ống hút, vỏ chai nhựa, Câu lạc bộ Thanh niên tình nguyện huyện Cần Giuộc đã “hô biến” thành những vật dụng hữu ích và xinh xắn

Rác “biến” thành tiền

Tính đến nay đã gần 10 năm, Đoàn Thanh niên (TN) phường 2, TP.Tân An, tỉnh Long An duy trì mô hình thu gom ve chai gây quỹ cho các hoạt động phong trào Đoàn, tặng quà cho học sinh nghèo trên địa bàn phường. Mỗi năm 3 lần, Đoàn phường ra quân đến từng nhà dân xin và thu gom ve chai: Giấy vụn, chai nhựa, rác thải nhựa có thể tái chế,... sau đó phân loại và bán lại gây quỹ. Công việc ấy diễn ra âm thầm, đều đặn trong suốt gần 10 năm. Những chiếc chai nhựa, vỏ hộp sữa sau khi sử dụng thay vì vứt lăn lóc bên vệ đường hay lẫn với vô số loại rác thải không tái chế khác thì nay được người dân để dành lại cho Đoàn TN đến thu gom.

Bí thư Đoàn phường 2 - Võ Quốc Cường cho biết: “Hầu như gia đình nào cũng đều tạo ra lượng rác thải khá lớn mỗi ngày, nếu có thể phân loại và tái chế được thì sẽ góp phần bảo vệ môi trường, lại vừa tạo được nguồn thu nên Đoàn phường mới nỗ lực duy trì mô hình”. Mỗi năm, vào các dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn TNCS HCM (26/3) hoặc ra quân hè, Đoàn phường 2 tập hợp lực lượng, phát thư ngỏ đến từng gia đình và tổ chức 1 ngày ra quân đồng loạt với sự tham gia của khoảng 50-100 đoàn viên (ĐV), TN. Mỗi buổi ra quân, ĐV đến từng gia đình thu gom và tập kết rác thải nhựa về UBND phường. Sau đó, các ĐV cùng nhau phân loại trước khi bán cho người thu mua phế liệu.

Anh Cường cho biết, ĐVTN tham gia buổi ra quân chủ yếu là học sinh nên ngoài việc góp phần bảo vệ môi trường, tạo nguồn quỹ cho hoạt động Đoàn, mô hình thu gom rác thải nhựa có thể tái chế còn góp phần nâng cao nhận thức của ĐVTN trong việc bảo vệ môi trường. Anh Thạch Huỳnh Tuấn Khoa - Bí thư Chi đoàn khu phố 2, cho biết: “Những buổi ra quân thu gom phế liệu thường khá vất vả vì các bạn phải vận chuyển bằng xe máy, len lỏi trong các ngõ hẻm, nhưng ai cũng nhiệt tình nên rất vui. Sau buổi ra quân, thường các ĐV về vận động gia đình phân loại rác, để dành rác thải nhựa, rác thải có thể tái chế lại cho lần ra quân tiếp theo. Nhờ vậy, số lượng rác tái chế thu được khá nhiều trong mỗi đợt. Chỉ tính riêng trong địa bàn khu phố 2, nguồn thu 1 đợt ra quân từ 500.000 đồng trở lên”.

Sau khi thu gom về, các đoàn viên, thanh niên phường 2, TP.Tân An phải phân loại trước khi bán cho người thu mua phế liệu

Số tiền thu được từ hoạt động đó được chia thành 2 phần: Kinh phí hoạt động cho chi đoàn khu phố và quỹ tặng quà cho học sinh nghèo trên địa bàn phường. Năm 2019, dự kiến, kinh phí trên được sử dụng cho 3 mục đích: Gây quỹ tặng quà học sinh nghèo, kinh phí hoạt động chi đoàn và hỗ trợ chi phí liên lạc cho bí thư chi đoàn khu phố. Giải thích thêm về sự thay đổi này, anh Cường chia sẻ: “Anh em bí thư chi đoàn hiện tại chỉ hoạt động dựa trên tinh thần xung kích, tình nguyện mà không có một khoản hỗ trợ nào. Hiểu được vất vả của anh em nên Đoàn phường quyết định trích một phần kinh phí thu được từ hoạt động thu gom ve chai để hỗ trợ bí thư chi đoàn một phần chi phí liên lạc, tập hợp ĐV, như một cách động viên anh em. Dự kiến, chủ nhật, ngày 17-3 sắp tới, Đoàn phường sẽ có đợt ra quân đầu tiên trong năm 2019. Thư ngỏ đã được gửi cho các chi đoàn để phát cho người dân từ trước”.

Nhờ có mô hình của Đoàn TN phường 2, những chiếc chai nhựa đã qua sử dụng, thùng giấy carton không còn dùng đến thay vì bị vứt bỏ, trở thành “gánh nặng” cho môi trường thì nay lại biến thành tiền, một khoản tiền nho nhỏ phục vụ các hoạt động ý nghĩa và nhân văn khác.

Từ vô dụng trở thành hữu ích

Chúng tôi đến thăm Câu lạc bộ (CLB) TN tình nguyện huyện Cần Giuộc và nhanh chóng bị thu hút bởi những vật phẩm nho nhỏ, bắt mắt được tái chế từ rác thải nhựa để trong phòng của CLB. Những chiếc chai nhựa bỏ đi, nắp chai, ống hút, que kem được “hô biến” thành chậu cây, lọ cắm bút, đèn bàn, ống heo, bóp viết, đồng hồ và vô số vật dụng trang trí khác nhỏ xinh, vui mắt. Chủ nhiệm CLB TN tình nguyện huyện Cần Giuộc - Nguyễn Lâm Phúc Giang cho biết, đây là ý tưởng của CLB nhằm kêu gọi tái chế rác thải nhựa, hạn chế lượng rác thải nhựa ra môi trường. Anh Giang nói: “Bây giờ, việc sử dụng sản phẩm nhựa trở nên phổ biến, mỗi ngày, 1 người có thể vứt bỏ đến 2-3 vỏ chai nước là chuyện hết sức bình thường. Thay vì vứt đi, chúng tôi muốn gợi ý rằng mọi người có thể “biến” những vỏ chai ấy thành những thứ hữu dụng dễ thương khác. Chỉ cần chút thời gian thôi, vừa hạn chế lượng rác vứt bỏ, vừa có vật dụng mới để dùng”.

Đây là hoạt động hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, giảm tác động của rác thải nhựa lên môi trường. Các mô hình mà CLB thực hiện được lấy ý tưởng từ Youtube hoặc Google. Chỉ trong vòng khoảng 3 ngày, 30 thành viên CLB đã hô biến 1 bao chai nhựa, 1 bao ống hút nhựa, que kem thành các sản phẩm tái chế hữu dụng và đẹp mắt. Trương Hoàng Đông - học sinh lớp 10, Trường THPT Cần Giuộc, vui vẻ chia sẻ: “Em thấy việc tái chế rác thải nhựa là hết sức ý nghĩa, thay vì vứt các vỏ chai nhựa, ống hút nhựa thì mình có thể sử dụng làm vật dụng thường ngày. Em thực sự rất thích ý tưởng tái chế của CLB. Ở nhà, em cũng làm đồ đựng viết, kệ điện thoại cho riêng mình từ vỏ chai nhựa. Em thấy nó thật hữu ích”.

Các sản phẩm tái chế từ chất thải nhựa

Các sản phẩm tái chế từ chất thải nhựa

Anh Giang cho biết, từ khi ra ý tưởng đến lúc hoàn thành sản phẩm trưng bày trong Ngày Chủ nhật xanh của Huyện đoàn Cần Giuộc, CLB mất khoảng 1 tuần tính cả thời gian thu gom rác thải nhựa từ các cửa hàng cà phê đến lúc hoàn thành sản phẩm tái chế. Vì đa phần thành viên CLB đều bận học và làm việc nên chỉ tập hợp vào buổi tối cùng nhau sáng tạo, “thổi hồn” vào những vật liệu tưởng chừng bỏ đi. Anh Nguyễn Minh Khôi - thành viên CLB TN tình nguyện huyện Cần Giuộc, cho biết: “Ban đầu, khi vừa lên ý tưởng, mọi người cứ nghĩ sẽ rất khó để tái chế, tuy nhiên, bắt tay vào làm mới biết mọi thứ không quá khó mà lại rất vui. Cũng nhờ hoạt động thu gom rác thải nhựa mà các bạn trong CLB mới nhận ra đường phố còn vương vãi rất nhiều rác thải nhựa. Nếu không thu gom, dọn dẹp thì những rác thải đó sẽ tồn tại và ảnh hưởng đến môi trường hàng trăm năm sau”.

Anh Giang bật mí thêm, thời gian tới, CLB sẽ lên ý tưởng cụ thể để nhân rộng hoạt động tái chế như vừa rồi phục vụ triển lãm và các hoạt động của Đoàn, trường học nhằm nâng cao nhận thức của ĐVTN về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, anh Giang cùng Ban Chủ nhiệm CLB cũng đang nhen nhóm ý tưởng kinh doanh các sản phẩm được tái chế từ rác thải nhựa. Đó sẽ là một hành trình dài phía trước. Tuy nhiên, đã có ý tưởng và nhiệt huyết, chúng tôi tin CLB TN tình nguyện huyện Cần Giuộc sẽ làm được, như họ từng làm rất nhiều mô hình ý nghĩa khác vậy!./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích