Tiếng Việt | English

30/05/2016 - 17:56

Tài xế xe cứu thương - những “người hùng” thầm lặng

Cũng làm nhiệm vụ cứu người, cũng chịu vô vàn áp lực khi phải giành giật mạng sống của bệnh nhân từ tay thần chết, thế nhưng, ngoài các y, bác sĩ, đôi khi mấy ai nhớ đến những “người hùng” thầm lặng, đóng góp công sức trong quy trình cứu người. Họ, cũng là “bác” nhưng là “bác tài” xe cứu thương,...


Bác tài Trương Văn Kiêm chuẩn bị làm nhiệm vụ

Tiếng còi hụ, ánh đèn chớp, tiếng thở dài lo lắng của người nhà bệnh nhân, sự khẩn trương của kíp cứu thương,… là những hình ảnh, âm thanh quen thuộc với nghề cầm lái xe… cấp cứu. Bất kể ngày đêm, bất kể trời nắng, ngày mưa, lễ tết, cuối tuần, hễ có thông báo có bệnh nhân cần chuyển viện thì các bác tài này lại khẩn trương vào vị trí.

Ông Nguyễn Văn Hiện đến với nghề tài xế xe cứu thương được 17 năm, hiện đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện Bến Lức. Theo ông, lái xe cấp cứu khác hoàn toàn với xe khách, xe tải bên ngoài, vừa bảo đảm an toàn cho người ngồi trên xe vừa bảo đảm tốc độ nhanh nhất để cứu người. Xe cấp cứu không quy định giới hạn tốc độ nhưng phải bảo đảm an toàn, tùy theo bệnh nặng hay nhẹ, nếu phải đặt mở khí quản, chấn thương sọ não, nhồi máu cơ tim thì bắt buộc phải chạy từ 110-120km/giờ; bệnh nặng vừa thì 80-100km/giờ còn bình quân là 70-80km/giờ.

Bến Lức có những “điểm đen” tử thần - vì số ca tai nạn giao thông rất cao, nhất là tại: Cầu Voi, cầu Ván, Gò Đen, Ba Làng. Có khi, tai nạn nhiều, nhất là vào dịp lễ, tết là phải ghép 2-3 ca nên rất áp lực. “Lúc nào cũng chạy tốc độ nhanh nên tay lái chúng tôi phải vững. Dù thời gian không cố định nhưng phải biết giữ gìn sức khỏe, sinh hoạt điều độ để bảo đảm tinh thần minh mẫn, tỉnh táo làm việc. Bên cạnh đó, người tài xế cũng được tập huấn nghiệp vụ sơ cấp cứu nhằm sẵn sàng hỗ trợ cho cán bộ khi nhiều người bị tai nạn cần hỗ trợ sơ cấp cứu…” - ông Hiện chia sẻ.

Với nghề tài xế xe cứu thương, có quá nhiều kỷ niệm mà ai đã từng trải qua thì khó quên được. Có ca tiên lượng không qua khỏi, trên đường đưa về nhà, người thân trên xe nóng ruột nên cư xử không đúng mực khiến ông Hiện rất buồn. Tuy nhiên, biết họ vì lo lắng nên ông cố gắng “cho qua”, miễn là người bệnh được đưa về nhà nhanh chóng, nhìn mặt con cháu lần sau cùng. Bao nhiêu năm chở người bệnh, cũng có lúc, giây phút chở chính người thân của mình trên xe mới là điều khiến ông đau xót nhất. Ông Hiện nhớ hoài một kỷ niệm cách đây 5 năm khi chở người chị của mình bị bệnh tim về nhà, vừa chạy, vừa khóc,…


Vui, buồn với nghề cầm lái xe cấp cứu. Với họ, mỗi một chuyến xe thành công là một niềm vui, là động lực để gắn bó với nghề

Hay như bác tài Trương Văn Kiêm – công tác tại Bệnh viện Đa khoa Long An cũng từng bật khóc khi chở người mẹ của mình đi cấp cứu vì bị nhồi máu cơ tim. Và ông đã bất lực khi không thể giành lại mạng sống của người mẹ kính yêu từ tay tử thần. Biết bao lượt người, bao nhiêu chuyến xe đi về suôn sẻ, vậy mà lại chua xót nhìn người thân của mình ra đi…

Ông Kiêm sinh năm 1960, đến nay đã gần 40 năm cầm lái xe cấp cứu, là một trong những tài xế kỳ cựu nhất của bệnh viện cho đến thời điểm này. Vào nghề từ năm 1977, đến nay, ông đã chứng kiến biết bao đổi thay của bệnh viện, từ phương tiện, trang thiết bị, kể cả hệ thống cầu, đường… được mở rộng.

Đặc thù của nghề lái xe này không giống như tài xế thông thường, áp lực rất cao, công việc lại thất thường nếu không xác định rõ nhiệm vụ, bác tài cũng dễ nản chí, nhất là vào những dịp lễ, tết, gia đình sum họp còn bản thân mình và các đồng nghiệp lại tất bật. Thế nhưng, xác định nhiệm vụ đi đôi với trọng trách cứu người, với các bác tài xe cứu thương, đó là niềm hạnh phúc.

Người bạn đời của ông Kiêm cũng công tác trong ngành y (giờ đã nghỉ hưu) luôn bên cạnh thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ cùng ông những khi vất vả. Hạnh phúc hơn nữa là cả 2 cô con gái và người con rể của ông cũng đều là bác sĩ. Mỗi khi nhắc về 2 người con gái của mình, ánh mắt ông rạng ngời hạnh phúc. Cả gia đình, dù mỗi người một việc, một trình độ, chuyên môn khác nhau, thế nhưng, họ lại có cùng một sứ mệnh vô cùng cao quý: Chăm sóc sức khỏe người dân.

Vui, buồn với nghề cầm lái xe cấp cứu. Với họ, mỗi một chuyến xe thành công là một niềm vui, là động lực để gắn bó với nghề. Lặng lẽ lau mồ hôi rồi mỉm cười trở về nhà sau ca trực, những “thiên thần” thầm lặng ấy thấy lòng bình yên, hạnh phúc hơn nếu ngày hôm đó mọi việc thuận lợi, bệnh nhân được chuyển viện an toàn. Họ, những "người hùng" thầm lặng, chẳng cần được vinh danh./.

Cát Tường

Chia sẻ bài viết