Năm 2023, mô hình Bữa cơm tình thương hỗ trợ hơn 1.500 suất ăn miễn phí cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Đức Huệ
1. Mỗi tháng từ 1-3 lần, hội viên (HV) Hội LHPN xã Mỹ Thạnh Tây đến bếp ăn tình thương tại Trung tâm Y tế huyện Đức Huệ nấu và tặng miễn phí các suất ăn cho bệnh nhân, người nuôi bệnh. Vào những ngày này, các chị em đến bếp ăn từ tờ mờ sáng. Người đi chợ, người nhóm bếp cùng nhau chuẩn bị các suất ăn sáng, trưa, chiều. Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ - Trần Thị Ngân cho biết, đó là hoạt động thường xuyên của thành viên tham gia mô hình Bữa cơm tình thương do Hội LHPN xã thực hiện. Mô hình được duy trì từ năm 2016 đến nay và phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giảm bớt khó khăn cho bệnh nhân nghèo.
“Ban đầu, mô hình phát động trong Ban Chấp hành hội với 7 thành viên. Hàng tháng, chúng tôi đến bếp ăn từ 1-2 lần để chuẩn bị các bữa cơm cho bệnh nhân. Trong quá trình hoạt động, mô hình nhận được sự ủng hộ của nhiều mạnh thường quân, HV, PN. Đến nay, mô hình có 15 thành viên tham gia và số suất ăn hỗ trợ hàng tháng cũng tăng hơn so với dự kiến” - chị Trần Thị Ngân nói.
Được biết, bếp ăn tình thương tại Trung tâm Y tế huyện Đức Huệ cung cấp các suất ăn miễn phí cho bệnh nhân vào tất cả các ngày trong tuần. Mô hình Bữa cơm tình thương của Hội LHPN xã góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn cho bệnh nhân. Trực tiếp tham gia mô hình Bữa cơm tình thương từ những ngày đầu, bà Trần Thị Mến (Chi hội trưởng Chi hội PN ấp Voi, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ) chia sẻ: “Các thành viên tham gia mô hình, người trực tiếp đến nấu tại bếp ăn, người vận động, hỗ trợ kinh phí, gạo, thực phẩm và các nguyên vật liệu cần thiết khác. Nhờ vậy mà mô hình được duy trì đến nay. Cũng như các chị em khác, tôi thường đến hỗ trợ nấu ăn tại bếp khi có thời gian; đồng thời, vận động kinh phí hỗ trợ bếp ăn. Được đóng góp sức mình giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, đối với tôi đó là niềm vui”.
Trong năm 2023, mô hình Bữa cơm tình thương hỗ trợ hơn 1.500 suất ăn miễn phí cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Đức Huệ. Theo chị Trần Thị Ngân, việc duy trì mô hình Bữa cơm tình thương góp phần tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện, thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái”. Đây cũng là hoạt động góp phần tập hợp HV, PN.
2. Không chỉ có mô hình Bữa cơm tình thương, trong năm 2023, Hội LHPN xã Mỹ Thạnh Tây còn xây dựng mô hình tuyến đường Sáng - xanh - sạch - đẹp tại ấp Voi, nâng chất 2 tuyến đường Sáng - xanh - sạch - đẹp khác do Hội quản lý. Theo đó, Hội vận động HV, PN sống dọc theo các tuyến đường tham gia hỗ trợ ngày công trồng và chăm sóc hơn 1.000 cây lá đỏ, chiều tím, chuối, cau kiểng,... Chị Trần Thị Ngân cho biết thêm: “Mô hình tuyến đường Sáng - xanh - sạch - đẹp là hoạt động của Hội nhằm góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp; đồng thời, tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong HV, PN, đặc biệt là các chị sống dọc các tuyến đường. Mô hình tuyến đường Sáng - xanh - sạch - đẹp đạt hiệu quả tích cực là nhờ có sự ủng hộ nhiệt tình của những HV, PN sống dọc 2 bên tuyến đường”.
Tuyến đường Sáng - xanh - sạch - đẹp tại ấp Voi, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ
Bà Lương Thị Nữ (ấp Voi, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ) bày tỏ, bà và các HV khác rất ủng hộ mô hình tuyến đường Sáng - xanh - sạch - đẹp do Hội LHPN xã phát động. “Nhờ Hội phát động trồng hoa mà giờ đây, tuyến đường trở nên rực rỡ. Tôi với các chị em sống dọc theo 2 bên đường thỉnh thoảng cùng nhau đi nhổ cỏ, bón phân cho hoa, mùa khô thì cùng nhau tưới nước. Nhìn cả đoạn đường hoa nở rộ, tôi vui lắm! Nếu tuyến đường nào cũng được như vậy thì làng quê sẽ đẹp biết mấy” - bà Nữ bày tỏ.
Những mô hình do Hội LHPN xã Mỹ Thạnh Tây xây dựng tuy không quá mới mẻ nhưng thiết thực và phù hợp với thực tế của địa phương. Đặc biệt, các mô hình đều nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các HV, PN, mạnh thường quân. Đó chính là yếu tố quyết định sự thành công và “sức sống” của mô hình. Những nỗ lực của Hội LHPN xã Mỹ Thạnh Tây nói riêng và sự đồng lòng của HV, PN nói chung thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất của chính quyền và người dân xã vùng biên trong hành trình xây dựng địa phương./.
Quế Lâm