Tiếng Việt | English

13/04/2023 - 14:19

Tân Hưng: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả nhưng chưa bền vững

Thời gian qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả tích cực, giúp nông dân huyện Tân Hưng, tỉnh Long An tăng thu nhập. Tuy nhiên, việc chuyển đổi vẫn còn thiếu bền vững do nhiều yếu tố tác động, nhất là giá cả thị trường và đầu ra sản phẩm.

Trồng dừa dứa giúp ông Ngân Văn Phi có thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng

Hướng đi hiệu quả

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, nhận thức của nông dân trên địa bàn tỉnh về ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và sử dụng giống chất lượng trong sản xuất ngày càng được cải thiện. Bên cạnh đó, sự hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nông dân chấp hành chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp của ngành Nông nghiệp đã mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập của nông dân.

Tại huyện Tân Hưng, thời gian qua, lĩnh vực trồng trọt có sự chuyển đổi phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp là giảm diện tích gieo sạ lúa kém hiệu quả, tăng diện tích trồng rau màu và cây ăn trái. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ thông tin, xu thế chuyển đổi cây trồng hiện nay là cải tạo vườn kém hiệu quả thành vườn chuyên canh và lập vườn mới trên các diện tích đất trồng lúa, rau màu kém hiệu quả. Đây là hướng đi đúng với đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.

“Việc chủ động chuyển một phần diện tích sang trồng cây có giá trị kinh tế cao bước đầu mang lại hiệu quả và tăng thu nhập cho nông dân, nâng cao được giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích so với trồng lúa” - ông Phan Văn Nỉ thông tin thêm.

Năm 2013, ông Ngân Văn Phi (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) mạnh dạn chuyển đổi 2ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây dừa dứa. Sau hơn 4 năm, vườn dừa của ông bắt đầu cho thu hoạch. Bình quân mỗi tháng, ông bán khoảng 2.000 trái dừa, với giá 10.000 đồng/trái, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Ông Phi chia sẻ: “Do đất của gia đình tôi thuộc vùng gò cao nên sản xuất lúa kém hiệu quả. Từ khi chuyển sang trồng dừa, tôi thấy rất phù hợp với vùng đất nơi đây. Loại dừa này rất dễ trồng, ít bón phân, xịt thuốc. So với trồng lúa thì cây dừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 3-5 lần”.

Thời gian qua, cây mè cũng được nhiều nông dân huyện Tân Hưng chọn để chuyển đổi thay thế cho cây lúa. Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng, vụ mè Đông Xuân 2022-2023, nông dân gieo trồng trên 430ha, đến nay, đã thu hoạch trên 60ha. Theo nông dân trồng mè, năm nay, mè phát triển tốt, ít sâu, bệnh, năng suất bình quân đạt 0,8 tấn/ha, giá bán 42.000 đồng/kg, nông dân thu lợi nhuận gần 18 triệu đồng/ha.

Nông dân chăm sóc vườn sầu riêng, chuẩn bị xử lý cho trái

Ngoài ra, toàn huyện Tân Hưng hiện có trên 100ha mít, 14ha xoài, 15ha sầu riêng, 13ha bưởi,… Các diện tích này hầu hết đang trong giai đoạn thu hoạch và mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với trồng lúa.

Cần tăng cường liên kết

Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại huyện Tân Hưng còn thiếu bền vững do tác động nhiều yếu tố, nhất là giá cả thị trường và đầu ra sản phẩm. Nguyên nhân là vùng chuyển đổi còn mang tính tự phát, chưa phù hợp với kế hoạch chung, chưa có nhà máy chế biến và chưa có nhiều doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Một số cây trồng được chuyển đổi có lợi thế cạnh tranh kém, đầu ra sản phẩm chưa ổn định do quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, gây khó khăn cho việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, kiểm soát chất lượng.

Tại một số địa phương, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa có sự liên kết sản xuất theo chuỗi, chưa gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp khó thu mua được sản phẩm chất lượng tốt với khối lượng lớn cùng thời điểm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết, để chuyển đổi cây trồng trên đất lúa mang lại hiệu quả bền vững, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động và phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.

Đồng thời, các địa phương cần tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ nông dân nhằm tăng hiệu quả sản xuất; đẩy mạnh kết nối và mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống tốt và bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân.

“Thời gian tới, ngành tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất, kiểm tra, bảo vệ cây trồng trước khí hậu khắc nghiệt, hạn và nhiễm mặn bất thường; khuyến cáo, định hướng nông dân chọn cây trồng phù hợp; tăng cường hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trên địa bàn; đẩy mạnh liên kết tiêu thụ với các hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử;… để ổn định đầu ra nông sản cho nông dân” - ông Thiện cho biết thêm./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết


Cây Muồng hoàng yến sắc vàng tươi