Tiếng Việt | English

23/01/2017 - 13:18

Tân Hưng: Đột phá trong xây dựng hệ thống đê bao

Năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Hưng, tỉnh Long An lần thứ V (nhiệm kỳ 2015-2020). Bên cạnh những thuận lợi, huyện cũng gặp một số khó khăn: Thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường, giá nông sản không ổn định, nguồn vốn đầu tư phát triển KT-XH và đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn. Với sự đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân, Tân Hưng vượt qua khó khăn, tập trung thực hiện nghị quyết.


Xây dựng hệ thống đê bao

Xác định nông nghiệp, trong đó cây lúa là chủ lực, huyện tập trung chỉ đạo chặt chẽ theo hướng ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Tân Hưng quan tâm đến việc đầu tư hệ thống đê bao, giúp nông dân chủ động trong sản xuất.

Với diện tích đất sản xuất hơn 38.000ha, thời gian qua, huyện không ngừng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, nhất là hệ thống đê bao bảo vệ sản xuất ăn chắc lúa 2 vụ và phát triển 3 vụ/năm. Và cũng chính những công trình này tạo đòn bẩy tạo nên sức bật mới về phát triển KT-XH ở địa phương. Năm 2016, huyện đầu tư xây dựng thêm đê bao phục vụ sản xuất 440ha, nâng tổng số diện tích đất sản xuất trong đê bao lên 31.060ha.

Hiện tại, một số diện tích vùng trũng, thấp không có đê bao, nông dân chưa thể xuống giống lúa vụ Đông Xuân 2016-2017, trong khi đó, một số diện tích trong đê bao, nông dân chủ động gieo sạ và đến nay bắt đầu thu hoạch. Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ, hiện có gần 500ha lúa Đông Xuân cho thu hoạch với năng suất bình quân 6 tấn/ha, lợi nhuận bình quân từ 10-15 triệu đồng/ha, còn hơn 5.000ha trong giai đoạn chín chuẩn bị cho thu hoạch.


Thu hoạch lúa Đông Xuân sớm nhờ có hệ thống đê bao

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lợi - Nguyễn Văn Tâm cho biết, Vĩnh Lợi là một trong những xã có phần lớn diện tích đất sản xuất trong đê bao. Hiện tại, xã có 2.900/3.200ha đất sản xuất nằm trong đê bao, nông dân chủ động được mùa vụ sản xuất. Anh Võ Văn Đực, ở xã Vĩnh Lợi cho biết, vụ Đông Xuân 2016-2017, gia đình anh sản xuất 10ha lúa giống IR 50404, nhờ có hệ thống đê bao nên anh chủ động gieo sạ sớm và thu hoạch trước Tết Nguyên đán, với năng suất 6 tấn/ha, trừ các khoản chi phí, anh thu lợi nhuận hơn 10 triệu đồng/ha.

Hơn 3ha lúa của gia đình ông Nguyễn Văn Trận, ấp Cả Sách, xã Vĩnh Lợi cũng chuẩn bị cho thu hoạch trong vài ngày tới, theo ông, đây là năm thứ 2 chuyển từ gieo trồng 2 vụ sang 3 vụ/năm. “Trước đây khi chưa được địa phương đầu tư hệ thống đê bao cũng như các công trình giao thông, thủy lợi nội đồng chưa hoàn chỉnh, nông dân gặp nhiều khó khăn, nhất là trong sản xuất vụ Hè Thu; có những năm nước lũ về sớm, người dân phải thu hoạch lúa non chạy lũ. Từ khi hệ thống đê bao, thủy lợi hoàn chỉnh, nông dân chủ động sản xuất, năng suất lúa cao”.

Từ khi huyện đầu tư xây dựng hệ thống đê bao, nông dân cùng nhau thành lập tổ hợp tác bơm rút nước gieo sạ sớm, gieo sạ tập trung, đồng loạt, giảm đáng kể tình trạng sâu, bệnh gây hại, giảm chi phí đầu tư sản xuất.

Được biết, năm 2017, huyện Tân Hưng đề ra Nghị quyết phát triển thêm 500ha đất sản xuất trong đê bao lửng và trong nhiệm kỳ 2015-2020 là 5.100ha, nâng tổng số diện tích đất trong hệ thống đê bao là 36.100ha, chiếm 95% diện tích đất sản xuất.

Hệ thống đê bao được xây dựng mở ra hướng phát triển, mang lại hiệu quả cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Đê bao hoàn chỉnh, hệ thống thủy lợi kiên cố, tin rằng, trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng lúa, Tân Hưng sẽ đạt kết quả cao hơn nữa./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết