Tân Hưng có hơn 40 trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu cho trên 8.000 ha lúa/vụ
Về Tân Hưng những ngày này cũng là thời điểm liên tiếp xuất hiện những cơn mưa chiều xối xả. Thế nhưng, cảnh đường đất sình lầy bám lấy bánh xe chẳng còn như mấy năm trước, bởi gần đây, hệ thống giao thông nông thôn ở huyện luôn được quan tâm đầu tư. Theo đó, tuyến đường 831 đi qua xã Vĩnh Châu B nối liền với xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp và đường từ thị trấn Tân Hưng về Hưng Thạnh được tráng nhựa. Đường tỉnh 831 đi Vĩnh Lợi, Thạnh Hưng hay đường Gò Pháo - Trâm Dồ, xã Hưng Điền B;… đã được thi công trải đá sạch sẽ. Còn đường về các ấp cũng đã xây dựng cơ bản phần nền. Hiện tỷ lệ đường giao thông nông thôn liên ấp được trải sỏi đỏ, dal hóa là hơn 78%. Đến nay, toàn huyện có 11/11 xã có đường ôtô về đến trung tâm xã.
Bà Lưu Thị Thủy ở ấp Hưng Tân, xã Hưng Thạnh - người đã hiến gần 8.000m2 đất làm đê bao, chia sẻ: “Việc làm của tôi cũng xuất phát từ nhu cầu của gia đình và vì sự phát triển chung của quê hương. Giờ đây, việc sản xuất được tiện lợi, nông dân không còn phải lo lắng mỗi khi lũ về sớm. Với những lợi ích mang lại, tôi rất vui vì mình đã đóng góp được một phần nho nhỏ cho xã hội”.Trong thực hiện chương trình NTM, huyện cũng đặc biệt chú trọng đầu tư cho phát triển nền nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện đã có trên 30.500ha/vụ nằm trong đê bao lửng. Hệ thống hơn 40 trạm bơm điện phục vụ tưới, tiêu cho hơn 8.000ha/vụ, qua đó, góp phần giảm chi phí sản xuất khoảng 900 ngàn đồng đến 1 triệu đồng và giúp nông dân chủ động trong sản xuất. Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng đầu tư nạo vét kênh, mương nội đồng, xây dựng vùng lúa chất lượng cao, cánh đồng lớn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật sản xuất, cơ giới hóa nông nghiệp, thành lập tổ hợp tác và một số hợp tác xã nông nghiệp nên năng suất lúa và lợi nhuận của người dân ngày càng tăng lên.
Nông dân Nguyễn Văn Nam, ở xã Hưng Điền, cho biết: “Hiện nay, năng suất bình quân 6 tấn lúa khô/ha. Lợi nhuận bình quân 19 triệu đồng/ha/năm. Có được điều này người dân chúng tôi rất phấn khởi, mong rằng nền nông nghiệp sẽ tiếp tục được đầu tư lớn”.
Ngoài ra, hệ thống điện, các trạm cấp nước hợp vệ sinh, trạm y tế, trường học, trụ sở UBND xã, trung tâm văn hóa,… trên địa bàn đều được đầu tư nâng cấp, xây mới đưa vào sử dụng. Qua đó, góp phần thúc đẩy bộ mặt nông thôn huyện phát triển nhanh chóng, đời sống nhân dân nâng lên. Hiện tỷ lệ hộ sử dụng điện ở huyện đạt 98,4%; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh ở nông thôn hơn 78% và đô thị 99%; thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm chỉ còn 3%,…
Song song đó, các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, toàn dân thực hiện các phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh được thực hiện tốt và có sức lan tỏa trong xã hội.
Để đưa chương trình XDNTM đi vào cuộc sống và đạt những hiệu quả tích cực trên, huyện luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Trong quá trình thực hiện, huyện luôn xác định, người dân đóng vai trò chủ thể. Đặc biệt, qua 4 năm thực hiện chương trình, ngoài nguồn vốn đầu tư do tỉnh hỗ trợ trực tiếp cho chương trình NTM của huyện, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác và vốn ngân sách huyện thì cũng phải nói đến nhân dân ở huyện đã đóng góp, hiến đất với tổng trị giá hàng trăm tỉ đồng để làm các công trình, nhất là giao thông và thủy lợi.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Trần Tấn Tài, cho biết: “Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt, hiện huyện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện chương trình NTM. hệ thống đường giao thông dù đã có sự thay đổi lớn lao, kỳ diệu nhưng qua rà soát, nếu xét theo tiêu chí NTM thì đến nay còn 9/11 xã chưa đạt tiêu chí này. Tiếp đó, nhiều xã vẫn chưa đạt tiêu chí trường học, chợ, nhà ở dân cư”.
Cũng theo ông Tài, giải pháp của huyện đưa ra trong thời gian tới để thực hiện chương trình NTM là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; kiện toàn Ban Chỉ đạo XDNTM các cấp; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với liên kết 4 nhà trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhân rộng cánh đồng lớn. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, tỉnh. Đồng thời, cân nhắc và xem xét tính thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí trước khi thực hiện các công trình; phát huy sự đóng góp tự nguyện của người dân./.
Vũ Quang-Thụy Anh