Tiếng Việt | English

05/03/2018 - 19:59

Tân Lân: Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân là mục tiêu hàng đầu

Ngoài thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, những năm qua, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An triển khai nhiều biện pháp thiết thực nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, toàn xã chỉ còn 42 hộ nghèo (chiếm 1,45%), thu nhập bình quân đầu người đạt gần 53 triệu đồng/năm.

Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp

Trước đây, việc sản xuất lúa của người dân trên địa bàn còn mang tính cá thể, nhỏ, lẻ, chưa tập trung. Chăn nuôi gà đẻ công nghiệp tuy mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng vấn đề đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh, chưa ổn định. Các trang trại chăn nuôi rải rác trong các khu dân cư, việc bảo đảm vệ sinh môi trường còn hạn chế. Việc tổ chức sản xuất theo mô hình mới và theo quy hoạch gặp nhiều khó khăn, nông dân thu lợi nhuận chưa cao.

Chăn nuôi gà đẻ trứng mang lại thu nhập cao cho nông dân Tân Lân

“Từ thực trạng trên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra chương trình đột phá về phát triển nông nghiệp toàn diện, chất lượng cao và bền vững. Theo đó, Đảng ủy xã Tân Lân xây dựng nghị quyết chuyên đề về thực hiện mô hình con gà và cây lúa phù hợp với điều kiện tự nhiên, môi trường của xã, gắn với ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giữ vững, nâng chất xã văn hóa, nông thôn mới” - Phó Bí thư Đảng ủy xã - Nguyễn Văn Hoàng cho biết.

Năm qua, xã tập trung rà soát, đề nghị các cơ quan liên quan xem xét, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, đất chăn nuôi, lựa chọn giống gà, giống lúa có năng suất, chất lượng cao để người dân đưa vào sản xuất rộng rãi.
Đồng thời, xã xây dựng kế hoạch, đề án, lộ trình cụ thể để thực hiện, trong đó, chú trọng quy hoạch phân vùng, tiểu vùng theo hướng sản xuất tập trung, ứng dụng cơ giới, khoa học - kỹ thuật tiên tiến nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, bán được giá cao.

Ông Nguyễn Văn Tùng (SN 1963), ngụ ấp Ao Gòn, bộc bạch: “Gia đình tôi có 0,2ha ruộng, trồng lúa 2 vụ/năm. Nhờ tham gia vùng lúa chất lượng cao, tôi được hướng dẫn những kỹ thuật mới để ứng dụng vào sản xuất. Từ đó, năng suất, chất lượng lúa tăng lên, chi phí giảm đáng kể, góp phần nâng cao thu nhập. Thời gian qua, đầu ra nông sản tương đối ổn định, tuy nhiên, còn tình trạng nông dân bị thương lái ép giá. Vì vậy, mong rằng thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để người dân an tâm sản xuất”.

Nâng cấp kết cấu hạ tầng

Xác định nâng cao chất lượng cuộc sống người dân là mục tiêu hàng đầu, bên cạnh hỗ trợ về vốn, kỹ thuật để phát triển kinh tế, địa phương còn quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo đó, Đảng ủy, UBND xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện khai thông hệ thống kênh, mương, nâng cấp cầu, đường giao thông nông thôn, tạo thuận lợi cho người dân trong vận chuyển nông sản. Đồng thời, xã phối hợp cơ quan chuyên môn thường xuyên thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả. Năm 2017, tổng sản lượng lúa toàn xã là 12.000 tấn, đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết.

Đường ấp Bình Hòa được tráng bêtông sạch sẽ, tạo thuận lợi trong đi lại,  vận chuyển nông sản

“Nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong đi lại cũng như sản xuất, năm qua, xã huy động nguồn vốn trên 2 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 248 triệu đồng, để nạo vét 4 công trình thủy lợi nội đồng và nâng cấp, giặm vá 3 tuyến đường giao thông nông thôn. Năm 2018, xã tiếp tục thực hiện tráng bêtông 3 tuyến đường, vận động nhân dân hiến đất mở rộng tuyến đường 19/5. Những tuyến đường này qua thời gian sử dụng hiện xuống cấp, sau khi được xây dựng lại sẽ góp phần quan trọng tạo nên bộ mặt khang trang hơn cho địa phương” - ông Nguyễn Văn Hoàng thông tin thêm.

Bí thư Chi bộ ấp Ao Gòn - Cao Hoài Cuộc vui mừng chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành và lãnh đạo địa phương, đời sống người dân những năm qua có sự đổi thay vượt bậc cả về vật chất lẫn tinh thần. Việc sản xuất ngày càng thuận lợi, thu nhập không ngừng tăng lên, nhà cửa được xây dựng kiên cố ngày càng nhiều. Người dân càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, từ đó ra sức thực hiện tốt các phong trào, chương trình do địa phương phát động. Cụ thể, trong năm qua, người dân đóng góp 100% kinh phí xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng công cộng với chiều dài hơn 2.400m, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm trên địa bàn”.

Từ chủ trương, nghị quyết đúng đắn cùng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân, tin rằng, Tân Lân sẽ giữ vững và nâng chất các tiêu chí, xây dựng thành công xã văn hóa, nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới./.

Hiện nay, tổng đàn gia cầm trên địa bàn xã là 487.000 con. Các mô hình chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại ngày càng phát triển, toàn xã hiện có 78 trang trại và 305 gia trại. Ngoài ra, xã còn vận động thành lập được 3 hợp tác xã nông nghiệp và chăn nuôi gà, hình thành các tổ hợp tác trồng lúa, nhân giống lúa, tổ máy cày, tổ dần đổi công, tổ chăn nuôi hoạt động ngày càng hiệu quả. Năm 2017, thông qua các dự án vay của các ngân hàng, xã hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn để sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, với tổng số tiền gần 16 tỉ đồng. Trong năm, xã giới thiệu, giải quyết việc làm cho 392 lao động, xóa 2 hộ nghèo, đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết