Thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, UBND huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An chọn Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Tân Bình (xã Tân Bình) làm điểm để thực hiện mô hình Canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải, áp dụng máy sạ hàng hiệu ứng đường biên và bón vùi phân bón.
Trình diễn mô hình Canh tác lúa chất lượng cao giảm phát thải áp dụng máy sạ hàng hiệu ứng đường biên và bón vùi phân bón tại huyện Tân Thạnh
Diện tích thực hiện mô hình điểm hơn 14ha, có 7 hộ dân tham gia. Theo đó, nông dân thực hiện mô hình sẽ sử dụng lượng giống gieo sạ 80kg/ha và lượng phân bón 200kg/ha. Với phương pháp sản xuất này, nông dân vừa giảm được lượng giống gieo sạ, vừa bảo đảm không bón phân trong 45 ngày đầu gieo sạ.
Ông Trần Văn Lựu (ấp Cà Nhíp, xã Tân Bình) tham gia mô hình với diện tích gần 2ha. Ông Lựu cho biết: “Các cấp triển khai, thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải và áp dụng máy sạ hàng hiệu ứng đường biên, bón vùi phân bón, nông dân nhận thấy có nhiều triển vọng nên tham gia. Trong đó, mô hình sạ thưa sẽ giúp giảm được lượng giống, phân bón, giảm chi phí sản xuất cho nông dân”.
Ngoài ra, việc bón vùi phân bón còn góp phần giảm thất thoát và giảm hiệu ứng khí nhà kính. Khi tham gia thực hiện mô hình, nông dân được hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, kết cấu hạ tầng; cung cấp giống lúa chất lượng cao; hỗ trợ tiếp cận thị trường tiêu thụ ổn định; được hỗ trợ các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp, chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát triển đất trồng lúa và các chính sách trong khuôn khổ Đề án; được chia sẻ lợi ích từ việc bán tín chỉ carbon;...
Mặt khác, các đối tượng tham gia thực hiện Đề án phải bảo đảm thực hiện đúng quy trình sản xuất; tham gia các hoạt động tập huấn, nâng cao kỹ năng; báo cáo kết quả sản xuất;...
Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Bình - Đặng Rô Săng cho biết: “Qua tham quan, học hỏi nhiều mô hình trình diễn ở các địa phương khác, HTX thấy hiệu quả. Được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND huyện hỗ trợ chọn làm mô hình điểm của tỉnh, HTX triển khai cho các thành viên nắm và cùng tham gia thực hiện. Các thành viên đều phấn khởi, đồng tình. Hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng để đem lại hiệu quả và lợi ích cho nông dân".
Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” là một trong những dự án trọng điểm nhằm tăng năng suất và chất lượng lúa; giảm lượng khí phát thải nhà kính từ hoạt động sản xuất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao thu nhập cho nông dân./.
|
UBND tỉnh đã có Quyết định số 8815/QĐ-UBND về việc ban hành hướng dẫn nội dung khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao.
|
Kim Nhạn