Tiếng Việt | English

12/09/2018 - 20:55

Tân Thạnh chủ động bảo vệ lúa Thu Đông

Tân Thạnh chủ động bảo vệ lúa Thu Đông, huy động lực lượng đắp đập bảo vệ lúa

Tân Thạnh chủ động bảo vệ lúa Thu Đông, huy động lực lượng đắp đập bảo vệ lúa

Vụ lúa Thu Đông 2018, nông dân huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An xuống giống gần 17.000ha, trong đó có trên 9.000ha gieo sạ ngoài lịch thời vụ, số diện tích này có nguy cơ bị ảnh hưởng khi mực nước tiếp tục tăng nhanh như hiện nay. Diện tích gieo sạ trễ, lúa mới được 60-75 ngày tuổi. Do ảnh hưởng của nước từ thượng nguồn kết hợp triều cường và mưa khiến mực nước trên địa bàn huyện lên nhanh, đe dọa một số diện tích lúa. Theo ông Cao Văn Hồng, ngụ ấp 2, xã Tân Thành, hiện nay nước ngoài kênh cao hơn trong ruộng khoảng 1m; những đoạn kênh xung yếu, nước đã mấp mé, nông dân huy động máy để bơm nước ra, mỗi hécta tốn gần 1 triệu đồng. Nông dân các xã: Tân Thành, Nhơn Hòa Lập, Hậu Thạnh Đông chủ động nạo vét kênh, gia cố đê bao bảo vệ lúa, tích cực vận động nông dân gia cố các đoạn đê xung yếu.

Chủ tịch UBND xã Tân Thành - Huỳnh Thanh Tú cho biết: Toàn xã gieo sạ được hơn 1.900ha lúa Thu Đông, trong đó có trên 940ha có nguy cơ bị lũ đe dọa, trước tình hình đó, xã chỉ đạo các ngành chuyên môn, các ấp vận động người dân gia cố đê bao theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Trước tình hình lũ diễn biến phức tạp trong những ngày qua, UBND huyện Tân Thạnh chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan nắm chắc diện tích, giai đoạn sinh trưởng của lúa trong từng khu vực để có biện pháp bảo vệ. Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền để nông dân chủ động phòng, chống thiên tai, bảo vệ sản xuất; tăng cường kiểm tra các tuyến đê bao xung yếu để chủ động gia cố, không nên chờ đến khi lũ dâng cao, có khả năng gây vỡ đê mới thực hiện. UBND huyện cũng chỉ đạo các địa phương theo dõi tình hình thời tiết, thủy văn, thực hiện tốt công tác dự báo, kịp thời thông báo cho người dân biết để chủ động phòng tránh. Đối với những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng, cần lên phương án thu hoạch dứt điểm lúa và hoa màu ở vùng trũng và vùng ngoài đê bao. Bên cạnh đó, các địa phương bố trí lực lượng tuần tra các tuyến đê bao xung yếu, tăng cường kiểm tra, gia cố ngay những đoạn đê bao, cống đập còn thấp, chuẩn bị các trang thiết bị, máy bơm sẵn sàng ứng phó khi sự cố xảy ra./.

Kim Nhạn

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích