Tiếng Việt | English

06/09/2023 - 09:25

Tân Thạnh: Giúp người nghèo vươn lên

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An tranh thủ nhiều nguồn lực để trao “cần câu” thay vì “con cá” cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, giúp họ có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, nhất là tránh tình trạng tái nghèo hoặc phát sinh nghèo.

Thời gian qua, huyện Tân Thạnh tranh thủ các nguồn lực, giúp hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống

Nâng cao ý thức giảm nghèo cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước là giải pháp hiệu quả nhất trong công tác giảm nghèo. Xác định được vấn đề này, các cấp, các ngành trong huyện đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của hộ nghèo, cận nghèo; đồng thời, chuyển từ chính sách “cho không” sang “cho có điều kiện”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Hà Thanh Chì cho biết: “Hàng năm, các địa phương trong huyện tiến hành điều tra hộ nghèo, cận nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn để phân loại đối tượng và nguyên nhân nghèo, từ đó có giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp. Cụ thể, người nghèo còn sức khỏe, có khả năng lao động, chí thú làm ăn sẽ được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất; chuyển giao khoa học - kỹ thuật, dạy nghề, giới thiệu việc làm. Còn hộ nghèo, cận nghèo là người già neo đơn, mắc bệnh nan y, không còn sức khỏe để lao động, các địa phương vận động xã hội hóa để tặng quà, hỗ trợ xây nhà tình thương hoặc thực hiện các mô hình nhận đỡ đầu”.

Trước đây, bà Nguyễn Thị Nương (xã Hậu Thạnh Tây) từng là hộ nghèo của xã. Chồng bị bệnh tai biến, 3 người con đang đi học, tất cả chi phí sinh hoạt của gia đình đều nhờ vào số tiền làm thuê, làm mướn “ngày có, ngày không” của bà. Xác định được nguyên nhân nghèo, xã tạo điều kiện cho bà Nương vay 40 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để làm vốn nuôi heo.

Bà Nương trải lòng: “Thời điểm khó khăn, tôi cũng muốn tranh thủ thời gian để chăn nuôi, kiếm thêm thu nhập. Song, gia đình tích cóp mãi cũng không đủ tiền làm vốn chăn nuôi. Nhờ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, gia đình có vốn nuôi heo, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đến nay, gia đình xây dựng được căn nhà tường, nuôi các con học hành, có việc làm ổn định. Hiện tại, tôi vẫn duy trì nuôi heo để phát triển kinh tế gia đình”.

“Bí quyết” giúp huyện Tân Thạnh thực hiện tốt công tác giảm nghèo còn là việc các đoàn thể duy trì và nhân rộng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Điển hình, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Thạnh thực hiện các mô hình: Tiết kiệm tín dụng, Góp vốn xoay vòng, Góp xi măng xây nhà, Đồng hành với phụ nữ yếu thế,... Hội Cựu chiến binh huyện với phong trào Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi và mô hình 5+1, 10+1,...

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Thạnh - Nguyễn Thị Tuyết Nhung chia sẻ: “Từ việc phát triển sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, đi đầu trong phong trào làm kinh tế giỏi, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi. Bên cạnh đó, phụ nữ còn tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động hoặc mạnh dạn bước ra khỏi “vùng an toàn” để khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản địa phương, vươn lên làm giàu,...”.

Hiện nay, huyện Tân Thạnh còn 504 hộ nghèo/20.658 tổng số hộ (chiếm 2,44%); 1.338 hộ cận nghèo/20.658 tổng số hộ (chiếm 6,48%). Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy các kết quả như vận động xã hội hóa tặng quà cho người nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; giới thiệu việc làm trong các doanh nghiệp; chuyển giao khoa học - kỹ thuật;...

Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhất là sự ý thức của người dân, huyện Tân Thạnh sẽ đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, không có tình trạng tái nghèo hoặc phát sinh nghèo./.

Kim Ngọc - Ngọc Diệu - Chí Tâm

Chia sẻ bài viết