Tiếng Việt | English

12/12/2023 - 08:43

Tân Trụ: 'Dân vận khéo' làm đường giao thông nông thôn

Thông qua phong trào thi đua “Dân vận khéo”, người dân trên địa bàn huyện Tân Trụ, tỉnh Long An góp công, góp tiền, hiến đất để mở rộng, tạo nên những con đường rộng rãi, thông thoáng.

Bí thư Huyện ủy Tân Trụ - Võ Trần Tuấn Thanh (giữa) cùng đại diện lãnh đạo phòng, ban huyện kiểm tra tiến độ thực hiện công trình theo Nghị quyết số 22-NQ/HU của Huyện ủy

Bí thư Huyện ủy Tân Trụ - Võ Trần Tuấn Thanh (giữa) cùng đại diện lãnh đạo phòng, ban huyện kiểm tra tiến độ thực hiện công trình theo Nghị quyết số 22-NQ/HU của Huyện ủy

Khéo tuyên truyền, vận động

Ngay sau khi Nghị quyết số 22-NQ/HU (NQ22) của Huyện ủy Tân Trụ về tập trung đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT) giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn với mặt đường 5m trở lên được ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo các ngành, đoàn thể, địa phương tập trung phối hợp tuyên truyền, vận động thực hiện tốt NQ22. Trong đó, hệ thống Dân vận, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong huyện làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận dụng sáng tạo công tác dân vận để huy động người dân hiến đất mở rộng đường giao thông.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Tân Trụ - Nguyễn Văn Dễ thông tin: “So với các địa phương khác, huyện còn nhiều khó khăn, thiếu nguồn lực đầu tư cho phát triển, thu nhập của người dân chưa cao. Vì vậy, để huy động các nguồn lực từ cộng đồng phát triển mạng lưới GTNT, điều quan trọng nhất là phải tuyên truyền cho người dân hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình.

Năm 2022, Ban Dân vận Huyện ủy xây dựng mô hình DVK với nội dung Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và người dân tham gia thực hiện NQ22 của Huyện ủy nhằm tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi NQ Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025”.

Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn huyện trực tiếp gặp gỡ, khéo léo vận động, phân tích vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, lợi ích khi hiến đất để mở rộng đường GTNT. Từ đó, hầu hết các gia đình đều đồng thuận, tự nguyện hiến đất, phá bỏ tường rào, cây cối,... để “mở đường”. Những con đường mới được mở ra, tạo điều kiện cho thông thương hàng hóa cũng như việc đi lại của người dân được dễ dàng hơn.

Dân vận khéo, làm đường thuận

Xã Tân Bình hiện có 3 tuyến đường GTNT được mở rộng lên 5m. Thực hiện NQ22 về tập trung đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường GTNT giai đoạn 2021-2025, xã tích cực vận động người dân bêtông hóa các tuyến đường: Phan Văn Phèn, Lê Văn Tánh (ấp 2) và Nguyễn Thị Điểm (ấp 6).

Ông Phan Văn Sanh (ấp 2, xã Tân Bình) chia sẻ: “Sau khi biết được chủ trương mở rộng, nâng cấp tuyến đường Phan Văn Phèn theo NQ22 của Huyện ủy, tôi đồng thuận và thống nhất cao. Gia đình tôi tự nguyện hiến trên 300m2 đất để thực hiện công trình. Tuyến đường hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới cho nông thôn, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nông sản và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, nhất là học sinh đến trường”.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Bình - Nguyễn Ngọc Thanh Phương cho biết: “Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chung sức, đồng lòng tham gia nâng cấp, mở rộng đường giao thông. Những trường hợp nào khó khăn, hộ dân chưa đồng thuận, lãnh đạo xã đến tận nhà vận động, lắng nghe nguyện vọng của người dân để từng bước gỡ khó. Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình trong xã đồng thuận hiến đất và đóng góp 20% kinh phí thực hiện. Đến nay, các công trình đều đạt so với NQ đề ra, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương”.

Trong năm 2023, huyện Tân Trụ thực hiện 11 tuyến đường theo Nghị quyết số 22-NQ/HU của Huyện ủy

Trong năm 2023, huyện Tân Trụ thực hiện 11 tuyến đường theo Nghị quyết số 22-NQ/HU của Huyện ủy

Từ sự đóng góp của người dân, cộng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, nhiều công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng. Riêng thực hiện NQ22, từ đầu năm 2023 đến nay, huyện có 11 tuyến đường GTNT có mặt đường rộng 5m trở lên, tổng chiều dài gần 12km, với kinh phí gần 68 tỉ đồng, trong đó người dân đóng góp trên 13 tỉ đồng.

“Từ năm 2022 đến năm 2025, huyện phấn đấu hàng năm mỗi xã, thị trấn xây dựng hoàn thành ít nhất 1 tuyến đường GTNT có mặt đường rộng từ 5m trở lên đúng theo tinh thần NQ22. Do vậy, để phát huy hiệu quả mô hình DVK trong tuyên truyền, vận động thực hiện NQ, mỗi xã, thị trấn thành lập các đoàn vận động; Ban Dân vận Huyện ủy cùng MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội huyện và các cơ quan liên quan phối hợp cử cán bộ tham gia với các đoàn vận động để có giải pháp thiết thực trong việc vận động hộ dân bị ảnh hưởng đồng thuận, tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí để thực hiện công trình” - ông Nguyễn Văn Dễ thông tin thêm.

Hiệu quả từ việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong vận động người dân thực hiện các công trình GTNT ở huyện Tân Trụ khẳng định vai trò “cầu nối” của công tác dân vận trong việc đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Những tuyến đường khang trang với mặt đường nhựa, bêtông rộng từ 5m trở lên là “đòn bẩy” để huyện tiếp tục chinh phục hành trình xây dựng nông thôn mới nâng cao cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống người dân./.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết