Tiếng Việt | English

22/06/2020 - 17:18

Tân Trụ: Hiệu quả từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến sản xuất sạch trên địa bàn huyện Tân Trụ, tỉnh Long An trong thời gian qua đạt nhiều kết quả khả quan.

 Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Tân Trụ mang lại hiệu quả kinh tế  cao, tang thu nhập cho người dân
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Tân Trụ mang lại hiệu quả kinh tế  cao, tang thu nhập cho người dân

Một trong những chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Trụ nhiệm kỳ 2015-2020 là tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiệu quả theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới. Sau thời gian triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó đưa nông nghiệp ƯDCNC hướng đến nông nghiệp sạch vào sản xuất, Tân Trụ đạt nhiều kết quả.

Nhiều mô hình ƯDCNC được nhân rộng trên địa bàn, góp phần thay đổi tập quán sản xuất của người dân, giúp tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận. Từ đó, người dân phấn khởi, tin tưởng và yên tâm sản xuất. Ông Nguyễn Văn Đức, ngụ ấp 5, xã Bình Lãng, cho biết: “Từ khi địa phương triển khai mô hình sản xuất ƯDCNC, nhiều mô hình sản xuất lúa hữu cơ, trong đó chỉ sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, không sử dụng phân, thuốc hóa học được nông dân áp dụng cho ra sản phẩm đạt tiêu chí lúa sạch nên bán được giá cao hơn so với ngoài mô hình”. 

Từ khi triển khai đề án đến nay, huyện triển khai thực hiện 5 mô hình lúa sản xuất ƯDCNC theo quy trình “7 bước” về giống, môi trường sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ tại 5 xã: Quê Mỹ Thạnh, Lạc Tấn, Bình Lãng, Bình Tịnh, Đức Tân với tổng diện tích 250ha; 2 mô hình trồng rau an toàn sinh học trong nhà lưới tại xã Lạc Tấn; 4 mô hình điểm trồng thanh long ƯDCNC (0,5ha/mô hình), sản xuất theo tiêu chuẩn GAP tại xã Đức Tân, Bình Tịnh và nhân rộng 36ha thanh long sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm theo phương pháp phun mưa hoặc nhỏ giọt; hỗ trợ 9 con bò/180 con theo chỉ tiêu chương trình. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, thực hiện mô hình sản xuất lúa ƯDCNC cho năng suất trung bình cao hơn từ 200-300kg/ha nhưng chi phí lại thấp hơn từ 1-1,5 triệu đồng/ha, do đó lợi nhuận trung bình cao hơn trên 2 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình, đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp nông dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC ở Tân Trụ đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.

Sản xuất nông nghiệp ƯDCNC là hướng đi đúng đắn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hiện nay, đây là xu thế tất yếu để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng. Tuy nhiên, một số địa phương trên địa bàn huyện bị tác động mạnh mẽ do biến đổi khí hậu, khô hạn, xâm nhập mặn sớm gây thiếu nước ngọt phục vụ cây trồng. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục tính toán, tái cơ cấu sản xuất theo hướng chiến lược lâu dài ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường xúc tiến thương mại bảo đảm đầu ra sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho người dân./.

Song Hồng

 

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích