Tiếng Việt | English

08/08/2018 - 14:52

Tân Trụ: Phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao giá trị gia tăng

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) về phát triển nông nghiệp bền vững, chất lượng cao bước đầu mang lại những kết quả khả quan. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu nhằm nâng cao giá trị nông sản, mang lại lợi ích cho nông dân.

Hình thành nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện - Đoàn Văn Hoàng cho biết: Sau khi xác định thế mạnh của địa phương, được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, huyện mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều mô hình rau chuyên canh ứng dụng công nghệ cao ở xã Đức Tân, Tân Phước Tây; sản xuất lúa theo quy trình VietGAP ở xã Lạc Tấn, Quê Mỹ Thạnh được hình thành. Một số loại giống lúa, rau màu cho năng suất, chất lượng cao được sử dụng; nhiều diện tích rau màu, thanh long dùng hệ thống tưới tiết kiệm tự động.

Xã Mỹ Bình là một trong những vùng sản xuất trọng điểm các loại hoa màu của huyện. Chủ tịch UBND xã Mỹ Bình - Trương Phú Sơn thông tin: “Toàn xã có hơn 40ha thanh long, hoa màu. Một số nông dân đang đầu tư lắp đặt hệ thống phun tưới tự động vừa tiết kiệm sức lao động cũng như chi phí sản xuất, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Phấn đấu đến năm 2020, Tân Trụ có 200ha thanh long chuyên canh

Phấn đấu đến năm 2020, Tân Trụ có 200ha thanh long chuyên canh

Ông Ngô Văn Nhàn, ngụ ấp Bình Điện, xã Bình Tịnh, chia sẻ: “Ứng dụng công nghệ tự động, bán tự động góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, giúp nông dân có lợi nhuận cao”.

Sản xuất tập trung

Với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tương lai
huyện sẽ có 250ha lúa sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo quy trình “7 bước” về giống, môi trường sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ; 20ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, sử dụng chế phẩm sinh học trong canh tác, tưới phun kết hợp nhỏ giọt và hệ thống chiếu sáng thông minh cho thanh long ra hoa trái vụ; phát triển đàn bò thịt chất lượng cao ứng dụng công nghệ lai tạo giống, thay đổi hình thức chăn nuôi theo hướng chuyên môn hóa. Thời gian qua, trên địa bàn huyện hình thành nhiều trang trại, gia trại quy mô lớn, thực hiện liên kết sản xuất, từng bước hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa, tập trung, chuyên canh cao.

Chủ tịch UBND huyện - Trương Thanh Liêm cho biết: “Huyện ban hành kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng “bền vững và nâng cao giá trị gia tăng” nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy sản xuất theo quy hoạch. Huyện còn đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giúp nông dân an tâm sản xuất”.

Mục tiêu đến năm 2020, Tân Trụ sẽ có tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân từ 6-6,5%. Tổng đàn bò lên đến 4.500 con, trong đó có 200-300 con bò sữa; đàn gia cầm khoảng 2 triệu con. Tổng sản lượng lúa đạt khoảng 95.000 tấn; có 200ha thanh long, 100ha chanh, 55ha rau màu chuyên canh. Việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật luôn được các ngành chuyên môn tích cực triển khai ngay từ đầu vụ để nông dân áp dụng vào canh tác, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả sản xuất.

“Những năm qua, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả bước đầu, đang được nhân rộng. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp không chỉ đầu tư nguồn vốn mà nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất truyền thống sang phương thức sản xuất mới” - ông Trương Thanh Liêm cho biết thêm./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết