Kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình giết mổ tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung
Nâng cao nhận thức của chủ cơ sở giết mổ
Thời gian qua, các loại dịch bệnh GSGC xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là bệnh dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, khó lường. Tất cả các Bộ, ngành Trung ương, địa phương đều vào cuộc phòng, chống dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi.
Tại Long An, công tác phòng, chống dịch bệnh GSGC được lãnh đạo tỉnh quan tâm, các sở, ban, ngành cùng địa phương thực hiện nhiều giải pháp khẩn cấp, quyết liệt nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời (nếu nghi ngờ có dịch bệnh), tránh lây lan trên diện rộng. Ngoài việc thông tin, tuyên truyền, người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tăng cường các giải pháp chuyên môn như vệ sinh, tiêu độc khử trùng, lập các chốt chặn và thành lập các tổ, đội phản ứng nhanh,... ngành chức năng còn tổ chức kiểm tra chặt chẽ các cơ sở giết mổ nhằm giám sát nguồn gốc GSGC nhập vào lò mổ, bảo đảm đạt tiêu chuẩn, cung cấp ra thị trường sản phẩm an toàn, chất lượng. Bên cạnh đó, qua các cơ quan thông tin đại chúng và tuyên truyền của ngành chức năng, chủ các cơ sở giết mổ nâng cao nhận thức về việc phòng, chống dịch bệnh, từ đó tích cực phối hợp chặt chẽ với ngành chuyên môn, yêu cầu thương lái khi nhập GSGC về lò mổ phải tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, kiên quyết từ chối các động vật có nghi ngờ bị dịch bệnh nhằm cung cấp ra thị trường sản phẩm đạt chuẩn.
Lò giết mổ Lê Hữu Bình (xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ) bình quân mỗi đêm giết mổ khoảng 650 con heo, cung cấp chủ yếu cho thị trường TP.HCM. Ngoài 3 cán bộ chuyên môn trực, kiểm tra, chủ cơ sở giết mổ cũng nhận thức rõ vấn đề và tích cực phối hợp ngành chức năng, bảo đảm sản phẩm cung cấp ra thị trường đạt tiêu chuẩn. Anh Lê Hữu Bình, chủ cơ sở giết mổ Lê Hữu Bình, cho hay: “Tôi yêu cầu các thương lái nhập heo về đây phải có nguồn gốc rõ ràng, có đầy đủ các loại giấy tờ kiểm định, kiểm dịch theo đúng quy định và kiên quyết từ chối heo có nghi ngờ dịch bệnh. Bên cạnh đó, cơ sở tích cực phối hợp ngành chuyên môn tăng cường thông tin, tuyên truyền về quy định pháp luật đến với các thương lái để họ hiểu và nắm bắt. Sau khi giết mổ xong, các công nhân làm vệ sinh sạch sẽ, tránh ảnh hưởng môi trường xung quanh”.
Còn anh Phan Thanh Lâm, chủ cơ sở giết mổ Nghĩa Hưng (huyện Bến Lức), cho biết: “Chúng tôi yêu cầu thương lái khi nhập heo về phải đầy đủ giấy tờ theo quy định, có nguồn gốc rõ ràng, heo khỏe và kiên quyết từ chối nhập vào lò những heo nghi ngờ bị bệnh. Mỗi đêm cơ sở giết mổ khoảng 700 con heo. Tại đây, luôn có đủ cán bộ chức năng trực để kiểm tra, giám sát quá trình từ nhập heo đến lúc giết mổ và xuất bán. Cơ sở luôn tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và tích cực phối hợp ngành chức năng, bảo đảm sản phẩm cung cấp ra thị trường đạt tiêu chuẩn, chất lượng. Trong quá trình hoạt động, nếu có phát sinh hay nghi ngờ về dịch bệnh, tôi sẽ báo ngay cho ngành chức năng để xử lý kịp thời”.
Kiểm tra chặt chẽ
Trước tình hình dịch bệnh GSGC diễn biến phức tạp như hiện nay, tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp cấp bách, nhất là việc phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi nhằm ngăn chặn và không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Công tác này được tất cả các sở, ban, ngành liên quan và địa phương tích cực thực hiện.
Anh Bùi Nguyễn Phương Thanh (cán bộ kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ thuộc Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản trực tại cơ sở giết mổ Lê Hữu Bình, huyện Tân Trụ) chia sẻ: “Thời gian cao điểm nhập heo về lò mổ là khoảng 19 đến 21 giờ. Chúng tôi trực tại đây sẽ chốt sổ và không cho cơ sở nhập thêm động vật vào lò mổ sau 21 giờ. Heo nhập về được chúng tôi kiểm tra các thủ tục hành chính theo đúng quy định, bảo đảm heo phải có nguồn gốc rõ ràng, kiểm tra lâm sàng, không có dấu hiệu bị bệnh. Trong quá trình giết mổ, chúng tôi cũng theo dõi chặt chẽ, kiểm tra toàn bộ các bộ phận nội tạng để xác định heo bình thường và sản phẩm đạt tiêu chuẩn thì mới làm các thủ tục để xuất đi theo quy định, đồng thời, yêu cầu chủ cơ sở giết mổ, thương lái tuân thủ nghiêm các quy định. Thời điểm này, dịch bệnh GSGC diễn biến phức tạp, anh em trực tại các cơ sở giết mổ tập trung cao độ, kiểm tra chặt chẽ, tuyệt đối không cho GSGC bệnh vào lò mổ nhằm cung cấp ra thị trường sản phẩm an toàn, đạt chất lượng, bảo đảm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng”.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Long An - Phan Ngọc Châu thông tin: “Ngành triển khai các giải pháp cấp bách để phòng, chống dịch bệnh GSGC trên toàn địa bàn. Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường kiểm tra chặt chẽ các cơ sở giết mổ, bắt buộc chủ cơ sở, thương lái phải tuân thủ nghiêm các quy định và xử lý nếu phát hiện vi phạm; đồng thời, yêu cầu các cán bộ trực tại các cơ sở giết mổ phải tập trung làm tốt nhiệm vụ, kịp thời phát hiện, kiên quyết ngăn chặn không để cho động vật có dấu hiệu bị bệnh nhập vào lò mổ. Ngoài ra, chúng tôi tăng cường tuyên truyền pháp luật cho các chủ cơ sở nắm bắt, tuân thủ và khuyến cáo người dân thực hiện việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để bảo đảm hiệu quả trong chăn nuôi”./.
Châu Sơn