Tiếng Việt | English

06/08/2020 - 14:15

Tăng cường phòng, chống bệnh bạch hầu

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây lan nhanh qua đường hô hấp. Đây là bệnh vừa nhiễm trùng, vừa nhiễm độc, gây ra các tổn thương nghiêm trọng, có thể gây biến chứng nặng và tử vong. Bệnh có thể phòng được bằng cách tiêm chủng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch và điều trị khỏi bằng kháng sinh đặc hiệu.

Long An triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin uốn ván - bạch hầu cho tất cả trẻ học lớp 2 (kể cả trẻ 7 tuổi học lớp 1 và trẻ trên 7 tuổi học lớp 2) và trẻ 7 tuổi tại cộng đồng

Long An triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin uốn ván - bạch hầu cho tất cả trẻ học lớp 2 (kể cả trẻ 7 tuổi học lớp 1 và trẻ trên 7 tuổi học lớp 2) và trẻ 7 tuổi tại cộng đồng

Thời gian gần đây, bệnh bạch hầu được ghi nhận mắc rải rác tại một số tỉnh, thành: TP.HCM, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk,… và có trường hợp tử vong. Tại Long An, tính từ đầu năm 2020 đến nay chưa ghi nhận ca bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, tỉnh ghi nhận 2 ca mắc bạch hầu liên tiếp vào năm 2018 và 2019 tại huyện Châu Thành.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3998/UBND-VHXH, ngày 09-7-2020 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của việc tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch nhằm chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế, các sở, ngành, đoàn thể liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện kịp thời, đầy đủ các giải pháp chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu trên địa bàn. Đặc biệt là tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; bảo đảm mọi nguồn lựcphục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Sở Y tế tham mưu kịp thời UBND tỉnh về các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu phù hợp diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn và trong nước; tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, hướng dẫn tổ chức cách ly kịp thời không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài. Đối với các trường hợp mắc bệnh (nếu có) thì khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch.

UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An phối hợp Sở Y tế và các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức và chủ động đưa trẻ em đi tiêm vắc-xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng và chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin uốn ván - bạch hầu (Td) cho trẻ 7 tuổi, bảo đảm đủ mũi và đúng lịch. Chị Nguyễn Thị Tuyết Loan (phường 6, TP.Tân An) chia sẻ: “Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết được thời gian gần đây xuất hiện nhiều trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Do đó, tôi chủ động tìm hiểu các thông tin về bệnh bạch hầu và biện pháp phòng, chống để bảo vệ sức khỏe cho con”.

Nhằm ngăn chặn dịch bạch hầu, ngành Y tế tỉnh chủ động triển khai nhiều giải pháp tăng cường công tác phòng, chống bệnh. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng cho biết: “Trung tâm phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông về nguy cơ mắc bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng, chống bệnh để người dân tự giác và chủ động thực hiện; đồng thời thực hiện công tác tiêm chủng phòng bệnh đúng lịch, đủ mũi, an toàn, chất lượng, rà soát các đối tượng chưa được tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đầy đủ các vắc-xin có thành phần bạch hầu để tổ chức tiêm vét”.

Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả cho trẻ

Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả cho trẻ

Bên cạnh đó, Sở Y tế xây dựng kế hoạch tiêm bổ sung vắc-xin Td cho trẻ 7 tuổi trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Đây là hoạt động được thực hiện thường niên nhằm chủ động phòng ngừa dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh uốn ván - bạch hầu trong cộng đồng. Được biết, năm 2019, tỉnh triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin Td cho tất cả trẻ học lớp 2 (kể cả trẻ 7 tuổi học lớp 1 và trẻ trên 7 tuổi học lớp 2) và trẻ 7 tuổi tại cộng đồng. Chiến dịch được triển khai tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với tổng số đối tượng cần tiêm vắc-xin Td là 33.214 trẻ. Năm 2020, tỉnh tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin Td. Thời gian dự kiến từ ngày 14 đến 18/9: Tiêm tại trường học và ngoài cộng đồng; từ ngày 29 đến 30/9: Tổ chức tiêm vét tại trạm y tế. Tổng số đối tượng cần tiêm vắc-xin dự kiến là 33.133 trẻ.

Bệnh bạch hầu hiện chưa được loại trừ ở nước ta nên người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. Bệnh có thể phòng được bằng cách tiêm chủng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch và điều trị khỏi bằng kháng sinh đặc hiệu. Do đó, người dân tích cực, chủ động thực hiện khuyến cáo của Bộ Y tế, khi có dấu hiệu mắc bệnh thì đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết