Trước đây, bệnh phổ biến tại hầu hết các địa phương. Tuy nhiên, từ khi vắc-xin phòng bệnh được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng thì bệnh được khống chế. Hàng năm, cả nước chỉ ghi nhận vài trường hợp mắc bệnh do không tiêm vắc-xin phòng bệnh. Các trường hợp này thường xảy ra tại khu vực vùng sâu, vùng xa, địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Trong số các trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu tại Đăk Lăk, Đăk Nông, có trường hợp chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh, đặc biệt, 1 trường hợp tử vong chỉ tiêm 1 mũi.
Tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng lịch là biện pháp phòng bệnh bạch hầu hiệu quả
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An - Huỳnh Hữu Dũng cho biết: “Bệnh bạch hầu thuộc nhóm B, là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của người bệnh hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt là trong khu vực dân cư đông đúc, nơi có điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong. Tuy nhiên, đây là bệnh có thuốc trị đặc hiệu và có vắc-xin phòng ngừa nên người dân không nên quá lo lắng”.
Nhằm chủ động ngăn chặn và phòng, chống bệnh bạch hầu, ngành Y tế Long An khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phối hợp phòng bệnh đủ mũi tiêm và đúng lịch. Ngành y tế cũng đẩy mạnh tuyên truyền về dấu hiệu, cách phát hiện và phòng tránh bệnh để người dân chủ động phòng, chống. Chị Nguyễn Thị Hiền (xã Bình Tâm, TP.Tân An) cho biết: “Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết bệnh bạch hầu nằm trong chương tình tiêm chủng mở rộng nên chủ động đưa con đi tiêm vắc-xin đầy đủ để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này. Thời gian gần đây, có nhiều ổ dịch xuất hiện tại các địa phương khác nên tôi rất lo lắng. Ngoài đưa con đi tiêm ngừa, tôi còn chú trọng giữ vệ sinh cá nhân cho con, giữ vệ sinh môi trường xung quanh”.
Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xây dựng kế hoạch tiêm chủng đầy đủ vắc-xin cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng; đồng thời nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị, quản lý, giám sát bệnh cho cán bộ y tế từ tỉnh đến cơ sở.
Hiện bệnh bạch hầu chưa được đẩy lùi, do đó phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin, giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ. Phụ huynh cần cho trẻ tiêm đủ vắc-xin phối hợp phòng bệnh. Mũi 1 tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi; mũi 2 tiêm sau mũi thứ nhất 1 tháng; mũi 3 tiêm sau mũi thứ hai 1 tháng và mũi 4 khi trẻ 18 tháng tuổi. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kip thời./.
Để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải bảo đảm thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc-xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
|
Ngọc Mận-Huỳnh Hương