Tiếng Việt | English

07/07/2017 - 16:18

Tăng cường quản lý giết mổ và kinh doanh thịt heo

Giá heo liên tục giảm khiến nhiều hộ chăn nuôi gặp khó khăn. Không ít người tự “cứu” mình bằng cách đưa heo đến lò giết mổ rồi mang đến nơi đông người bán lẻ. Trước tình trạng này, ngành nông nghiệp cho biết, sẽ tăng cường quản lý giết mổ và kinh doanh thịt heo nhằm tránh những vấn đề phát sinh, phức tạp có thể xảy ra.

Những người bán lẻ “bất đắc dĩ”

Từ cuối năm 2016 đến nay, tình hình tiêu thụ heo thịt gặp nhiều khó khăn, giá heo thịt liên tục giảm mạnh, từ mức khoảng 5 triệu đồng/tạ xuống còn trên dưới 2,5 triệu đồng/tạ, khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Trong khi đó, giá heo thịt tại các chợ truyền thống, siêu thị hiện vẫn không giảm.

Các điểm bán thịt heo tự phát trên địa bàn TP.Tân An

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện một số hộ chăn nuôi heo tại các địa phương tự giải quyết đầu ra cho đàn heo của mình bằng cách giết mổ và tiêu thụ tại chỗ. Trên địa bàn tỉnh, ở nhiều địa phương: TP.Tân An, huyện Tân Trụ, Châu Thành,... có khá nhiều điểm bán thịt heo dọc các tuyến đường lớn hoặc bán di động trên xe ba gác, xe máy chạy trong xóm, ấp.

3 tháng nay, chị N.T.H, ngụ xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành trở thành tiểu thương “bất đắc dĩ” trên Đường tỉnh 827B, đoạn gần chân cầu Kỳ Son. Chị cho biết: “Nhà tôi cũng như những người thân nuôi rất nhiều heo thịt, nếu bán cho thương lái hoặc tiếp tục nuôi thì đều lỗ nặng. Do vậy, tôi bàn với gia đình, khi con heo nào đến lứa thì đem đến lò mổ và bán thịt cho bà con láng giềng hoặc khách vãng lai”. Theo chị H. tính toán, bình quân mỗi ngày, chị bán 2 con heo, mỗi con lãi được 400.000 đồng, nếu bán cho thương lái, mỗi con bình quân lỗ 1,3 triệu đồng”.

Tương tự, mỗi ngày chị M.T.X, ở xã Bình Tâm, TP.Tân An cũng mang 1 con heo đến lò giết mổ rồi tự bán thịt heo Đường tỉnh 827B, đoạn gần chân cống Bình Tâm bán. Theo chị X., “tôi bán được thịt nhờ giá rẻ so với ở chợ, cũng như các sạp thịt khác (sạp bán từ trước, khi chưa có tình trạng người dân mổ heo bán). Bình quân 1kg thịt nạc, thịt đùi chỉ ở mức 40.000 đồng, sườn non chỉ 80.000 đồng/kg, giò heo 50.000 đồng/kg,... Tuy nhiên, tình trạng người dân tự mổ heo bán khá nhiều nên có ngày, tôi bán chưa hết 1 con heo”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các điểm bán thịt heo tự phát như thế này, hầu như không phải mất một khoản lệ phí nào nên giá cả giữa các điểm này và giá ở chợ có chênh lệch là điều dễ hiểu.

Tăng cường quản lý

Có thể nói đến thời điểm này, số điểm bán thịt heo tự phát của nông dân rất nhiều và tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tại TP.Tân An, hiện có 30 điểm bán thịt heo tự phát, trong đó có 10 điểm không dấu kiểm soát giết mổ; tại huyện Châu Thành, có 31 điểm, trong đó có 4 điểm không dấu kiểm soát giết mổ;...

Ngoài các điểm bán tự phát, nhiều hộ chăn nuôi còn kinh doanh di động bằng cách chạy xe ba gác, xe máy trong xóm, ấp. Nói về tình trạng này, theo ngành nông nghiệp: Có nhiều hộ giết mổ heo tại nhà, không có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan Thú y, điểm bán sơ sài, không bảo đảm an toàn thực phẩm, cản trở giao thông và làm mất mỹ quan đường phố.

Ngoài ra, việc người chăn nuôi tự giết mổ heo tại nhà làm tăng nguy cơ phát sinh và lây lan các bệnh truyền nhiễm trên động vật, gây ô nhiễm môi trường,... Mặt khác, giá thịt heo chênh lệch giữa các điểm bán tự phát này với các tiểu thương trong chợ cũng sẽ phát sinh những điều không hay.

Với quan điểm chia sẻ khó khăn cũng như tạo điều kiện cho người chăn nuôi có đầu ra sản phẩm nhưng vẫn bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật, vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết, sở đề nghị UBND các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh trên động vật và bảo vệ môi trường; hướng dẫn người chăn nuôi, thương lái đưa gia súc vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung có sự kiểm soát của cơ quan Thú y nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các địa phương bố trí tạm thời các điểm phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người kinh doanh sản phẩm động vật nhưng phải bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm; sản phẩm động vật kinh doanh phải có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan Thú y. Hiện nay, ngành nông nghiệp phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức đoàn kiểm tra vừa vận động, nhắc nhở người dân giết mổ và kinh doanh sản phẩm động vật đúng nơi quy định, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích