Tiếng Việt | English

22/09/2022 - 14:28

Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm vì tầm vóc, trí tuệ người Việt

“Tăng cường vi chất dinh dưỡng (VCDD) vào thực phẩm” là nội dung quan trọng được quy định trong Nghị định số 09/2006/NĐ-CP, ngày 28/01/2016 của Chính phủ (Nghị định 09). Đây cũng là một trong những giải pháp được nhiều nước trên thế giới áp dụng nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt VCDD trong cơ thể, nhất là đối với các nhóm đối tượng nguy cơ: Bà mẹ có thai, cho con bú, trẻ dưới 5 tuổi, trẻ vị thành niên.

Tăng cường vi chất vào thực phẩm sẽ góp phần tạo ra một lực lượng dân số khỏe mạnh, thông minh

Tầm quan trọng của vi chất dinh dưỡng 

VCDD là các vitamin, khoáng chất hoặc chất vi lượng khác, đóng vai trò rất quan trọng và cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển và duy trì sự sống cho cơ thể con người. Thiếu VCDD được xem là “nạn đói tiềm ẩn” vì dấu hiệu không rõ ràng nhưng gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, sự phát triển thể chất, trí tuệ của con người, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh - Đoàn Thanh Chiến cho biết: “Các VCDD như I-ốt, sắt, kẽm, vitamin A,... rất cần thiết đối với cơ thể con người. Thiếu hụt I-ốt là nguyên nhân chính dẫn đến chậm phát triển trí tuệ ở trẻ em, bướu cổ sơ sinh, gây đẻ non, thai chết lưu, sảy thai ở phụ nữ. Thiếu sắt gây thiếu máu, làm tăng nguy cơ tử vong mẹ, phát triển thai nhi kém, suy yếu phát triển nhận thức, vận động ở trẻ em cũng như giảm năng suất lao động ở người lớn. Thiếu kẽm làm tăng tỷ lệ mắc tiêu chảy, nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và tử vong trẻ em. Thiếu vitamin A gây ra bệnh khô mắt, dẫn đến mù lòa,... Hậu quả của việc thiếu VCDD đối với sức khỏe con người là rất nghiêm trọng. Nó không biểu hiện nhanh chóng ra bên ngoài mà dần dần bào mòn sự phát triển trí tuệ và sự tăng trưởng của con người”.

Nhóm đối tượng bị tác động mạnh nhất bởi thiếu VCDD chính là phụ nữ và trẻ em, trong đó, những tổn thương do thiếu I-ốt gây ra như đần độn, thiểu năng trí tuệ không thể nào chữa được. Thiếu VCDD tạo ra gánh nặng quốc gia về sức khỏe và kinh tế. Do đó, để phòng ngừa hậu quả đối với sức khỏe của người dân thì việc giảm tình trạng thiếu VCDD bằng biện pháp tăng cường VCDD chủ động, thường xuyên và bền vững là rất cần thiết và các cơ sở sản xuất, kinh doanh VCDD, thực phẩm tăng cường VCDD phải thực hiện theo quy định tại Nghị định 09.

Chủ động đưa vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm 

Tăng cường VCDD vào thực phẩm là chủ động đưa thêm vào một lượng nhất định một số VCDD vào các loại thực phẩm thiết yếu. Đây là biện pháp đơn giản, thuận tiện, có hiệu quả, dễ đạt độ bao phủ cao và có tính bền vững. Với điều kiện KT - XH và mức thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam, tăng cường VCDD vào thực phẩm là giải pháp tối ưu nhất vì chi phí thấp, sử dụng thuận tiện.

“Tại Việt Nam, Chính phủ ban hành Nghị định quy định về tăng cường VCDD vào thực phẩm. Nghị định 09 có hiệu lực thi hành từ ngày 15-3-2016 và lộ trình bắt buộc áp dụng là sau 1 năm đối với muối tăng cường I-ốt (muối I-ốt) và 2 năm đối với dầu ăn tăng cường vitamin A (dầu ăn vitamin A) và bột mì tăng cường sắt, kẽm (bột mì sắt, kẽm). Nghị định 09 là một trong những giải pháp tích cực của Chính phủ nhằm khắc phục kịp thời các thiếu sót trong chính sách vĩ mô về tăng cường VCDD cho con người. Đây cũng chính là giải pháp có nhiều ưu điểm, được nhiều nước áp dụng, kể cả những nước tiên tiến và có nền khoa học tiến bộ” - ông Đoàn Thanh Chiến cho biết thêm.

Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là chủ động đưa thêm vào một lượng nhất định một số vi chất dinh dưỡng vào các loại thực phẩm thiết yếu

Tháng 12/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) kêu gọi Chính phủ Việt Nam và các cơ quan quản lý tăng cường thực hiện Nghị định 09 để “giải quyết vấn đề thiếu VCDD nghiêm trọng của người dân Việt Nam”, bởi Nghị định này phù hợp với các khuyến nghị quốc tế về ngăn ngừa và kiểm soát tình trạng thiếu VCDD cũng như cho thấy cam kết của Chính phủ trong lĩnh vực cải thiện sức khỏe nhân dân.

WHO đã khuyến cáo toàn bộ muối ăn được dùng trong gia đình hay chế biến thực phẩm đều cần được tăng cường I-ốt như là chiến lược hiệu quả và an toàn để phòng ngừa và kiểm soát các rối loạn do thiếu I-ốt gây ra. Việc sử dụng nguyên liệu đã được tăng cường vi chất trong chế biến thực phẩm vốn là một xu hướng toàn cầu, không gây ra tác động bất lợi nào lên thành phẩm cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tăng cường vi chất vào thực phẩm chắc chắn sẽ phải mất thêm chi phí, nhưng tất cả doanh nghiệp sẽ cạnh tranh với chi phí gia tăng giống nhau khi tăng cường VCDD vào thực phẩm. Quy định bắt buộc tăng cường VCDD vào thực phẩm là tạo ra công bằng cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Quy định này cũng cần yêu cầu cho tất cả sản phẩm liên quan nhập khẩu vào Việt Nam.

Tăng cường vi chất vào thực phẩm sẽ góp phần tạo ra một lực lượng dân số khỏe mạnh, thông minh, đóng góp nhiều lợi ích hơn cho xã hội và sự phát triển của quốc gia. Việc tăng cường thực thi các quy định của Chính phủ sẽ thúc đẩy phát triển tầm vóc, trí tuệ của người Việt và phù hợp chủ trương của Liên Hợp Quốc về Thập kỷ Hành động vì Dinh dưỡng. Để Nghị định 09 tiếp tục được thực thi có hiệu quả, các cấp, các ngành cần có giải pháp đưa Nghị định vào cuộc sống./.

Tác dụng, hiệu quả bảo vệ, cải thiện sức khỏe của VCDD:

- I-ốt là một thành phần quan trọng của hormone tuyến giáp, cần cho sự phát triển của cơ thể. Thiếu I-ốt sẽ bị bệnh bướu cổ, đần độn.

- Sắt rất cần thiết trong quá trình tạo huyết sắc tố. Thiếu máu dinh dưỡng là hiện tượng máu không đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để tạo huyết sắc tố, trong đó phổ biến nhất là thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt.

- Kẽm có vai trò quan trọng trong tăng trưởng chiều cao và chức phận miễn dịch. Thiếu kẽm làm trẻ chậm lớn, biếng ăn, giảm sức đề kháng hay mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu chảy, suy dinh dưỡng và chậm phát triển chiều cao. Thiếu kẽm còn gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần, làm dễ nổi cáu.

- Vitamin A có vai trò quan trọng đặc biệt đối với quá trình tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ các biểu mô giác mạc, da, niêm mạc. Thiếu vitamin A khiến trẻ chậm lớn, còi cọc, hay bị mắc các bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy, viêm đường hô hấp, thiếu nặng đưa đến khô loét giác mạc, dẫn đến mù lòa.

Sau khi triển khai quy định toàn dân sử dụng muối I-ốt và mọi loại muối ăn được I-ốt hóa từ năm 1999, kết quả điều tra năm 2005 cho thấy, tỷ lệ trẻ bị bướu cổ dưới 5%. Điều này cho phép Việt Nam tuyên bố đã thanh toán được tình trạng thiếu I-ốt. Hàm lượng VCDD tăng cường vào thực phẩm được tính toán trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đáp ứng khoảng 30% nhu cầu còn thiếu của cơ thể với lượng rất nhỏ (tính bằng microgam hoặc miligam), cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển và duy trì sự sống cho cơ thể con người.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có 3 giải pháp cơ bản tăng cường VCDD cải thiện sức khỏe người dân: 1. Tăng cường VCDD qua thực phẩm có giá thành chi phí thấp nhất, dễ sản xuất và dễ áp dụng cho cộng đồng. 2. Bổ sung vi chất dinh dưỡng bằng đường uống, có thể khắc phục bền vững tình trạng thiếu vi chất nhưng giá thành cao, rất khó khăn đối với người dân, nhất là dân nghèo, nếu không được nhà nước chi trả. 3. Bổ sung vi chất bằng đường uống hoặc tiêm, tuy có giá thành thấp hơn nhưng vẫn là mức chi phí lớn và không tiện lợi cho mọi người dân; đồng thời, phải có hệ thống triển khai được đào tạo về chuyên môn đồng bộ.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết


tổ yến thượng hạng tổ yến thượng hạngPhân Phối yến tinh chế DXNEST Nguyên Chất, Giá Tốt hydro whey zero canxi hỗ trợ tăng chiều cao cho trẻ Đồ ăn chó Thức ăn khô cho chó yến sào Lifenest hạt hạnh nhân Tìm hiểu sữa tươi phát triển trí não ago dad