Tiếng Việt | English

04/09/2018 - 17:29

Tăng thu nhập nhờ học nghề

Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) có những bước tiến mới. Đa số LĐNT sau đào tạo nghề có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Nghề đan giúp phụ nữ tại gia đình kiếm thêm thu nhập

Nghề đan giúp phụ nữ tại gia đình kiếm thêm thu nhập

Đào tạo nghề theo nhu cầu

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cần Đước (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) - Nguyễn Thị Kim Lành cho biết: “Năm 2018, thị trấn Cần Đước tổ chức lớp đào tạo nghề kỹ năng bán hàng cho 33 học viên là LĐNT trong 2 tháng. Sau học nghề, đa số học viên đều có việc làm, trong đó, nhiều học viên tự tạo việc làm”.

Chị Võ Thị Lánh (38 tuổi), ngụ thị trấn Cần Đước - một trong những học viên từng học lớp kỹ năng bán hàng, chia sẻ: “Tôi kinh doanh về ăn uống nên rất muốn tìm hiểu, học hỏi thêm về lĩnh vực này. Nhờ thị trấn mở lớp kỹ năng bán hàng mà tôi biết thêm nhiều kiến thức về kinh doanh, cách thức quảng bá cho quán ăn của mình và đặc biệt là những “chiêu” “níu chân” khách hàng. Hiện tôi áp dụng giao hàng tận nơi và tặng quà cho khách vào những dịp quan trọng. Nhờ vậy, quán ăn của tôi ngày càng đông khách”.

Bà Nguyễn Thị Kim Lành cho biết thêm: “Thị trấn đang phát triển mạnh về dịch vụ. Do đó, nghề kỹ năng bán hàng rất phù hợp với nhu cầu thực tế, giúp thu hút
khách hàng, đồng thời góp phần để địa phương xây dựng thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị gắn với xây dựng con người văn minh, lịch sự”.

Dựa theo nhu cầu, đối tượng người học, các địa phương tổ chức đào tạo nghề phù hợp. Theo đó, thanh niên học các nghề hàn, cắt gọt kim loại,...; lao động nữ tại hộ gia đình học nghề đan giỏ nhựa, làm hoa vải,... những người làm dịch vụ học lớp nấu ăn, bán hàng,... Ngoài ra, theo sự phát triển về nông nghiệp, các địa phương mở lớp đào tạo nghề: Kỹ thuật trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP ở các huyện: Châu Thành, Tân Trụ; kỹ thuật trồng chanh ở các huyện: Bến Lức, Đức Huệ; kỹ thuật trồng nấm rơm ở thị xã Kiến Tường, huyện Đức Huệ; kỹ thuật trồng rau an toàn ở các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc; kỹ thuật chăn nuôi bò thịt ở các huyện: Đức Hòa, Đức Huệ;...

Giúp lao động nông thôn cải thiện cuộc sống

Nhờ tham gia học nghề, nhiều LĐNT có việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống; đặc biệt là những phụ nữ có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để kiếm thêm thu nhập.

Gia đình thuộc diện hộ nghèo, chồng mất, chị Nguyễn Thị Chậm (32 tuổi), ngụ ấp Cá Tôm, xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, một mình nuôi 3 người con ăn học. Vì con còn nhỏ và đều học tiểu học nên chị phải đưa đón hàng ngày, sắp xếp thời gian đi làm rất khó khăn. Chị Chậm bộc bạch: “Cuộc sống gia đình nhiều khó khăn, đi làm công nhân cũng không được vì con còn nhỏ. May nhờ xã tổ chức lớp đan nhựa và tạo việc làm, tôi đăng ký học và có được cái nghề, có thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình”. Còn bà Lê Thị Ngọc Mai (58 tuổi), ngụ ấp Cá Tôm, xã Kiến Bình, cho biết: “Công việc này nhẹ nhàng, dễ làm và phù hợp với tôi. Một ngày, tôi có thể đan 10 cái giỏ, mỗi cái được hơn 5.000 đồng”.

Chị Nguyễn Thị Chậm cải thiện cuộc sống gia đình nhờ nghề đan giỏ

Chị Nguyễn Thị Chậm cải thiện cuộc sống gia đình nhờ nghề đan giỏ

Nhờ sự quan tâm, đổi mới trong đào tạo nghề cho LĐNT theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, đặc biệt là tạo điều kiện cho LĐNT tham gia học nghề theo nhu cầu thị trường lao động, LĐNT sau học nghề có việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống./.

Đến tháng 7/2018, toàn tỉnh đào tạo nghề cho trên 1.600 lao động nông thôn (LĐNT), trong đó, đào tạo nghề phi nông nghiệp cho trên 600 lao động, nghề nông nghiệp cho trên 1.000 lao động. Tỷ lệ LĐNT sau đào tạo nghề có việc làm hoặc tăng thu nhập đạt hơn 80%. Những tháng cuối năm 2018, tỉnh tiếp tục đào tạo nghề cho trên 3.313 LĐNT, trong đó, đào tạo nghề phi nông nghiệp cho trên 1.393 lao động, nghề nông nghiệp cho trên 1.920 lao động; tỷ lệ có việc làm sau đào tạo nghề đạt trên 80% so với số LĐNT được đào tạo.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết