Tiếng Việt | English

10/03/2020 - 14:45

Tăng thu nhập từ trồng mè

Hơn 1.300ha mè vụ Xuân Hè năm 2020 ở 2 huyện Tân Hưng và Vĩnh Hưng, tỉnh Long An trong giai đoạn đẻ nhánh, ra hoa. Nông dân đang tích cực chăm sóc, hứa hẹn vụ mùa bội thu.

Nông dân tích cực chăm sóc cây mè

Thời gian qua, bên cạnh cây lúa, nông dân ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh như Tân Hưng, Vĩnh Hưng còn trồng xen canh thêm các loại rau màu khác để cải tạo đất và tăng thu nhập. Trong đó, việc trồng xen canh cây mè giữa 2 vụ lúa được nhiều nông dân chú trọng áp dụng và bước đầu cho thấy hiệu quả khá.

Trong vụ mè Xuân Hè năm 2020 này, nông dân trên địa bàn huyệnTân Hưng xuống giống được gần 800ha, tập trung chủ yếu ở các xã biên giới Hưng Hà, Hưng Điền, Hưng Điền B. Hiện số diện tích mè phát triển tốt, đang ở giai đoạn cây con, đẻ nhánh và ra hoa, nông dân tích cực chăm sóc để mè cho năng suất cao khi thu hoạch.

Anh Nguyễn Văn Anh, ngụ xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng cho biết, nhờ thời tiết thuận lợi, giá mè ở mức cao nên vụ sản xuất mè vừa qua, gia đình anh có lợi nhuận khá, hơn 25 triệu đồng/ha. Trong vụ Xuân Hè này, gia đình anh tiếp tục xuống giống 4ha (giống mè đen) đến nay được hơn 40 ngày tuổi. Nhờ thời tiết thuận lợi nên cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, mè trong giai đoạn trổ hoa nên anh tích cực chăm sóc, dự kiến cho thu hoạch vào đầu tháng 4 tới.

Còn tại huyện Vĩnh Hưng, nông dân đã xuống giống hơn 530ha mè vụ Xuân Hè, tập trung nhiều ở các xã Khánh Hưng, Hưng Điền A, Thái Trị và Thái Bình Trung. Hiện có khoảng 100ha chuẩn bị thu hoạch, số diện tích còn lại trong giai đoạn đẻ nhánh, ra hoa.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Hưng - Nguyễn Văn Cang cho biết: Những năm qua, mô hình xen canh “2 vụ lúa, 1 vụ màu” được nhiều nông dân trên địa bàn thực hiện, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên cùng diện tích. Trong đó, cây mè là một trong những loại cây trồng được nông dân ưa chuộng, hiệu quả kinh tế mang lại khá hơn so với nhiều loại cây trồng khác.

Cần có hướng ổn định đầu ra, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật canh tác cây mè

Theo nhiều hộ dân trồng mè cho biết, cây mè phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương, nhất là những diện tích đất cát, chịu hạn tốt, có thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất cao, rất thích hợp cho việc trồng xen canh giúp diệt cỏ dại, cải tạo đồng ruộng, tăng thêm độ màu mỡ cho đất. Tuy nhiên, thời gian qua, đầu ra sản phẩm mè không ổn định, nông dân trồng mè chủ yếu tự tìm thương lái để bán nên hiệu quả sản xuất không cao.

Để cây mè phát triển bền vững, thời gian tới, chính quyền địa phương, các ngành chức năng cần quan tâm nhiều hơn, có hướng liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra cho cây mè. Đồng thời, cần tiếp tục hỗ trợ nông dân về kỹ thuật canh tác cây mè, cũng như đầu tư nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng, để bảo đảm đủ nước tưới tiêu cho cây mè phát triển vào thời điểm khô hạn, giúp người dân mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích mè, góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích