Tiếng Việt | English

08/08/2023 - 09:31

Tạo chỗ đứng trên thị trường cho sản phẩm OCOP

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn của tỉnh Long An theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Bên cạnh việc phát triển thêm nhiều sản phẩm OCOP mới, các ngành chức năng cùng các chủ thể đang tập trung nâng cao chất lượng của các sản phẩm đã được chứng nhận và tạo chỗ đứng cho những sản phẩm này trên thị trường.

Nâng tầm nông sản địa phương

Thời gian qua, các sản phẩm OCOP của tỉnh không ngừng nâng cao giá trị thương hiệu, dần khẳng định vị trí và giá trị đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, nhiều sản phẩm đã có thị trường tiêu thụ ổn định, một số có thị trường xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là động lực để các chủ thể sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển sản phẩm của mình thành sản phẩm OCOP.

Năm 2020, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thuận Mỹ (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) chuyển từ 0,1ha đất trồng thanh long sang trồng dưa lưới với kinh phí đầu tư ban đầu là 450 triệu đồng để làm nhà lưới, hệ thống tưới thông minh, mua cây giống, phân bón,...

Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Mỹ - Nguyễn Hồng Quang cho biết: “Nhận thấy cây thanh long không còn mang lợi nhuận ổn định như những năm trước đây, do đó, tôi quyết định trồng thử nghiệm 0,1ha dưa lưới TL3. Công nghệ trồng dưa lưới được tôi học từ các mô hình trong và ngoài tỉnh, nhất là được một doanh nghiệp chuyển giao khoa học - kỹ thuật.

Tuy nhiên, thời gian đầu, do chưa nắm được kỹ thuật, quy trình sản xuất nên năng suất, chất lượng trái không đạt yêu cầu, trong khi đó, thị trường tiêu thụ giống dưa lưới TL3 đã bị bão hòa, khó mở rộng. Vì thế, tôi quyết định chuyển sang trồng giống dưa lưới Hạ Uyển. Giống này cho trái rất to từ 1,8-2kg/trái, năng suất ước đạt 6 tấn/0,1ha, khi chín có độ giòn, vị ngọt thanh”.

Hiện Hợp tác xã Nông nghiệp Thuận Mỹ (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) trồng 0,5ha dưa lưới

Bên cạnh việc chuyển đổi cây trồng, HTX Nông nghiệp Thuận Mỹ còn chú trọng đến sản xuất sạch. HTX thường sử dụng các chế phẩm sinh học từ tinh dầu sả để phòng, trừ các loại sinh vật gây hại cho dưa lưới. Sau khi thu hoạch, HTX tận dụng dây, lá dưa lưới ủ thành phân hữu cơ để bón cho cây thanh long.

Nhận thấy mô hình trồng dưa lưới đem về lợi nhuận cao, ông Quang mở rộng mô hình trồng trọt lên 0,5ha và mạnh dạn xây dựng sản phẩm dưa lưới đạt chuẩn OCOP. Đây là cách HTX xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản; đồng thời, cùng địa phương thực hiện Chương trình OCOP.

Bà Lê Thị Huệ - chủ Cơ sở Lạp xưởng Kim Huệ (khu phố 1, thị trấn Tầm Vu), không ngừng nâng chất 2 sản phẩm lạp xưởng và nem nướng đạt chuẩn OCOP 3 sao của cơ sở. Bởi đối với gia đình bà, việc làm lạp xưởng heo, nem nướng không đơn thuần là kinh doanh mà còn là cách giữ nghề truyền thống.

Nguyên liệu để làm 2 món này được bà Huệ chọn rất cẩn thận; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất sạch, tuyệt đối không sử dụng phẩm màu, hóa chất. Ngoài ra, để khẳng định được thương hiệu, bà Huệ còn có “bí quyết” riêng là dùng rượu gia truyền để ướp cho lạp xưởng.

Bà Lê Thị Huệ - chủ Cơ sở Lạp xưởng Kim Huệ (khu phố 1, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) luôn quan tâm nâng chất các sản phẩm đạt chuẩn OCOP

Bà Huệ chia sẻ: “Trước đây, các sản phẩm của cơ sở chủ yếu bán tại chỗ. Từ ngày được UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, các sản phẩm của cơ sở đã có mặt ở các siêu thị, cửa hàng, triển lãm, hội chợ trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, nhiều mặt hàng thực phẩm khác trên thị trường tiêu thụ khó, còn lạp xưởng và nem nướng của cơ sở thì vẫn bảo đảm đầu ra ổn định nhờ vào chất lượng của mình”.

Cà na là loại cây dễ trồng, làm được nhiều món như cà na ngâm đường, cà na đập giập trộn muối ớt,... Vì vậy, bà Trần Thị Ngọc Lan - chủ Cơ sở Chế biến thực phẩm Ngọc Lan (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng), quyết định nâng tầm sản vật địa phương thành sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao với 2 sản phẩm: Cà na sấy dẻo và cà na ngâm đường.

Bà Lan bộc bạch: “Ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, có rất nhiều gia đình trồng cà na để ăn hoặc làm quà biếu người thân, bạn bè. Thế nên, nguồn nguyên liệu để làm các món này rất dễ tìm, chi phí sản xuất thấp. Để làm ra sản phẩm cà na sấy dẻo và cà na ngâm đường phải trải qua nhiều công đoạn, trong đó, quan trọng nhất là công đoạn ướp cà na. Theo đó, cà na cần được ướp cho thấm gia vị, loại bỏ hết vị chua và chát của trái cà na nhưng phải giữ được mùi vị đặc trưng”.

Cơ sở Chế biến thực phẩm Ngọc Lan (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng) hiện có 11 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao

Được biết, hiện nay, Cơ sở Chế biến thực phẩm Ngọc Lan có 11 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao như nước sốt me xào chua ngọt, tắc xí muội, chanh muối, muối tiêu, muối ớt, cà na sấy dẻo,... Từ khi các sản phẩm này đạt chuẩn OCOP, thị trường tiêu thụ các sản phẩm không chỉ trong nước mà còn phát triển ra ngoài nước. Điều này càng khẳng định thương hiệu của các sản phẩm đạt chuẩn OCOP dần chiếm lĩnh được các thị trường khó tính.

Kết nối, đưa các sản phẩm OCOP ra thị trường

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ khi triển khai chương trình đến nay, tỉnh hỗ trợ xây dựng rất nhiều sản phẩm OCOP và đã đánh giá, phân hạng, công nhận 86 sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 30 sản phẩm đạt 4 sao và 56 sản phẩm đạt 3 sao. Tiếp nối những kết quả trên, tỉnh đang tích cực triển khai xây dựng sản phẩm OCOP mới, tập trung vào các nhóm sản phẩm đặc sản của địa phương như nhóm thực phẩm chế biến từ thủy sản, nhóm sản phẩm từ gạo, nhóm dược liệu và thảo dược, nhóm thủ công mỹ nghệ trang trí,...

Đánh giá về tiềm năng của các sản phẩm OCOP, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) - Phạm Văn Phong cho biết: Tỉnh hội tụ đủ những điều kiện về tự nhiên, văn hóa và con người cho sự phát triển các sản phẩm đặc trưng của nông nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống, các sản phẩm đặc trưng của địa phương được thị trường đón nhận.

Thông qua các chương trình kết nối giao thương, hội chợ thương mại, các sản phẩm OCOP của Công ty Cổ phần Thực phẩm HG được nhiều người tiêu dùng biết đến

Nhằm kết nối thị trường cho sản phẩm OCOP, ngành Công Thương phối hợp các ngành liên quan tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các hội chợ triển lãm, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Theo Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm HG (xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) - Dương Thị Trúc Giang, công ty thường xuyên được các sở, ngành của tỉnh hỗ trợ tham gia các chương trình kết nối giao thương. Thông qua các sự kiện, sản phẩm OCOP của đơn vị đã được nhiều người tiêu dùng biết đến. Hệ thống phân phối sản phẩm cũng được mở rộng ra nhiều địa phương trên cả nước.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: Ngành Nông nghiệp tỉnh đang tập trung phối hợp các sở, ngành liên quan hỗ trợ về bao bì, logo, tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP và những sản phẩm tiềm năng để đạt tiêu chuẩn OCOP; đồng thời, rà soát, hỗ trợ máy móc, trang thiết bị cho các chủ thể tham gia chương trình và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực quản lý thực hiện chương trình cho các địa phương.

Với các chính sách hỗ trợ của các cấp, các ngành, sự tích cực của cơ quan quản lý và đặc biệt là sự nỗ lực của cơ sở sản xuất, kinh doanh, tin tưởng rằng, các sản phẩm OCOP của tỉnh sẽ dần khẳng định mình trên thị trường. Qua đó, hình thành được các mối liên kết, các kênh tiêu thụ nông sản ổn định, góp phần gia tăng giá trị của sản phẩm./.

Lê Ngọc - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết