Tiếng Việt | English

08/09/2017 - 09:54

Tạo cơ chế hấp dẫn thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Hiện mới chỉ có gần 1% tổng số doanh nghiệp cả nước đầu tư vào nông nghiệp do đó cần tạo cơ chế chính sách hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

Thu hoạch nông sản tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: (Tràng Dương/TTXVN)

Nghị định 210/2013 NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã có hiệu lực từ đầu năm 2014 nhưng đến nay mới chỉ có gần 1% tổng số doanh nghiệp cả nước đầu tư vào nông nghiệp.

Trong khi đó, hiện nay ngành nông nghiệp đang thực hiện tái cơ cấu và lấy doanh nghiệp làm nòng cốt phát triển. Do đó, Chính phủ đã yêu cầu các ban ngành rà soát sửa đổi Nghị định 210 nhằm tạo cơ chế hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp vào lĩnh vực này.

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp.

Nhiều bất cập

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, qua 4 năm thực hiện Nghị định 210 đã góp phần tăng nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; phát triển thị trường tiêu thụ nông sản; thúc đẩy công nghệ sản xuất và liên kết giữa các thành phần kinh tế ở nông thôn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thẳng thắn đánh giá kết quả thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất hạn chế. Điển hình là tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp vẫn chậm hơn so với doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác.

Tính đến tháng 9/2016 chỉ có 4.424 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, chiếm dưới 1% tổng số doanh nghiệp cả nước. Trong năm 2015, số doanh nghiệp ngành nông nghiệp ngừng hoạt động và giải thể là 2.019 doanh nghiệp, cao hơn 11,3% so với doanh nghiệp thành lập mới.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, quy mô của doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu là nhỏ và vừa với quy mô vốn phần lớn (chiếm khoảng 55%) ở mức dưới 5 tỷ đồng thậm chí còn có tới gồm 50% doanh nghiệp ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản có quy mô siêu nhỏ (dưới 10 lao động).

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam cũng thừa nhận, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp còn yếu kém về năng lực liên kết với nông dân, với các đối tác. 

Thu hoạch rau tại hợp tác xã Xuân Hương (Đà Lạt). (Ảnh: Phạm Kha/TTXVN)

“Khả năng tìm kiếm và tiếp cận thông tin thị trường của doanh nghiệp còn thiếu thông tin về các rào cản kỹ thuật, các quy định thương mại quốc tế. Khả năng ứng dụng khoa học công nghệ của doanh nghiệp nông lâm ngư nghiệp còn thấp, 75% doanh nghiệp đang sử dụng máy móc hết khấu hao, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa thoát khỏi những máy móc có công nghệ lạc hậu 2 - 3 thế hệ,” ông Nguyễn Trí Ngọc nói.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc đánh giá, xem xét sửa đổi Nghị định 210/2013/NĐ-CP và xây dựng một khung chính sách mới để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn thu hút đầu tư cho nông nghiệp nông thôn Việt Nam là rất cần thiết.

Giảm cơ chế “xin-cho”

Việc sửa đổi Nghị định 210 cũng đã được Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phải làm sao rà soát chỉnh sửa để Nghị định này hấp dẫn có tính khả thi cao, phù hợp hội nhập, tình hình kinh tế, đủ hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp vào lĩnh vực này. Đặc biệt, Nghị định sửa đổi cần tập trung đột phá, hướng tới sản xuất và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Theo đó các chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng, muốn thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, điều quan trọng nhất là tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng thay vì cơ chế hỗ trợ “xin-cho.”

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chuyên gia kinh tế hàng đầu cũng cho rằng, cần xây dựng chính sách để giảm cơ chế “xin-cho,” tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, khuyến khích đầu tư, giảm thủ tục hành chính.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cũng đề nghị các đơn vị cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa về các thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo cả 3 hướng: tiếp tục giảm các thủ tục hành chính, giảm chi phí thực hiện và giảm thời gian thực hiện.

Đồng quan điểm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cũng cho rằng, một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị định sửa đổi là phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện môi trường cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi khi đầu tư nông nghiệp.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, môi trường ở đây là chính sách và cơ chế để cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có một quy mô đất sạch tối thiểu, đồng thời có một cơ chế là chính để doanh nghiệp cùng với bà con nông dân tập trung tích tụ đất đai.

“Như thế cũng không hẳn nhà nước hỗ trợ bằng tiền cho doanh nghiệp đi mua đất của người nông dân, mà đây chính là cơ chế để cho doanh nghiệp và nông dân cùng có lợi, cùng hợp tác với nhau để góp đất, tạo ra quỹ đất lớn hơn cho việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới,” Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng cho rằng, với những thay đổi mới về cơ chế chính sách Nghị định sửa đổi hứa hẹn sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực nhằm tạo động lực thật sự để mọi người có thể quan tâm đầu tư vào nông nghiệp. Nhưng sự hấp dẫn này có đạt được những kỳ vọng hay không, hy vọng ở những mức độ khác nhau thì sẽ có những tác động tích cực với sự tham gia của các doanh nghiệp, chính sách tốt hơn thì sức hấp dẫn và mối quan tâm sẽ lớn hơn./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết