Đồng hành với người yếu thế
Thời gian qua, các hội viên (HV) Hội Người mù được các cấp, các ngành quan tâm chăm lo, sẻ chia, từ đó có thêm nghị lực vượt qua mặc cảm để vươn lên ổn định cuộc sống. Trong đó, công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho người mù luôn được quan tâm.
Chủ tịch Hội Người mù tỉnh - Trịnh Văn Đực cho biết: “Toàn tỉnh có 918 HV Hội Người mù. Thời gian qua, ngoài vận động các nhà hảo tâm thường xuyên tặng quà cho HV, người mù vào mỗi dịp lễ, tết, Hội Người mù các cấp còn quan tâm tạo điều kiện cho các HV học nghề như đánh máy vi tính, xe nhang, đàn, dệt chiếu, xoa bóp, bấm huyệt,... Trong tất cả các nghề thì nghề xoa bóp, bấm huyệt được duy trì hoạt động hiệu quả nhiều năm qua và giúp người mù có cuộc sống ổn định. Đến nay, các cấp Hội duy trì được 10 cơ sở xông hơi - xoa bóp, giải quyết việc làm cho hơn 90 lao động là HV, người mù. Thời gian tới, Hội tiếp tục truyền nghề này cho các HV khi có nhu cầu”.
Nhờ nghề xoa bóp, bấm huyệt, nhiều hội viên Hội Người mù có thu nhập ổn định
Đặc biệt, từ sự hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Hội tạo điều kiện cho HV vay vốn sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Năm 2024, các cấp Hội duy trì và quản lý vốn vay với số tiền hơn 1,7 tỉ đồng từ nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương và địa phương, giải quyết cho 65 cán bộ, HV vay để phát triển kinh tế gia đình.
Trong năm, Tỉnh Hội tổ chức 2 đợt kiểm tra và nhận thấy đa số HV vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Các HV vay vốn kết hợp cùng gia đình nuôi trâu, bò, dê, heo, gà, vịt, tôm, cá, trồng lúa và buôn bán nhỏ. Điều đáng phấn khởi là từ khi thực hiện chương trình hỗ trợ vốn vay cho đến nay chưa có trường hợp nợ quá hạn.
Vượt lên số phận
Với sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng sự kiên trì, ý chí quyết tâm vượt lên số phận, nhiều HV người mù đã không ngừng học tập, nỗ lực tìm công việc phù hợp để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Điển hình như Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh - Lý Hoài Phương. Sinh ra là một đứa trẻ bình thường, sau cơn sốt cao năm 12 tuổi khiến anh Phương dần mất đi khả năng nhìn và bị khuyết tật từ đó.
Với bản tính cần cù, nghị lực vượt khó và khát khao được làm việc để khẳng định bản thân, anh quyết định theo học nghề xoa bóp, bấm huyệt khi đủ 18 tuổi. Sau đó, anh vừa đi làm, vừa học nghề đánh máy vi tính tại một trường đại học ở TP.HCM. Năm 2017, anh mở cơ sở xoa bóp khiếm thị tại xã Hòa Phú, huyện Châu Thành. “Trước đây, tôi tự ti và mặc cảm. Nhưng từ khi lập gia đình và có việc làm ổn định, tôi có thêm niềm tin, nghị lực và cảm thấy cuộc đời thật đáng sống” - anh Phương chia sẻ.
Đồng cảnh ngộ anh Phương là chị Nguyễn Thị Nghiếm (phường 2, TP.Tân An). Năm khoảng 6 tuổi, chị Nghiếm bị sốt cao dẫn đến mù 2 mắt. Từ đó về sau, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Vượt qua mặc cảm, năm 12 tuổi, chị tham gia học chữ nổi ở TP.HCM. Sau này, chị tham gia dạy chữ nổi cho các HV cùng cảnh ngộ tại Hội Người mù tỉnh. Vốn ham học hỏi nên ngoài học chữ, chị còn học các nghề khác với mong muốn có được việc làm và thu nhập ổn định.
Chị Nghiếm chia sẻ: “Trải qua nhiều nghề khác nhau nhưng tôi thấy nghề xoa bóp, bấm huyệt là thích hợp với người mù, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nghề này giúp nhiều người mù có cuộc sống đỡ vất vả hơn và không phải phụ thuộc vào người thân”.
Nghề xoa bóp, bấm huyệt giúp anh Nguyễn Ngọc Mừng (xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc) đủ trang trải cuộc sống hàng ngày
Cũng như các HV khác, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Hội Người mù tỉnh, sự chia sẻ của các anh chị em trong Hội mà anh Nguyễn Ngọc Mừng (xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc) từng bước hòa nhập cộng đồng. “Nghề xoa bóp, bấm huyệt không khó đối với người mù. Nghề này không chỉ giúp tôi có cơ hội tiếp xúc với xã hội mà còn có thu nhập từ 2-3,5 triệu đồng/tháng. Số tiền này đủ trang trải trong cuộc sống gia đình hàng ngày” - anh Mừng bày tỏ.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
NKT còn nhận được sự sẻ chia, đồng hành của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong hành trình vượt qua khó khăn. Nhiều năm qua, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh không chỉ thực hiện tốt chức năng chăm sóc, điều trị cho người tâm thần mà còn tạo điều kiện cho người bệnh tâm thần nhẹ học nghề đan giỏ nhựa.
Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, phụ trách Phòng Dạy nghề - Lao động trị liệu - Nguyễn Thị Liên cho biết: “Được doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào và bao tiêu đầu ra nên việc dạy nghề của Trung tâm ổn định. Mỗi ngày có 25-30 người học nghề, lao động để cải thiện sức khỏe và có thu nhập. Từ đó, mở ra cho NKT những hy vọng về cuộc sống mới với khả năng tự chủ, từng bước tái hòa nhập cộng đồng”.
Nghề đan giỏ nhựa giúp người khuyết tật học nghề, lao động để cải thiện sức khỏe và có thu nhập
Được biết, ban ngày, những người bệnh tham gia học nghề, lao động, tối về họ ngủ ngon hơn. Tình trạng bệnh nhân la hét, quậy phá vào ban đêm cũng giảm nhiều. Nhiều bệnh nhân tiếp thu nhanh, có khả năng tự làm ra sản phẩm, trung bình 1 người có thể đan 3 giỏ/ngày, thu nhập vài trăm ngàn đồng/tháng.
Anh Phạm Quốc Tuấn tâm sự: “Ở đây, tôi được cán bộ quản lý và anh chị em quan tâm giúp đỡ nên cảm thấy rất vui. Đan giỏ nhựa giúp tôi vừa cải thiện sức khỏe, thoải mái về tinh thần và có thêm ít thu nhập để chi tiêu”.
Cùng với các cấp, các ngành, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tỉnh cũng quan tâm chăm lo đời sống cho phụ nữ khuyết tật với nhiều hoạt động thiết thực. Hiện toàn tỉnh có 14.048 phụ nữ khuyết tật. Trong đó có 2.205 người được hưởng trợ cấp theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, ngày 15/3/2021 của Chính phủ.
Thời gian qua, ngoài quan tâm thăm hỏi, tặng quà, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong tỉnh còn triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khuyết tật vay vốn, tổ chức các nhóm tín dụng - tiết kiệm. Các cấp Hội còn tạo điều kiện thuận lợi cho HV, phụ nữ khuyết tật tham gia các chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo; khai thác nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp đầu tư vào các hoạt động nhằm tăng thu nhập, phù hợp với sức khỏe NKT như chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, bán vé số,...
Với nhiều chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm hỗ trợ việc làm cùng sự chung tay, góp sức của toàn xã hội dành cho những đối tượng yếu thế trong xã hội đã góp phần giúp họ vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống. Nhiều người còn trở thành tấm gương sáng, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội, tạo động lực cho những NKT khác nỗ lực vươn lên, ổn định cuộc sống./.
Ngọc Mận