Nông dân gặp khó trong vận chuyển và thu hoạch lúa Hè Thu
Giá lúa giảm mạnh
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nông dân bị thương lái hạ giá thu mua từ 400-500 đồng/kg so với giá đã đặt cọc trước đó. Vừa bán xong 1,5ha lúa HT (giống OM 18), anh Nguyễn Tấn Lợi, ngụ xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường, bộc bạch: “Theo hợp đồng ban đầu giá lúa 6.000 đồng/kg nhưng đến ngày thu hoạch, thương lái nói việc vận chuyển khó khăn; đồng thời, một số doanh nghiệp chậm thu mua lúa gạo nên đề nghị người dân giảm giá xuống còn 5.500-5.600 đồng/kg. Chia sẻ khó khăn với thương lái, chúng tôi cũng chấp nhận”.
Còn tại xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa, nhiều nông dân trên địa bàn xã đang bước vào thu hoạch lúa HT. Dù năng suất vẫn đạt nhưng giá lúa thấp hơn từ 500-1.200 đồng/kg so cùng kỳ. Ông Nguyễn Văn Cân, ngụ xã Tân Thành, cho biết, vụ HT năm nay tương đối thuận lợi; tuy nhiên, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng, cộng thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hiện tại giá lúa không cao. Do đó, nông dân không có lợi nhuận nhiều.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vụ lúa HT năm 2021, toàn tỉnh gieo sạ trên 221.120ha, trong đó thu hoạch gần 130.600ha, năng suất khô ước đạt 50,7 tạ/ha, sản lượng 663.088 tấn; diện tích còn lại chủ yếu tập trung ở huyện Mộc Hóa và Thạnh Hóa.
Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các tỉnh, thành phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội nên việc thu mua và vận chuyển lúa của thương lái gặp nhiều khó khăn, trong khi đó thương lái thu mua lúa chủ yếu là ở các địa phương khác đến. Do đó, giá lúa HT năm 2021 xuống rất thấp, thậm chí có một số thương lái còn hủy hợp đồng làm nông dân điêu đứng.
Tạo điều kiện thuận lợi
Qua ghi nhận thực tế, dù các huyện, thị xã khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh đang siết chặt việc kiểm tra người dân ra đường, thành lập nhiều chốt kiểm soát nhưng việc thu hoạch lúa đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi. Ông Trần Văn Yên, chủ máy gặt đập liên hợp tại xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, cho biết: “Chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi ra đồng thu hoạch lúa. Đồng thời, thường xuyên nhắc nhở đội ngũ nhân công thu hoạch lúa thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả”.
Theo Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng - Lê Quốc Bổn, ngành Nông nghiệp huyện đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức lập danh sách các chủ máy gặt đập liên hợp, máy cày, người thu mua lúa và nhân công phục vụ việc thu hoạch, cày xới; nắm danh sách thương lái trên địa bàn các xã và từ nơi khác đến để thu mua lúa. Trên cơ sở đó, địa phương yêu cầu các lực lượng này phải thực hiện xét nghiệm tầm soát Covid-19, nếu âm tính thì mới cho hoạt động.
“Trong quá trình hoạt động, các chủ máy cắt và nhân công lao động phải thực hiện đúng quy định về giãn cách xã hội, thực hiện tốt thông điệp “5K”. Các xã, thị trấn chịu trách nhiệm giám sát và cập nhật số liệu thường xuyên gửi về UBND huyện; đồng thời, phối hợp Trung tâm Y tế huyện, trạm y tế xã cho sàng lọc, xét nghiệm Covid-19 các trường hợp này định kỳ” - ông Bổn cho biết.
Tại thị xã Kiến Tường, ngay từ đầu vụ, ngành Nông nghiệp thị xã cùng các xã, phường có diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch tiến hành rà soát lại những máy gặt đập liên hợp để lên danh sách. Đồng thời, các xã, phường thành lập các tổ để cấp giấy xác nhận cho lực lượng thu hoạch lúa, trên giấy xác nhận sẽ ghi rõ nơi đi và nơi đến. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã Kiến Tường - Bùi Văn Ê thông tin: “Địa phương cho lực lượng tham gia thu hoạch lúa cam kết khai báo y tế, quản lý bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Mặt khác, lực lượng này khi cần thiết phải hỗ trợ những vùng thiếu máy móc và nhân công để bảo đảm thu hoạch lúa được thông suốt và đúng tiến độ”.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Các địa phương cần chủ động, linh hoạt về thủ tục để tạo điều kiện cho thương lái thu mua, vận chuyển nông sản cho người dân. Đối với các trường hợp thiếu nhân công lao động, máy móc thu hoạch lúa thì ngành Nông nghiệp huyện phải tham mưu ngay cho UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn ký giấy xác nhận để người dân địa phương đi lại thuận tiện; tích cực hỗ trợ các hợp tác xã, thương lái đăng ký xe "luồng xanh" trong vận chuyển, thu mua nông sản,... Quyết tâm không để việc thu mua, vận chuyển nông sản bị đứt đoạn, ảnh hưởng đến đời sống và thu nhập của người dân”./.
Hiện nay, lúa IR50404 từ 4.300-5.000 đồng/kg (giảm 500-700 đồng/kg), OM 5451 từ 4.600-5.500 đồng/kg (giảm 500-600 đồng/kg), Đài thơm 8 từ 5.900-6.100 đồng/kg (giảm 200 đồng/kg), ST24 từ 5.800-6.600 đồng/kg (giảm 200-600 đồng/kg); nếp từ 4.200-4.800 đồng/kg (giảm 500-700 đồng/kg). |
Bùi Tùng