Tiếng Việt | English

31/10/2020 - 09:20

Tạo hình rồng, phụng cho ngày cưới - Nét duyên của thời hiện đại

Những chiếc cổng cưới được trang trí cầu kỳ bằng lá dừa nước, cây chuối, đủng đỉnh luôn có sức hấp dẫn đặc biệt giữa nhịp sống hiện đại. Ở đó, vừa có chút nét hoài cổ, vừa có sự sang trọng lẫn trong bình dị của quê nhà. Sau này, khi dịch vụ cổng hoa phát triển mạnh mẽ, ngày càng đa dạng mẫu mã và giá thành cạnh tranh thì những chiếc cổng cưới bằng lá dừa nước do anh em, họ hàng làm giúp cũng dần vắng bóng. Những tưởng rằng tất cả chỉ còn là ký ức nhưng không, khi cuộc sống càng quay vội vã thì người ta lại có xu hướng chậm lại và tìm về những giá trị tốt đẹp của ngày xưa. Cổng cưới lá dừa, rồng, phụng được hồi sinh.

Chút duyên hoài cổ

Từ ngày nhỏ, anh Đoàn Thành Trung (xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa) đã được theo ông nội, cha đi làm cổng cưới lá dừa cho bà con, hàng xóm. Sau này, khi dịch vụ cổng hoa phát triển, người nhà anh Trung cũng không còn kỳ công làm cổng lá dừa mừng chuyện hỷ như xưa nữa. Nhưng anh Trung thì vẫn nhớ. Vì nhớ nên anh tìm học. Ban đầu là học cách làm cổng lá dừa từ gia đình rồi anh mày mò học cách làm cổng rồng, phụng trên Internet và tìm kiếm, kết bạn với những người cùng sở thích.

Để có được một chiếc cổng cưới rồng - phụng cỡ vừa thì cả đội của anh Đoàn Thành Trung phải làm việc liên tục 1,5 ngày

Ban đầu, anh Trung làm tặng bạn bè, những chiếc cổng hoa bằng vật liệu dân dã, những cặp rồng - phụng được kết cầu kỳ bằng hoa và trái cây chẳng mấy chốc thu hút sự chú ý của mọi người. Những vạt lá dừa nước non xanh, những cây “cà bắp” (đọt dừa nước) vàng ươm, ớt chín còn lẫn màu xanh đỏ, những quả cau nho nhỏ vừa tay, những nhánh cau non, trái đậu đũa hay dừa nước, tai khóm,... qua bàn tay khéo léo sẽ trở thành rồng, phụng sum vầy, vừa sang trọng, vừa dân dã lại đậm chất truyền thống và hết sức “miền Tây”.

Anh Trung kể, anh làm dịch vụ cổng cưới rồng - phụng từ năm 2014 đến nay và giá của dịch vụ này so với cổng cưới hoa giả thì cao hơn khá nhiều. Tuy nhiên, cũng có không ít người lựa chọn. Có lẽ, những giá trị tốt đẹp của truyền thống đang dần được quan tâm trở lại. Ông Võ Minh Sơn (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) cũng làm hẳn bộ cổng rồng - phụng cho ngày trọng đại của con trai. Ông vui vẻ nói: “Gia đình tôi làm cổng cưới rồng - phụng và trang trí rồng, phụng trên bàn thờ gia tiên nữa. Dịch vụ này có thể giá hơi cao nhưng xứng đáng với sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ. Cặp cổng từ lúc mới thành hình đã được bà con quanh đây trầm trồ khen ngợi”.

Không chỉ tạo hình rồng, phụng trên cổng cưới, những người thợ khéo tay còn làm cả mâm quả, bàn gia tiên hình rồng, phụng. Từ những vật dụng giản đơn, bình dị, qua bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, người thợ tạo hình nên những cặp rồng - phụng sinh động, đẹp mắt và sang trọng. Cùng gọi là cổng cưới rồng - phụng nhưng mỗi cổng có một đặc điểm riêng không lẫn vào đâu được, tùy thuộc vào kích cỡ, kiểu dáng và cả vật liệu tạo hình nên cổng cưới.

Tỉ mỉ từng chi tiết

Chị Nguyễn Thị Thu Thiệt (thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa), người chuyên thực hiện dịch vụ mâm quả hình rồng, phụng, cho biết, khâu chọn nguyên liệu để tạo hình rồng, phụng hết sức quan trọng. Vì mỗi trái ớt, tai khóm đều phải chọn cẩn thận cho phù hợp, không thể tùy tiện. Chị Thiệt nói: “Hôm nào tôi nhận làm rồng, phụng trang trí mâm quả thì sáng phải dậy thật sớm ra chợ lựa từng trái ớt, trái khóm. Tùy theo ý muốn của gia chủ mà thân rồng, phụng được trang trí bằng hoa, trái cau hoặc tai khóm. Tất cả tôi đều phải cẩn thận chọn lựa chuẩn bị từ hôm trước. Vậy mới có thể cho ra được sản phẩm hoàn hảo”.

Chị Nguyễn Thị Thu Thiệt bên tác phẩm của mình

Chị Nguyễn Thị Thu Thiệt bên tác phẩm của mình

Đó cũng là quan điểm của anh Trung. Để có được một chiếc cổng cưới rồng - phụng cỡ vừa thì cả đội của anh phải làm việc liên tục 1,5 ngày. Những trái cau xanh phải được chẻ đôi trước khi đính ghim vào thân rồng, tai khóm đều phải được tỉa theo kích cỡ thích hợp. Độ cong, chín của từng trái ớt cũng được xem xét kỹ. Anh Trung chia sẻ: “Phần tạo hình đầu rồng, phụng có lẽ là phần khó nhất với nhiều chi tiết và cần sự tỉ mỉ cao. Thường tôi sẽ là người đảm nhận phần tạo hình đó, những khâu còn lại các anh em trong đội sẽ cùng san sẻ với nhau”. Chính sự cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng tác phẩm của người thợ là lý do khiến nhiều người chọn lựa dịch vụ tạo hình rồng, phụng cho ngày trọng đại của mình.

Để hoàn thành một sản phẩm rồng, phụng, cần biết bao nhiêu sự tỉ mỉ, kỳ công

Để hoàn thành một sản phẩm rồng, phụng, cần biết bao nhiêu sự tỉ mỉ, kỳ công

Cả anh Trung và chị Thiệt đều không lý giải vì sao mình lại say mê nghệ thuật tạo hình rồng, phụng như vậy. Bởi, sau một sản phẩm là biết bao nhiêu sự tỉ mỉ, kỳ công. Anh, chị đều là người trẻ. Bằng sự say mê học hỏi và lòng kiên trì, anh, chị đã thổi hồn quá khứ cho những hoa, trái tưởng chừng vô tri, vô giác. Và với cùng sự say mê, anh, chị có chung niềm vui được ngắm nhìn tác phẩm của mình khi hoàn tất.

Bằng sự sáng tạo, khéo léo của mình, người thợ tạo hình rồng, phụng bằng hoa, trái giúp những ngày vui thêm phần trang trọng và ý nghĩa./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết


Váy cưới đẹp Cali Bridal
Liên kết hữu ích