Tiếng Việt | English

17/08/2022 - 11:43

Tạo thói quen phân loại rác tại nguồn

Phân loại rác thải tại nguồn đem lại nhiều lợi ích, giúp tiết kiệm tài nguyên, chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường,... Tuy nhiên, việc phân loại rác thải lâu nay chưa được người dân quan tâm đúng mức.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 với nhiều quy định mới liên quan đến việc thu gom rác thải sinh hoạt của hộ gia đình. Để quy định phân loại rác được thực hiện đồng bộ trong thực tế là chuyện không dễ thực hiện trong “một sớm, một chiều”. Điều quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để nâng cao ý thức, hình thành thói quen phân loại rác từ chính mỗi hộ gia đình.

Người dân trên địa bàn tỉnh biết đến “phân loại rác tại nguồn” (PLRTN) từ tháng 8/2020 khi tỉnh phối hợp Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam thực hiện thí điểm PLRTN ở phường 3, TP.Tân An. Đến nay, ngoại trừ hơn 85% hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, nhà hàng, khách sạn, nhà trọ và các hộ kinh doanh trên địa bàn phường 3 biết cách PLRTN, phần lớn người dân trong tỉnh vẫn chưa biết cách phân loại rác thành 3 loại chất thải hữu cơ, chất thải tái chế và chất thải khác. Nhiều người vẫn còn quen bỏ chung tất cả rác vào một túi/thùng rác mà không cần biết những loại rác nào có thể đưa vào tái chế và phục vụ cuộc sống con người.

Để thay đổi thói quen đó, các cấp, ngành, đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các hộ gia đình và cả cộng đồng; triển khai theo lộ trình; đồng thời, lan tỏa, nhân rộng những cách làm hay, mô hình tốt. Không chỉ vậy, còn giải thích cho người dân hiểu thế nào là chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh, chất thải rắn cũng như hướng dẫn cách phân loại rác. Việc xử phạt chỉ là "bất đắc dĩ" khi xảy ra trường hợp cố tình không thực hiện và phải được thực hiện nghiêm minh (Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực từ ngày 25/8/2022).

Theo Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt (rác thải) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Khoản 3, 4, Điều 75 của luật cũng quy định rõ cách thức xử lý chất thải đối với gia đình ở đô thị và khu vực nông thôn. Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị, chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển. Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi; chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển; chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển.

Việc tổ chức phân loại, thu gom chất thải tại nguồn không chỉ bảo vệ môi trường mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Những ích lợi đó có lẽ không cần phải nói nhiều thêm nữa, mà giờ là lúc thúc đẩy nhận thức thành hành động cụ thể, quyết liệt từ mỗi người dân. Bởi lẽ lâu nay, rác thải chưa được các hộ gia đình quan tâm đúng mức và cho rằng, việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện. Thế nhưng, với số lượng rác thải khổng lồ thu gom hàng ngày thì việc các đơn vị quản lý rác thải thực hiện phân loại sẽ khó khăn gấp bội, gây quá tải cho các bãi rác cũng như việc xử lý ô nhiễm môi trường. Do vậy, phân loại rác tại nguồn là một trong những giải pháp nhằm giảm tải áp lực cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý, hạn chế mức độ gây ô nhiễm môi trường. Và ý thức của từng người dân là rất quan trọng trong việc thực hiện. Chính mỗi người dân sẽ là một nhân tố tạo ra đại dương xanh - hành tinh xanh. Trong đó, điều đầu tiên mà ai cũng có thể làm là nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nylon, hộp xốp, không xả rác bừa bãi ra môi trường và tiến tới tự phân loại rác ngay tại nhà.

Với sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, người dân, chắc chắn chương trình PLRTN sẽ thay đổi thói quen và nhận thức của người dân, góp phần giải quyết tình trạng rác thải trên địa bàn./.

Thanh Tuyền

Chia sẻ bài viết