Công nhân làm việc tại cơ sở của chị Lâm
Từ những nguồn vốn
Trước đây, cuộc sống vợ chồng chị Nguyễn Thị Út Tư ở ấp 1 xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng gặp nhiều khó khăn. Không đất đai canh tác, nghề nghiệp không ổn định, toàn bộ chi phí sinh hoạt của 5 người trong gia đình phụ thuộc vào số tiền làm mướn bấp bênh của 2 vợ chồng. Sau khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam xã giới thiệu và tham gia vào tổ tiết kiệm tín dụng (TKTD), chị Tư vay được 10 triệu đồng và mượn thêm của người thân mua bò về nuôi. Từ đó, cuộc sống gia đình chị dần ổn định. Hiện tại, người con lớn đến tuổi trưởng thành và đi làm công nhân, 2 con nhỏ đang đi học. Và niềm vui lớn nhất của gia đình chị là thoát được cái nghèo
.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam huyện Tân Hưng - Đặng Thị Thu Vui cho biết: PN nông thôn còn gặp khó trong việc tìm kiếm việc làm. Do đó, Hội thường tranh thủ các nguồn vốn tạo điều kiện cho chị em phát triển kinh tế. Hiện nay, Hội đang quản lý trên 77 tỉ đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) xét cho vay các chương trình: Hộ nghèo, học sinh, sinh viên, nước sạch, vệ sinh môi trường, thương nhân vùng khó khăn, nhà ở 167, nhà ở cụm dân cư,… Bên cạnh đó, Hội tiếp tục củng cố, duy trì các tổ TKTD (hiện có 179 tổ, giúp cho 268 hộ vay vốn).
Theo Hội LHPN Việt Nam tỉnh, hiện nay, với nguồn vốn trên 1.000 tỉ đồng nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH và trên 120 tỉ đồng vốn TKTD, tiết kiệm tại chi, tổ, các cấp hội trong tỉnh hỗ trợ trên 166.000 lượt hội viên, PN vay phát triển kinh tế gia đình.
Đến các mô hình
Cơ sở may gia công túi xách ở ấp 2 xã Long Định, huyện Cần Đước do chị Đặng Thị Lâm, thành lập đến nay được 5 năm. Chị Lâm chia sẻ, trước đây, chị từng có 11 năm làm công nhân tại huyện Đức Hòa. Lúc ấy, vợ chồng chị bàn nhau tích góp, tiết kiệm tiền bạc để mở cơ sở riêng. Nhờ có tay nghề và mối quan hệ, vợ chồng chị mạnh dạn về Cần Đước lập nghiệp. Đến nay, cơ sở của chị tạo việc làm cho 60 lao động nữ tại các xã Long Định, Long Cang và Phước Vân. Trung bình, mỗi tháng, mỗi người thu nhập khoảng 4 triệu đồng.
Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam xã Long Định - Nguyễn Thị Phương Anh, trước đây PN tại địa phương khó tìm kiếm việc làm. Một số mô hình gia công tại nhà như kết cườm thu nhập không bao nhiêu. Hiện nay, các chị em trong độ tuổi lao động đều đi làm công nhân ở các xí nghiệp trong và ngoài huyện. Hơn nữa, tại xã có mô hình may gia công ở 4 ấp. Riêng cơ sở của chị Lâm, bản thân chị cho mượn máy may, hướng dẫn PN cách may và hỗ trợ tiền điện cho một số PN đem máy may về nhà, giúp đỡ PN nghèo, khó khăn,... nên chị em đều cảm thấy yên lòng.
Thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam tỉnh phối hợp tổ chức dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công; xây dựng các tổ liên kết sản xuất/tổ hợp tác (trong đó, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Tỉnh hội xây dựng 2 tổ liên kết sản xuất tại xã Phước Vân huyện Cần Đước và xã Lộc Giang huyện Đức Hòa); tư vấn và giới thiệu việc làm đối với lao động nữ sau khi học nghề hoặc giới thiệu việc làm trong “Ngày hội việc làm” tại Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tỉnh - Đỗ Thái Mười, kết quả từ công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tác động tích cực đến hỗ trợ PN nghèo là chủ hộ. Theo đó, Hội chỉ đạo các hội cơ sở thực hiện rà soát nắm danh sách hộ nghèo, phân tích nguyên nhân nghèo để có hình thức hỗ trợ thiết thực, phù hợp. Trong nhiệm kỳ, từ sự hỗ trợ của Hội đã giúp 4.304 hộ nghèo do PN làm chủ hộ thoát nghèo, giảm 38,48% hộ nghèo so với đầu nhiệm kỳ và vượt 3,48% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Hội LHPN tỉnh về giúp nữ chủ hộ nghèo thoát nghèo.
Thời gian tới, hội tiếp tục duy trì, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ/nhóm PN giúp nhau như: Tổ TKTD, tổ góp vốn xoay vòng, tổ giúp nhau cải thiện điều kiện sinh hoạt gia đình,... phù hợp điều kiện của từng địa phương; nghiên cứu hình thức tập hợp, liên kết các doanh nghiệp nữ và tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nữ về thông tin, vốn, xây dựng thương hiệu,...
Trong nhiệm kỳ qua, Hội LHPN phối hợp tư vấn và giới thiệu việc làm cho 77.936 lao động, tổ chức cho 16.953 chị em học nghề (chủ yếu nghề ngắn hạn), sau khi học nghề tỷ lệ lao động nữ có việc làm đạt 74%. Năm 2013, Hội LHPN tỉnh tổ chức Ngày hội việc làm nhằm giới thiệu, giải quyết việc làm cho PN và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp, có trên 200 lao động nữ đến tư vấn và tìm việc làm. Phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công.... cho trên 154.000 lượt hội viên PN tham dự. Hội tập trung xây dựng 327 tổ liên kết sản xuất và tổ hợp tác trồng rau màu, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; khuyến khích duy trì ngành nghề truyền thống; qua đó giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động nữ ở nông thôn. |
Thanh Nga