Tiếng Việt | English

14/10/2024 - 20:03

Tập thể dục thế nào khi bị cúm?

Tập thể dục thường xuyên rất tốt cho sức khỏe, giúp chúng ta cảm thấy khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng. Tuy nhiên, khi bị cúm, việc vận động lại có thể gây hại.

Nếu bị cúm, bạn không nên tập luyện với cường độ giống như khi bạn khỏe mạnh. Và nếu bạn bị sốt, hãy đợi cho đến khi hết bệnh hãy đến phòng tập, theo trang sức khỏe Livestrong.com.

Cúm là gì?

Cúm là một bệnh do virus gây ra, khiến chúng ta cảm thấy rất mệt mỏi. Khi bị cúm, người bệnh thường sốt cao, đau đầu, đau cơ, ho nhiều và đau họng. Những triệu chứng này thường xuất hiện đột ngột và nghiêm trọng hơn so với cảm lạnh thông thường.

Khi bị cúm, người bệnh thường sốt cao, đau đầu, đau cơ, ho nhiều và đau họng (Ảnh: Pexels)

Cảm lạnh thường có các triệu chứng nhẹ hơn như sổ mũi, hắt hơi và đau họng. Còn cúm thường gây ra các triệu chứng toàn thân như sốt cao và đau nhức cơ thể.

Tiêm phòng cúm là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Mặc dù đã tiêm phòng, chúng ta vẫn có thể bị cúm, nhưng các triệu chứng sẽ nhẹ hơn và thời gian hồi phục cũng nhanh hơn.

Nếu bị triệu chứng nhẹ vẫn có thể tập thể dục

Tập luyện thường xuyên giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, giúp chúng ta chống lại bệnh tật tốt hơn.

Khi đã mắc bệnh, việc tập luyện cường độ cao có thể khiến cơ thể mệt mỏi hơn và làm chậm quá trình hồi phục.

Thông thường, nếu các triệu chứng cảm cúm chỉ ở mức độ nhẹ như sổ mũi, hắt hơi, bạn vẫn có thể tập thể dục với cường độ vừa phải.

Tuy nhiên, nếu bạn có các triệu chứng nặng hơn như sốt, đau cơ, ho nhiều, chóng mặt, tốt nhất nên nghỉ ngơi hoàn toàn để cơ thể có thời gian phục hồi.

Khi bị cúm, bạn không nên đến phòng tập. Cúm là bệnh lây rất dễ, bạn có thể truyền virus cho người khác qua việc tiếp xúc trực tiếp hoặc qua các dụng cụ tập.

Tập thể dục luôn tốt cho sức khỏe, tuy nhiên khi bị bệnh cúm nên lưu ý (Ảnh: AI)

Có nên tập thể dục khi bị sốt?

Khi bị sốt, nhịp tim của chúng ta tăng lên để đưa máu đi khắp cơ thể và giúp chống lại vi khuẩn hoặc virus gây bệnh.

Nếu cố gắng tập thể dục khi đang sốt, chúng ta sẽ khiến tim phải làm việc vất vả hơn nữa. Điều này có thể gây ra nhiều vấn đề cho tim, thậm chí trong một số trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến suy tim.

Ngoài ra, sốt còn khiến cơ thể mất nước rất nhanh. Tập thể dục khi đang sốt sẽ làm tình trạng mất nước trở nên nghiêm trọng hơn.

Vì vậy, khi bị sốt, điều quan trọng nhất là chúng ta nên nghỉ ngơi để cơ thể có đủ thời gian phục hồi.

Có nên tăng cường độ tập luyện ngay sau khi khỏi bệnh?

Theo các chuyên gia y tế, việc tăng cường cường độ tập luyện ngay sau khi khỏi bệnh là điều không nên. Hệ miễn dịch của cơ thể cần thời gian để phục hồi hoàn toàn.

Do đó, việc quay lại tập luyện nên được thực hiện từ từ và nhẹ nhàng. Nếu bạn từng bị sốt, hãy đợi ít nhất vài ngày sau khi sốt giảm để bắt đầu tập luyện trở lại, theo NYU Langone.

Các chuyên gia khuyến cáo, trong những buổi tập đầu tiên, bạn hãy chọn các bài tập có cường độ thấp để tránh bị hụt hơi. Điều này giúp cơ thể thích nghi dần với việc vận động trở lại, theo Harvard Health Publishing./.

Tập thể dục: Thực phẩm nào nên ăn và cần tránh?

Tập thể dục: Thực phẩm nào nên ăn và cần tránh? 

Tập thể dục thường xuyên rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, chế độ ăn uống cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng để giúp bạn đạt được kết quả tốt nhất.

Theo thanhnien.vn

Nguồn: https://thanhnien.vn/tap-the-duc-the-nao-khi-bi-cum-185241014170855095.htm

 
Chia sẻ bài viết